Áp lực trước tình trạng nóng của thị trường hàng không Việt Nam
Kinh tế tăng trưởng khả quan trong những năm gần đây, các lĩnh vực như: du lịch, xuất nhập khẩu đạt được nhiều con số ấn tượng. Điều này kéo theo sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lĩnh vực hàng không.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng tại Toạ đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” cho biết: Thời gian qua, thị trường hàng không Việt Nam có sự phát triển hết sức ấn tượng. Về thị trường, từ 2008 - 2019, chúng ta tăng trưởng bình quân 17,1% về hành khách, và 13,8% về hàng hoá. So với năm 2008, năm 2019, sản lượng vận chuyển của chúng ta tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Riêng các hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần.
"Thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng nóng?", câu hỏi này đã liên tục được đề cập đến trong hàng loạt diễn đàn hay các bài báo phân tích về những hoạt động và sự phát triển của lĩnh vực này trong vài năm gần đây. Có những ý kiến đồng tình bởi thực tế có thể thấy, nhu cầu vận chuyển hàng không đang ngày càng tăng, một số sân bay đang trở nên ách tắc nghiêm trọng. Đặc biệt là những động thái của một loạt doanh nghiệp đang lấn sân vào lĩnh vực này.
Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng, chỉ dùng từ "nóng" khi nói đến sự phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng thực tế hàng không Việt Nam dù tăng trưởng nhanh nhưng vẫn phù hợp với quy hoạch. Và quan trọng hơn, sự tăng trưởng này đang tạo ra những áp lực nào với các nhà chức trách, đơn vị quản lý hạ tầng và chính các hãng hàng không? Một lần nữa, vấn đề này lại trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi tại tọa đàm "Hàng không Việt Nam - Cơ hội và thách thức" do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 11/12 tại Hà Nội.
Đại diện Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam lại cho rằng, không sợ dùng từ "nóng". Hàng không tăng trưởng "nóng" tức là kinh tế đang phát triển tốt, nhưng làm sao phải đảm bảo được các yếu tố an ninh, an toàn. Nhu cầu tăng nhanh đang đặt ra nhiều áp lực, trong đó áp lực lớn nhất đến từ hạ tầng sân bay. Theo đại diện các hãng hàng không, trong điều kiện hạ tầng khó khăn, tốc độ tăng trưởng nhanh đòi hỏi nhu cầu tăng chuyến, quay vòng để tối ưu hóa đội tàu bay và đội ngũ phi công, tiếp viên. Trong đó, nhân lực đang là yếu tố rủi ro và làm tăng chi phí kinh tế của hãng.
Thị trường hàng không Việt Nam có thực sự đang tăng trưởng nóng và đặt ra những áp lực nào lên vai các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý hạ tầng và chính các hãng hàng không? Đó là câu hỏi đã nhận được sự tranh luận sôi nổi của đại diện các đơn vị trực tiếp quản lý và hoạt động trong ngành hàng không tại buổi Tọa đàm.
Chúng ta không sợ tăng trưởng nóng, càng nóng càng tốt nhưng làm sao phải kiểm soát được các vấn đề về an ninh an toàn - đó là quan điểm được ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nêu ra.
Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng đội tàu bay mới chỉ dừng lại ở 200 chiếc. Theo đó, cứ 1 triệu dân lại có 2 tàu bay để phục vụ. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Tuy nhiên, điểm nghẽn về hạ tầng đang tạo ra nhiều áp lực. Điển hình như tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay có lưu lượng thông qua đứng đầu cả nước, vì quá tải cả trên không và mặt đất nên năm 2019 chỉ tăng thêm được 1 - 2% số chuyến, kéo theo tăng trưởng cũng bị kìm lại ở mức chỉ khoảng 5%.
Đại diện Vietnam Airlines và Vietjet Air đều cho rằng, thị trường hàng không tăng trưởng ở mức xấp xỉ 20%/năm như hiện nay được đánh giá thuộc dạng cao trên thế giới. Việc này đặt ra cho các hãng hàng không nhiều áp lực về nhu cầu tăng chuyến tại các sân bay, điều hành quay vòng để sử dụng tối ưu số lượng tàu bay và đội ngũ phi công, tiếp viên phục vụ.
Trong đó, nhân lực được các hãng nhấn mạnh là một trong yếu tố rủi ro nhất bởi đào tạo một phi công lái thành thạo tàu bay thân rộng cũng phải mất từ 5-6 năm. Do đó, phương án phải thuê thêm phi công nước ngoài cũng đang làm tăng chi phí cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng, nếu có cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật vẫn có thể điều tiết được khả năng cung ứng của hạ tầng và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hiện nay.