Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025

Báo Chính phủ|25/09/2021 09:57

(VLR) Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành trên 2.000 km đường bộ cao tốc - Ảnh minh hoạ

Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành trên 2.000 km đường bộ cao tốc - Ảnh minh hoạ

Bộ GTVT cho biết, trong 5 năm tới (2021 - 2025), sẽ phải hoàn thành trên 2.000 km đường bộ cao tốc; tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỷ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách. Đây là thách thức rất lớn cả về thời gian và nguồn lực.

Để thực hiện mục tiêu trên, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trong 5 năm (2021 - 2025) khác với quy định của pháp luật hiện hành (như tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, huy động nguồn lực, chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp nguyên vật liệu) trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện; sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất triển khai cho giai đoạn 2026-2030 là hết sức cần thiết.

Các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, khả thi cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội.Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 là thực sự cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành trên 2.000 km đường bộ cao tốc, trong đó ưu tiên những vùng động lực có sức lan tỏa lớn và những vùng khó khăn, tập trung hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, cao tốc vành đai đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía bắc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác là trên 3.000 km; giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu hoàn thành trên 2.000 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên 5.000 km.

Các tuyến cao tốc được quy hoạch sau năm 2030 có thể sớm triển khai đầu tư xây dựng tùy theo nhu cầu phát triển về kinh tế-xã hội và khả năng cân đối nguồn lực của từng vùng, từng địa phương.

Đề xuất chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP

Bộ GTVT cho biết, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công-tư. Đối với các dự án có lưu lượng vận tải lớn, nhu cầu cấp bách, thời gian qua đã được đầu tư. Một số dự án đang chuẩn bị được đầu tư để triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để bảo đảm tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Đối với một số dự án có nhu cầu vận tải thấp hoặc suất đầu tư cao, nếu áp dụng đúng quy định “vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án” (Khoản 2 Điều 69 Luật PPP) sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP, đặc biệt một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Do vậy, dự thảo đã đề xuất lựa chọn giải pháp: Ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Luật PPP, áp dụng đối với các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025, cụ thể: “Để bảo đảm tính khả thi đối với một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án”.Thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội.

Bộ GTVT cho biết tác động về kinh tế của giải pháp này: Đối với Nhà nước, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông mở ra đến đâu tạo không gian phát triển kinh tế đến đó; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn. Bên cạnh lợi thế về huy động được nguồn vốn xã hội tham gia giai đoạn đầu tư xây dựng, đầu tư theo phương thức PPP sẽ giảm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình, giảm chi phí phát sinh cho bộ máy quản lý nhà nước.

Đối với doanh nghiệp: Trường hợp có thể triển khai các dự án đường bộ cao tốc, hiệu quả mang lại cho các doanh nghiệp rất lớn như tiết kiệm chi phí vận tải, tăng tốc độ lưu hành, giảm khấu hao phương tiện...

Thí điểm Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại

Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, nhiều địa phương kiến nghị: Trường hợp phân cấp cho địa phương triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc quan trọng, cấp bách, Chính phủ phát hành gói trái phiếu và cho địa phương vay lại, các địa phương có trách nhiệm hoàn trả từ các nguồn thu của địa phương (đặc biệt là nguồn tăng thêm từ khai thác quỹ đất được hình thành sau khi dự án đường bộ cao tốc đưa vào khai thác).

Tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý đối với hình thức Chính phủ phát hành trái phiếu với mục đích cho địa phương vay lại; đồng thời, việc địa phương vay lại có thể vượt quá mức dư nợ vay của địa phương. Do vậy, cần có cơ chế để Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc khi được phân quyền.

Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất lựa chọn giải pháp: Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù thí điểm: Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và tính vào bội chi của ngân sách địa phương; đồng thời cho phép các địa phương sử dụng nguồn vốn này được áp dụng mức dư nợ vay theo thực tế số vốn Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại. Thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội.

Đánh giá tác động về kinh tế của giải pháp này đối với Nhà nước, Bộ GTVT cho biết: Việc Chính phủ phát hành trái phiếu và cho địa phương vay lại giúp địa phương có thể huy động vốn hiệu quả hơn do Chính phủ phát hành trái phiếu sẽ có mức lãi suất suất thấp, huy động dễ dàng hơn trên thị trường tài chính (Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài và lãi suất thấp, hiện nay kỳ hạn trên 10 năm, lãi suất khoảng 2-3%/năm). Khi có dự án sẽ khai thác được các tiềm năng trong khu vực, địa phương, kết nối và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, lưu thông thuận lợi...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO