Ngày 11/11/2019, tại TP. HCM, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp của APEC (ABAC) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 4 về tài trợ chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Hội nghị, các diễn giả cùng các đại biểu đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về mở rộng thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng như các nền kinh tế mới nổi khác của APEC.
Doanh nghiệp và ngân hàng cùng gặp khó
Dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng là một trong những yếu tố thiết yếu để cải thiện khả năng cạnh tranh của các chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng không chỉ giúp các nhà cung cấp và phân phối tăng vốn lưu động, mà còn cho phép họ thực hiện nhiều giao dịch ghi sổ hơn nữa, do đó có lợi thế thu hút các nhà thu mua toàn cầu hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tiến Thịnh cho biết, doanh nghiệp của ông đã có 10 năm tham gia chuỗi cung ứng của tổ chức tài chính thế giới, tuy nhiên việc mở rộng tham gia thêm vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là rất khó khăn. Đa số các tập đoàn đa quốc gia đều có sẵn hệ thống nhà cung cấp khi chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam. Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI trong nước đều phải chờ xin ý kiến từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài và phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe.
Bên cạnh đó để được tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua 2 yếu tố là chất lượng và giá thành. Các đơn vị mua hàng thường lấy giá tại Trung Quốc - công xưởng sản xuất của thế giới, để mua giá toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, chuỗi cung ứng bị đứt nhiều đoạn, khiến không đạt yêu cầu về giá. Để phát triển sản xuất phải vay vốn ngân hàng, mà các ngân hàng Việt Nam chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng HDBank cũng cho rằng, các ngân hàng đều muốn mở rộng tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp chưa niêm yết, báo cáo không được kiểm toán sẽ khó tin cậy. Do đó, các ngân hàng vẫn phải dựa nhiều vào tài sản đảm bảo khi cấp tín dụng, tài trợ thương mại. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng sẽ hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc xác minh, xác thực công nợ của khách hàng. Việc kết nối của các tập đoàn lớn với các ứng dụng công nghệ tài chính cũng giúp các tổ chức tín dụng tin tưởng hơn, mạnh dạn tài trợ vốn vào các hợp đồng trả sau.
Khuyến khích hoạt động tài trợ thương mại
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, mở rộng tài trợ chuỗi cung ứng là một giải pháp hữu ích, không chỉ giúp các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa, mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát được dòng tiền, làm cơ sở mở rộng tín dụng đối với khách hàng tham gia chuỗi cung ứng.
Theo thông tin từ ngân hàng Nhà nước ngày 12/6/2017 Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Để triển khai Luật, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, ngân hàng Nhà nước đã và đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý góp phần hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động của chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm và chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tài trợ chuỗi. Tuy nhiên, hiện nay việc tài trợ chuỗi cung ứng còn gặp khó khăn do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch, năng lực quản trị doanh nghiệp (về tài chính, lao động, công nghệ,…) còn hạn chế khi tham gia các chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu; thiếu hệ thống thông tin chuyên sâu về khách hàng (big data) và về sàn giao dịch điện tử (e-platform).
Việt Nam cần phát triển hơn nữa nền tảng thị trường tài trợ chuỗi cung ứng cùng với sự khuyến khích, tham gia của Chính phủ nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng. Theo ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng Khu vực Tài chính của IFC, Việt Nam cần hình thành một hiệp hội về tài trợ chuỗi cung ứng để hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kết nối, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì hiện nay, cơ hội dịch chuyển các ngành sản xuất hàng hóa ở các quốc gia sang Việt Nam khá lớn, động lực thị trường chuỗi cung ứng đang được đánh giá là mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á và có nhiều dư địa để phát triển.