Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động - TGDĐ, mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên năm 2019.
Cụ thể, doanh thu thuần 25.017 tỉ và lãi sau thuế là 1.041 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 10% và 29% so với cùng kì năm 2018. Kết quả này TGDĐ đã hoàn thành 23% mục tiêu doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho cả năm nay.
Đáng chú ý, chuỗi thegioididong.com thu về được 8.755 tỉ đồng, đóng góp 35% doanh thu của toàn hệ thống. Trong khi đó, cùng kì năm 2018, chuỗi bán lẻ điện thoại đóng góp đến 42% cơ cấu doanh thu.
Cùng kì năm 2017, tỉ lệ đóng góp của chuỗi điện thoại lên đến 58% cho công ty mẹ. Như vậy, trong 3 năm gần đây, cơ cấu doanh thu của chuỗi thegioididong.com đã liên tục sụt giảm.
Dù kinh doanh chính ở lĩnh vực điện thoại và cũng khởi nghiệp bắt đầu từ điện thoại, nhưng ngành hàng này trong 3 tháng đầu năm 2019 của TGDĐ tăng trưởng chỉ 3%. Các đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng của TGDĐ đang chủ yếu đến từ ngành hàng điện máy và một phần từ mảng mới - Bách Hoá Xanh.
Ở thời điểm phát triển thần tốc, chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại mang thương hiệu Thegioididong.com của Công ty CP Thế Giới Di Động (TGDĐ), có thể mở hơn 2 cửa hàng mới mỗi ngày. Thậm chí tại nhiều khu vực ở TP HCM, chuỗi điện thoại này hiện diện dày đặc, có nơi các cửa hàng cách nhau chỉ vài trăm mét.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Thegioididong.com đã có dấu hiệu chững lại gần đây, doanh thu không còn tăng trưởng mạnh như trước. Doanh nghiệp cũng không mở thêm nhiều cửa hàng mới, trong khi hàng chục cửa hàng cũ lại đóng cửa hoặc chuyển sang bán điện máy trong vòng hơn một năm qua.
Tháng 9/2017, cửa hàng kinh doanh điện thoại đầu tiên của TGDĐ tại TP HCM đóng cửa, với lí do trả mặt bằng. Cuối năm này, chuỗi Thegioididong.com có tổng cộng 1.072 điểm kinh doanh.
Đây cũng là thời điểm chuỗi này có nhiều cửa hàng nhất, với tần suất hiện diện gần như trên khắp cả nước. Tuy nhiên, việc "khai tử" cửa hàng đầu tiên, được xem là phát pháo bắt đầu cho sự sụt giảm cửa hàng kinh doanh điện thoại và các thiết bị công nghệ của Thế Giới Di Động.
Đầu năm 2018, một cửa hàng khác thuộc chuỗi Thegioididong.com cũng bị đóng cửa. Và ngay trong tháng 4/2018, Thế Giới Di Động tuyên bố đã đóng cửa 6 điểm kinh doanh khác thuộc chuỗi. Đến cuối năm 2018, tổng số điểm kinh doanh của thegioididong.com chỉ còn 1.032 cửa hàng, tức giảm 40 cửa hàng chỉ trong một năm.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, Thế Giới Di Động tiếp tục đóng 8 cửa hàng khác thuộc chuỗi điện thoại thegioididong.com. Như vậy, từ việc đạt đỉnh vào cuối 2017, doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đã liên tục giảm số lượng thuộc chuỗi kinh doanh này.
Thực tế, việc giảm số lượng cửa hàng thegioididong.com phần lớn đến từ kết quả doanh thu không mấy khả quan, ấn tượng như trước đây.
Giải thích về tốc độ tăng trưởng khiêm tốn của mảng điện thoại, lãnh đạo TGDĐ cho hay do đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi vào dịp Tết Nguyên đán, đồng thời các hãng điện thoại cũng ít tung ra mẫu mã mới ở thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến mảng kinh doanh điện thoại hết thời kì hoàng kim - thời kì "gà đẻ trứng vàng" cho TGDĐ, là thị trường này đang bước vào giai đoạn bão hòa.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, ngành hàng điện thoại được dự báo chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2019, sau thời gian tăng trưởng nóng vào các năm trước, giúp tình hình kinh doanh của Thế Giới Di Động gặt được nhiều kết quả ấn tượng.
Sự chững lại của thị trường điện thoại đã bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh chuỗi thegioididong.com của ông Nguyễn Đức Tài. Các quý tiếp theo của năm 2019 cũng được dự báo không mấy khả quan trong bối cảnh chung.
Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động - ông Nguyễn Đức Tài, cũng nhìn nhận thực tế này tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa tổ chức.
"Bản thân tôi đang xài một chiếc điện thoại cũ, chiếc điện thoại vẫn tốt và thấy không có lí do gì để đổi nó". Ông Tài nói và cho rằng hiện đã qua thời khách xếp hàng dài háo hức chờ đợi để mua một chiếc điện thoại.
Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho rằng đây là biểu hiện rõ nhất cho thấy thị trường điện thoại di động đang chững lại gần đây. Đặc biệt năm 2019 là năm đầu tiên điện thoại được dự báo giậm chân tại chỗ, nếu không có một "siêu phẩm" nào khiến khuynh đảo thị trường được tung ra.