Thành lập 25 khu kinh tế cửa khẩu khu vực biên giới

Duy Ngợi|16/08/2021 15:47

(VLR) Sáng 16/8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo 25 tỉnh biên giới; Cục Quản lý thị trường và các ban, ngành liên quan của 25 tỉnh biên giới.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Hồng Nhung)

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Hồng Nhung)

Hội nghị đã nghe Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi trình bày báo cáo tổng hợp về tình hình phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Trong đó, việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới đã chủ động, tích cực khắc phục, nỗ lực vươn lên, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế tại khu vực biên giới. Kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. Nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nông lâm, thủy sản tăng trưởng ở mức khá. Quan hệ qua biên giới được các tỉnh biên giới, chính quyền khu vực biên giới duy trì tốt thông qua các cơ chế giao lưu, làm việc định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi duy trì mô hình thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại qua biên giới không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19. Bước đầu, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp. Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.

Tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế-xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển, so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%). Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.

Một góc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: H.L

Một góc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: H.L

Báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn hạn chế nêu trên gồm: Công tác quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung và khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch. Cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều bất cập, chưa có nhiều ưu đãi đột phá nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Việc chưa kịp thời nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới để theo kịp với nhu cầu giao thương giữa khu vực biên giới và các nước láng giềng cũng là một nguyên nhân hạn chế phần nào phát triển kinh tế của khu vực biên giới. Một số địa phương chưa nắm chắc và thực hiện đúng các quy định liên quan của Chính phủ liên quan đến quản lý cửa khẩu nên công tác xin phép, triển khai mở mới, nâng cấp cửa khẩu còn mất nhiều thời gian.

Báo cáo tổng hợp cũng đã trình bày tóm tắt hơn 200 kiến nghị của các tỉnh về phát triển kinh tế khu vực biên giới, được chia vào 8 nhóm vấn đề gồm: hạ tầng giao thông; nâng cấp, mở mới các cửa khẩu; hạ tầng thương mại biên giới; phát triển điện lực; phát triển công nghiệp; xúc tiến thương mại – xuất nhập khẩu; quản lý thị trường...

Tại Hội nghị, Lãnh đạo các địa phương đã thẳng thắn trao đổi, phân tích sâu hơn những khó khăn, tồn tại và trình bày chi tiết, làm rõ hơn các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển bứt phá trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và đại diện các Đơn vị của Bộ Công Thương đã phản hồi, trao đổi lại đối với các kiến nghị của địa phương trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ các tỉnh biên giới phát triển.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thành lập 25 khu kinh tế cửa khẩu khu vực biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO