Theo Bộ Công Thương, đến nay VN đã tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, VN cũng đang đàm phán 6 FTA khác, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) sẽ hoàn tất vào cuối năm 2013 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) dự kiến hoàn tất vào năm 2015. Nếu VN thực hiện đầy đủ các hiệp định đã ký thì từ nay đến năm 2018, GDP của VN sẽ tăng ba điểm phần trăm/năm, lợi ích ròng đạt 2,4 tỉ USD/năm!
Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất các hiệp định hướng tới là tự do hóa thương mại xuất nhập khẩu (XNK), tạo hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN).
Cần thấy rằng, ngày nay đại bộ phận DN XNK VN đã có tầm nhìn xuyên suốt chuỗi cung ứng để có thể chủ động và tận dụng đầy đủ các ưu đãi về thuế quan, nguồn xuất xứ nguyên liệu… đến việc phân phối thị trường nào, thời điểm nào… cũng như chủ động hơn trong việc đàm phán các phương thức mua bán, quyền vận tải và logistics. Như vậy việc tận dụng FTA trong tình hình hiện nay chính là cơ hội để phát triển XNK và dịch vụ logistics. Tuy vậy sẽ có một chút khiên cưỡng khi kết hợp việc tận dụng FTA với sử dụng Incoterms 2010, nhưng đây đang là cách thực hành tốt nhất (best practice) đối với các DN XNK và DN logistics VN.
FTA: CÚ HÍCH CHO XNK VÀ LOGISTICS
Mười nước thành viên ASEAN đang nỗ lực hướng đến xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Cùng với AEC, VN đang tham gia và thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ - đó là các nước đối tác ASEAN+1. Tất cả đều được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội tốt đối với thương mại XNK và đầu tư của VN.
Thông qua các hiệp định FTA, phần lớn hàng xuất khẩu của VN đã, đang và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Trong giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của VN sang các nước ASEAN+1 là hơn 20%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung (khoảng 15%) và cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu trong cùng thời kỳ. Do hiệu ứng của FTA, diện mặt hàng xuất khẩu sang một số đối tác, như ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản đã đa dạng hơn. Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu chính của VN đều có khả năng hưởng lợi từ AEC và các FTA ASEAN+.
Các DN của VN ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc tận dụng các ưu đãi về thuế quan từ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O - Certificate of Origin) - chứng từ quan trọng trong bộ hồ sơ XNK để đảm bảo quyền ưu đãi trong các FTA. Tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi của VN cao so với các đối tác trong khu vực và luôn có xu hướng tăng lên qua các năm thực hiện với giá trị đơn hàng tăng cao. Thí dụ, riêng với Hàn Quốc, trên 90% hàng xuất khẩu của VN được hưởng ưu đãi về thuế thông qua FTA ASEAN - Hàn Quốc. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang một số nước có FTA đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, trong đó, khu vực ASEAN tăng trưởng khoảng 27,2%; Nhật Bản tăng 39%; Hàn Quốc tăng 18%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,5 tỷ USD. Dự kiến, sau khi kết thúc phiên đàm phán TPP và đàm phán FTA với EU, dung lượng thị trường FTA sẽ lớn hơn rất nhiều, chiếm khoảng 86% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Các hiệp định AEC và ASEAN+ còn giúp ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu. Do nhập khẩu thường xuyên chiếm khoảng 80% GDP của VN nên việc ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc duy trì tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng xuất khẩu nói riêng.
Để đạt mục tiêu năm 2013 xuất khẩu đạt khoảng 126,1 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2012) trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn này, việc tận dụng những ưu đãi thuế quan thông qua các FTA giữa VN và các nước, được coi là một trong những “chìa khoá” hữu hiệu giúp DN tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào nhiều thị trường.
Rõ ràng việc phát huy các ưu đãi của các FTA là cơ hội không những cho các DN XNK mà còn là cơ hội cho các DN logistics VN!
KẾP HỢP FTA VỚI INCOTERMS 2010: TĂNG THẾ CẠNH TRANH CHO DN XNK VÀ LOGISTICS
Incoterms 2010 là một là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới từ khi ra đời đến nay đã hơn 75 năm và qua 5 lần sửa đổi bổ sung. Nó cũng được xếp vào nội dung các tiêu chí tạo thuận lợi thương mại trên toàn thế giới.
Việc kết hợp Incoterms 2010 vào quá trình tận dụng ưu đãi từ các FTA sẽ là các thực hành tốt nhất trong giai đoạn hiện nay. Hiệu quả từ việc kết hợp tận dụng FTA và vận dụng Incoterms 2010 vào đàm phán các hợp đồng ngoại thương sẽ được nhân đôi, nó cũng là các chỉ dẫn cần thiết trong việc quản lý rủi ro, giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ và làm tăng lợi thế cạnh tranh chuỗi cung ứng của DN XNK.
Đối với các DN dịch vụ logistics, việc chủ động lựa chọn phương thức mua bán theo Incoterms 2010 của DN XNK sẽ là tiền đề và cơ hội tiếp cận và cung cấp các dịch vụ vận tải - logistics theo đúng yêu cầu và đặc trưng hàng hóa mà DN XNK có thể kỳ vọng trong chuỗi cung ứng của mình với mục tiêu đúng chi phí, đúng thời gian và đúng địa điểm. Hoàn toàn khác với tập quán truyền thống trước đây (mua CIF bán FOB), việc xem nhẹ, phó thác cho đối tác hoặc không kiểm soát được quá trình thuê vận tải – logistics đã có lúc gây ra các thiệt hại, hoặc tăng chi phí, rủi ro... cho DN XNK.
