Tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu

11/06/2021 08:03

(VLR) Tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại cả 5 tháng đầu năm đảo chiều với con số thâm hụt gần 500 triệu USD.

Nhập siêu 500 triệu USD trong 5 tháng đầu năm

Nhập siêu 500 triệu USD trong 5 tháng đầu năm

Tuy nhiên, con số nhập siêu không đáng ngại do nhập khẩu chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Cụ thể, tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 26,13 tỷ USD, giảm nhẹ 1,3% so với tháng 4 trước đó. Dù kim ngạch xuất khẩu tháng 5 giảm nhẹ, nhưng tính chung cả 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao 30,9% so với cùng kỳ 2020 đạt 131,13 tỷ USD.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tháng 5 đạt 28,23 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 4/2021. Tháng 5 có 5 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,6 tỷ USD, giảm 1,4%, đây là nhóm hàng chủ lực duy nhất sụt giảm.

4 nhóm hàng nhập khẩu lớn duy trì tăng trưởng dương là máy móc thiết bị đạt 4,16 tỷ USD, tăng 5,9%; điện thoại và linh kiện đạt 1,42 tỷ USD, tăng 5,4%; vải đtạ 1,5 tỷ USD, tăng 6,7%; chất dẻo nguyên liệu đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 4,8%.

Lũy kế hết tháng 5, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,6 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ 2020. Như vậy, hết tháng 5, nước ta nhập siêu gần 500 triệu USD.

5 tháng đầu năm, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 263 tỷ USD, tương đương con số bình quân khoảng 52,5 tỷ USD/tháng.

Chia sẻ về tình hình nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2021, ông Phạm Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương cho rằng, việc nhập siêu không đáng ngại, bởi hoạt động này cho thấy Việt Nam đang nối lại sản xuất với các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời kỳ Covid-19, dẫn đến hàng hóa đã được lưu thông (hàng nhập về tăng) để có nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Từ con số các ngành hàng nhập khẩu chủ lực cho thấy các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là các nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Ví dụ như linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ, và do vậy sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi trở lại như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại di động… cũng bị ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, chỉ một số bộ phận bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đương nhiên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu tăng lên thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.

So với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 131 tỷ USD, nhập siêu chỉ chiếm dưới 0,3%. Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam là kiểm soát nhập siêu dưới 4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, con số này là chưa đáng lo ngại.

Với nhiều biện pháp quyết liệt, linh hoạt và hợp lý của Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt, nhất là các địa phương có khu công nghiệp. Cùng với dự báo về sự hồi phục của kinh tế, cán cân thương mại dự báo có thể được cải thiện ngay trong quý III/2021.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO