Quy chuẩn báo hiệu đường bộ mới đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, tài xế cần lưu ý để tránh bị phạt lỗi không đáng có - Ảnh minh họa
Quy chuẩn báo hiệu đường bộ mới đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, tài xế cần lưu ý để tránh bị phạt lỗi không đáng có - Ảnh minh họa
Ford Ranger XLS đời 2013, Ford Ranger XLS đời 2015... sẽ không được vào thành phố
Từ 1/7, Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu giao thông đường bộ (QCVN 41:2019) của Bộ GTVT đã chính thức có hiệu lực.
Một điểm đáng chú ý trong quy chuẩn mới là các xe bán tải (pick-up), xe tải van có khối lượng hàng chuyên chở dưới 950 kg, xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg được xem là xe con.
Trong khi đó, các xe pick-up, xe tải van có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên sẽ bị coi là xe tải (trước đây các loại xe bán tải, xe van có khối lượng hàng chuyên chở dưới 1.500 kg vẫn được coi là xe con).
Như vậy, từ 1/7 có khá nhiều mẫu xe bán tải sẽ bị cấm vào thành phố. Điển hình như Ford Ranger XLS đời 2013, Ford Ranger XLS đời 2015...
Anh Nguyễn Mạnh Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khá bất ngờ khi được hỏi về việc một số loại xe bán tải đi vào thành phố: “Giờ tôi mới biết quy định này, nếu cô không hỏi chắc tôi cũng không để ý luôn. Xe của tôi có khối lượng chuyên chở 958 kg. Như vậy, theo quy định mới là xe của tôi không được vào nội thành. Nếu vậy thì khó quá, vì trước nay tôi vẫn đi bằng xe này bình thường.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị viên diễn đàn Oto+ cho rằng, quy định xe tải dưới 1,5 tấn không được xem là xe con sẽ loại bỏ được tình trạng lách luật của các chủ xe, cố tình hạ cân để được chạy trong phố.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, hiện nhu cầu của người dân là có thật, nên tổ chức giao thông cho loại xe tải Van được đi vào trong phố. Nếu người dân phải dùng phương tiện khác với khối lượng chuyên chở không lớn sẽ ảnh hưởng đến an toàn.
Chạy tối đa 60km qua khu đông dân cư
Ngoài ra, quy chuẩn mới cũng sửa quy định về biển báo khu đông dân cư, buộc tài xế cần phải cập nhật và ghi nhớ.
Trong phạm vi khu đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông là 50 km/h và 60 km/h tùy theo từng loại đường.
Anh Phạm Minh Long, một tài xế chạy xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng bày tỏ, khó nhất là khi đang điều khiển xe, tài xế phải chú ý quan sát biển báo đã hết khu dân cư hay chưa và các loại đặt ở đâu đó trên đường. Khi thấy có biển báo, tài xế phải chú ý quan sát xem đó có phải là biển hết khu dân cư hay chưa, e là sẽ bị phân tán, mất tập trung khi lái xe.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng nói: Quy chuẩn mới đã có thay đổi tích cực, tiệm cận hội nhập với công ước Viên. Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, người Việt cũng học tập và công tác ở nhiều nước, những thay đổi này sẽ giúp cho quy tắc tham gia giao thông của người Việt gần với quốc tế hơn. Mỗi lái xe cần tuân thủ pháp luật giao thông, mỗi người chấp hành tốt, sẽ giúp cho văn hóa giao thông tốt lên.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tống Văn Thuận, giáo viên dạy lái xe Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng, cơ bản tài xế đã được học kỹ các loại biển báo hiệu tại các cơ sở đào tạo lái xe.
Tài xế cũng phải trải qua các kỳ thi lý thuyết và thực hành đòi hỏi học viên phải đi học kỹ mới thi được.
Tuy nhiên, theo ông Thuận, trên thực tế có nhiều tài xế thường bị phạt do biển báo hướng đi phải theo, đặc biệt các loại biển cấm, biển hiệu lệnh dễ gây nhầm lẫn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhìn nhận, các loại biển báo là nội dung cơ bản trong quá trình đào tạo lái xe. Về nguyên tắc, khi lái xe các tài xế phải quan sát và chấp hành biển báo để tuân thủ.
Vì vậy, có quy định mới thì tài xế cần cập nhật và tuân thủ quy định về giao thông đường bộ để không gây ra ùn tắc cũng như các tình huống mất an toàn không đáng có.