Thực ra tập quán mua CIF bán FOB của các DN XNK VN đã tồn tại khá dai dẳng, thậm chí các khuyến cáo còn nêu ra tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng tập quán này sẽ làm mất kim ngạch XNK cả nước, mất công ăn việc làm một số ngành như vận tải biển, bảo hiểm...
Ngày nay, các vấn đề nêu trên đã có một số tín hiệu thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng chưa thật sự vững chắc. Incoterms 2010 cần phải được kết hợp với ý thức vươn lên chuyên nghiệp từ các DN XNK và đặt trong môi trường thương mại tự do, nhiều thuận lợi thương mại nhưng cũng đồng thời gia tăng tính chất cạnh tranh phức tạp trên quy mô khu vực và toàn cầu.
Kết hợp tận dụng FTA và chủ động lựa chọn Incoterms 2010, giành lại quyền vận tải - logistics cho DN XNK và DN dịch vụ logistics VN là một thực hành khôn ngoan!
LÀM GÌ ĐỂ PHÁT HUY ƯU ĐÃI TỪ FTA VÀ VẬN DỤNG HIỆU QUẢ INCOTERMS 2010
Mốc thời gian hướng tới việc thiết lập AEC cũng như hoàn thành các Hiệp định FTA đang đến gần. Đã có ý kiến cho rằng các DN VN chưa hiểu biết nhiều về FTA và các cách tận dụng FTA nên áp dụng vào thực tế còn lúng túng. DN cũng chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các FTA với VN. Cùng với đó, hầu hết DN chưa nắm bắt hay cập nhật được đầy đủ các thông tin về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch động thực vật. DN chưa nghiên cứu cụ thể về quy tắc xuất xứ, mức cắt giảm thuế quan trước khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, XNK. Và… hiểu biết về Incoterms 2010, chuỗi cung ứng còn mơ hồ, chưa đủ tự tin và thiếu cơ hội được tiếp cận hoặc được tư vấn đầy đủ từ các DN vận tải và dịch vụ logistics cũng như bảo hiểm, ngân hàng…
Thực trạng đó cần có một số giải pháp dưới đây:
DN XNK cải thiện năng lực kinh doanh, makerting, xây dựng thương hiệu, dịch vụ khách hàng… Hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình trong đó chú trọng quản lý logistics, làm chủ quyền thuê và kiểm soát vận tải - logistics, linh hoạt sử dụng Incoterms 2010 trong các hợp đồng ngoại thương…
DN XNK cần phải chủ động hơn nữa để nắm bắt tốt những cơ hội và vượt qua những thử thách mà các FTA này mang lại, nghiên cứu quy tắc xuất xứ, mức cắt giảm thuế quan, các hàng rào kỹ thuật… một cách thấu đáo và chuẩn bị đàm phán hợp đồng ngoại thương hiệu quả. Các DN XNK nhỏ, cùng loại hình, có mối quan hệ tin cậy nên kết hợp với nhau trong những giao dịch thương mại, tập hợp vốn để thực hiện thành công những thương vụ “mua FOB, bán CIF” (có nghĩa là thay đổi tập quán truyền thống để lựa chọn phương thức mua bán phù hợp theo Incoterms 2010, chủ động quản lý logistics, giảm rủi ro).
Các DN vận tải biển, dịch vụ logistics VN (kể cả DN bảo hiểm, ngân hàng…) phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các DN XNK, nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu và tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ VN. Cần nhanh chóng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức về thương mại quốc tế để hỗ trợ đắc lực cho các DN XNK khi thực hiện "mua FOB, bán CIF". Đó cũng chính là bước chuẩn bị quan trọng để củng cố và gia tăng thị phần vận tải biển - logicstics đối với hàng hóa XNK VN, khi thực hiện các FTA song phương và đa phương sắp tới cũng như việc mở cửa thị trường này theo cam kết WTO vào năm 2014.
Chính phủ và các Bộ, ngành cần nghiên cứu các chính sách tạo thuận lợi thương mại, logistics cho DN (các thủ tục XNK, chứng nhận xuất xứ (C/O), hải quan, vận chuyển qua biên giới, ưu đãi thuế…). Thí dụ vừa qua có một số đề án chương trình hành động thực hiện chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030, hay là đề án nâng cao năng lực thị phần các DN vận tải biển VN…
Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), và các Hiệp hội ngành hàng cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung các FTA, kể cả trong quá trình đàm phán như hiệp định TPP, RCEP hiện nay.
Vấn đề nào cũng có hai mặt, bên cạnh các ưu đãi do các FTA mang lại, chúng ta sẽ phải đối mặt với các thách thức và các rào cản kỹ thuật phát sinh từ các FTA. Lựa chọn các ưu đãi có lợi về mặt thuế quan trong các hiệp định FTA, vận dụng hiệu quả Incoterms 2010 là chìa khóa cho các nhà XNK VN trong giai đoạn hiện nay, làm tăng tính cạnh tranh chuỗi cung ứng VN góp phần phát triển XNK và ngành dịch vụ logistics VN lên một tầm cao mới.