Chiến lược phát triển xuất khẩu mà Chính phủ đã phê duyệt, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ cân bằng cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu
40% doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng lợi thế FTA
Cũng theo ông Võ Tân Thành, tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt hơn 200 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 60 tỷ USD, tăng gần 17%. Còn lại là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Kim ngạch xuất khẩu cũng ghi nhận sự tăng mạnh một số mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện đạt hơn 41 tỷ USD, tăng hơn 10%; hàng dệt may đạt gần 26 tỷ USD, tăng hơn 17%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt gần 25 tỷ USD, tăng gần 16%. Ngoài ra, còn có một số mặt hàng chủ lực khác như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, giày dép,… cũng duy trì mức tăng trưởng hơn 10% - gần 30% trong nhiều năm qua.
Phân tích về thuận lợi của thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Tính đến nay, Việt Nam đã ký hoàn tất tham gia 13 hiệp định tự do thương mại (FTA), trong đó, 10 FTA đã có hiệu lực. Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến chính thức có hiệu lực trong tháng 02.2019. Còn 2 FTA còn lại đang được các nước nỗ lực thông qua vào đầu năm tới.
Cũng theo ông Võ Tân Thành, trong chiến lược phát triển xuất khẩu mà Chính phủ đã phê duyệt, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ cân bằng cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ năm 2021, cán cân thương mại Việt Nam sẽ là xuất siêu. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện cán cân thương mại Việt Nam đang ở mức xuất siêu. Dự kiến, cuối năm 2018, nước ta xuất siêu dao động ở mức 7 tỷ USD.
Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù cán cân thương mại Việt Nam đang xuất siêu nhưng chưa thực sự bền vững do phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Hiện doanh nghiệp FDI chiếm 70%/tổng kim ngạch xuất khẩu; số còn lại là doanh nghiệp trong nước. Chưa kể, phần lớn trang thiết bị, công nghệ, nguyên liệu sản xuất để xuất khẩu tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu chiếm hơn 60% nên giá trị gia tăng xuất khẩu không cao. Chưa hết, khảo sát Jetro cho thấy, lợi thế FTA nhiều nhưng việc tận dụng thực tế vẫn còn rất hạn chế, hiện chỉ có 40% doanh nghiệp trong nước tận dụng lợi thế từ các FTA.
Gỡ rào chất lượng, công nghệ cho doanh nghiệp
Một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu là dịch vụ logistics nhưng hoạt động này tại Việt Nam đang rất hạn chế.
Ông Tô Chí Bình, Công ty Bee Logistics cho biết thêm, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 25% thị phần logistics doanh nghiệp xuất khẩu; còn lại rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Nguyên nhân do quy mô cũng như nội lực doanh nghiệp Việt nhỏ, manh mún và chỉ cung ứng được một phần trong chuỗi dịch vụ khép kín.
Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp hoạt động thiếu ổn định, không đảm bảo cam kết, thiếu đồng bộ và chậm đổi mới, gây mất niềm tin khách hàng. Khách quan về phía nhà xuất khẩu là tâm lý thiếu niềm tin vào khả năng cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam nên vẫn chọn dịch vụ cung ứng của doanh nghiệp ngoại. Thực trạng dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu do giá thành sản phẩm cao.
Theo nhiều diễn giả tham dự diễn đàn, hiện hơn 90% doanh nghiệp nội là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ cung ứng sản phẩm được cho doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, để có thể gia tăng khả năng xuất khẩu doanh nghiệp, cần thiết phải cải thiện nội lực sản xuất của doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết, Dự án Usaid đang có chính sách hỗ trợ cải thiện nội lực sản xuất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng chi phí hỗ trợ là 22,1 tỷ USD. Doanh nghiệp nội khi tham gia dự án này sẽ được hỗ trợ tiếp cận với doanh nghiệp thu mua, được tạo thuận lợi trong giao dịch thương mại để qua đó doanh nghiệp nội sẽ giảm được chi phí, thời gian trong việc tìm kiếm nhà cung cấp cũng như chi phí vận hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần thiết phải chủ động đổi mới công nghệ, trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm… đáp ứng yêu cầu của người mua. Riêng với những thị trường khó tính nhưng tiềm năng như Mỹ, liên minh các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thì ngoài những tiêu chuẩn chung toàn cầu, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các rào cản kỹ thuật riêng của từng nước. Các rào cản kỹ thuật này cũng rất thường xuyên thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt và chuyển đổi kịp thời.
Ở góc độ quản lý, ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, nông dân thực hành canh tác đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Về phía Bộ phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành phân loại ngành hàng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu, song song đó kết hợp tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Và trong thời gian tới, cùng với hàng loạt chính sách ưu đãi về đất đầu tư, vốn, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp,… có hiệu lực áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kỳ vọng số dự án đầu tư cho sản phẩm chủ lực xuất khẩu sẽ tăng nhanh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt trong thời gian tới.