Theo anh về miền Tây xứ Nghệ

An Yên|13/05/2019 09:15

(VLR) Nói đến xứ Nghệ, chúng ta nhớ về một vùng văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc, từ giọng nói, những làn điệu ví, câu hát dân ca, núi Hồng sông Lam, miếng trầu bát nước... đến những con người giàu nghĩa khí, đậm nghĩa tình. Đây cũng là xứ sở có nhiều địa danh tham quan du lịch hấp dẫn chưa khai thác nhiều nên còn ẩn chứa trọn vẹn vẻ nguyên sơ thuần chất của mảnh đất miền Trung.

“Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn...”

(Nguyễn Bùi Vợi)

Miền tây xứ Nghệ là một vùng bán sơn địa rộng lớn, với đặc trưng địa văn hóa độc đáo, đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên sinh thái kể cả sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Miền Tây xứ Nghệ có diện tích bằng 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh Nghệ An, với dân số 1,2 triệu người và 11 huyện thị. Đây là cái nôi văn hóa rực rỡ sắc màu của đồng bào Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai, Thổ,... tạo nên một bức tranh đa dạng của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao Nghệ An.

Cách thành phố Vinh 120km về phía Tây Nam, Con Cuông là một huyện miền núi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên quý giá mang vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của khu rừng nguyên sinh với sự đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam. Đây là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Pù Mát là đỉnh núi cao nhất (1.814m) trong khu vực, được UNESCO công nhận là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển năm 2007, nằm trên sườn Đông của dải Trường Sơn dọc theo biên giới Việt - Lào. Nơi đây có nhiều loài động, thực vật quý hiếm được bảo tồn nghiêm ngặt như: sao la, thỏ vằn, niệc cổ hung và một số loài thực vật như pơ mu, sa mu, sao hải nam... Pù Mát có rừng cây săng lẻ thuần cổ thụ cao 50m tỏa bóng mát quanh năm, tiếng chim ríu ran ca hót, vệt nắng len qua kẽ lá, say sưa với những giọt sương mai trong lành; Thác Khe Kèm nguyên sơ, đúng như tên gọi “dải lụa trắng bình yên” đổ nước tạo nên một không gian lắng đọng tĩnh tại tách biệt với thế giới bên ngoài; Giữa hai triền núi đá vôi, xen giữa những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, dòng sông Giăng tuôn chảy về xuôi, điệu đà điểm trang hai bên bờ là muôn sắc hoa phong lan rừng bung nở...

Du khách có thể đi thăm và ở lại các bản làng: bản Nưa, Làng Xiêng, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn... đến những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như khu di tích nhà cụ Vi Văn Khang, hang Ốc, bia Ma Nhai; thăm làng nghề thổ cẩm, làng nghề nấu rượu cần, rượu men... dự Lễ hội Xăng Khan của người Thái, tận mắt nhìn thấy những thầy Mo như các huyền thoại trong các lễ cúng từ ngàn xưa... Lễ Xăng Khan của người dân miền Tây Nghệ An còn gọi là “Kin Chiêng bóoc mạy” có từ lâu đời. “Xăng” là lời nhắn của ông Mo thầy đã khuất đối với ông Mo được truyền dạy nghề thầy cúng. “Khan” là sự tiếp nhận lời thầy của ông Mo được truyền dạy hứa hẹn để làm những điều tốt lành hơn cho bản làng. Lễ hội Xăng Khan thường kéo dài từ hai đến ba ngày. Lễ vật từ bảy đến mười vò rượu cần, hai con lợn, hai con gà cùng cá nướng, trầu, cau... và vật không thể thiếu là cây boọc mạy (cây hoa) làm từ cây tre hoặc nứa già, cao chừng bốn mét, có khoét nhiều lỗ, chia thành nhiều tầng được dựng ngay giữa nhà, là nơi để hành lễ.

Ban đêm du khách ở lại trong nhà sàn homestay của bản Thái, mặc trang phục thổ cẩm, uống rượu cần và thưởng thức vị cay nồng của men lá. Bữa tối sẽ có cơm lam trong những ống nứa vàng óng, thịt gà xiên lá chanh nướng bằng lửa than, xôi nếp nhuộm bằng lá cẩm rừng... Tất cả bày khéo léo lên chiếc mâm đan bằng mây xinh xắn cùng canh khầu khiều, rau rún, măng rừng, gói moọc mềm nhuyễn bọc trong lá chuối và loài cá mát đặc sản chỉ có ở vùng suối cao hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh... Đêm huyền diệu sẽ về, lắc lư theo men say lá ủ và điệu múa sạp của những cô gái Thái dưới chân nhà sàn, du khách cùng đánh chiêng, tham gia điệu múa cổ của dân tộc Thái, cùng nhảy sạp, hạn khuống (múa giã gạo) và lắng mình tận hưởng không gian đất trời, thanh âm núi rừng miền Tây xứ Nghệ vào ban đêm vừa rộn ràng vừa yên ả đến nhường nào.

Sáng sớm, khi ban mai núi rừng ùa vào xuân với hoa đào, hoa mai rừng thắm sắc điểm tô bản làng, du khách có thêm trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người Thái, cùng ngồi bên nhà sàn dệt thổ cẩm, lên nương làm hoa màu, làm lúa trên những thửa ruộng bậc thang...

Trên đường về xuôi du khách men theo quốc lộ 46 để đi lạc vào “Hạ Long Xứ Nghệ”, thả trôi ánh nhìn trên những bạt ngàn chè xanh ngút mắt. Nằm ở xã Thanh An, huyện Thanh Chương, đảo chè Thanh Chương là một thung lũng chỉ toàn những đảo trồng chè xanh trải dài trên mặt nước. Đến đây du khách sẽ ngỡ ngàng trước một không gian kỳ diệu nên thơ với những luống chè tăm tắp cắt tỉa công phu nằm e ấp bên những triền dốc đảo, những con đường đất đỏ bé xíu len lỏi đi qua ngọn đồi như những lời mời gọi kín đáo mà không kém phần thôi thúc da diết. Những con thuyền neo dọc bến nước theo những con đường làng vào đảo sẽ đưa khách tham quan trọn vẹn một vòng quanh các đảo, để hít thở khí trời trong trẻo dịu mát nơi đây và buông mình trôi trên dòng nước lặng lờ, như đi vào một miền cổ tích có thật ở nơi này...

Ngang qua huyện Nghĩa Đàn, du khách sẽ bị níu giữ bởi những cánh đồng hoa hướng dương, những đồng hoa cánh bướm lộng lẫy sắc màu, thêm cánh đồng hoa tam giác mạch như gieo cả đất trời Tây Bắc về nơi xứ Nghệ thân thương... Để rồi giữa mùa xuân, chúng mình lại thì thầm cùng nhau: về xứ Nghệ mùa hoa, anh nhé...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Theo anh về miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO