Việt Nam vượt qua Thái Lan là nhà cung ứng gạo lớn nhất cho Malaysia
Từ năm 2016, Malaysia đã chính thức vượt qua Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam khối ASEAN sau Thái Lan. Năm 2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Malaysia đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm hơn 19% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước thành viên ASEAN.
Theo ông Raphy MD Radzi - Lãnh sự thương mại, Văn phòng Thương vụ, Tổng Lãnh sự quán Malaysia (Matrade) tại TP. Hồ Chí Minh, Malaysia là đất nước có nền kinh tế thị trường khá phát triển và là nền kinh lớn thứ 33 trên thế giới, lớn thứ 3 Đông Nam Á và thứ 12 châu Á. Thu nhập bình quân đạt 11.200 USD/người/năm. Malaysia có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp trong đó các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, trái cây, rau củ, thủy - hải sản, hạt tiêu… Bên cạnh đó, Malaysia cũng là thị trường nhập khẩu khá nhiều hàng may mặc, giày dép, nội thất văn phòng.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: ITPC đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lân cận, trong đó có Malaysia.
Bà Lương Nhã Hiền- Giám đốc Công ty TNHH Beyond World – chia sẻ, Malaysia là một trong những thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn ở khu vực ASEAN với sản lượng từ 900.000 tới 1 triệu tấn/năm. Năm 2019, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo lớn nhất cho Malaysia với kim ngạch 218,8 triệu USD, chiếm 5,8% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Malaysia. Các sản phẩm nông sản khác như cà phê, rau quả, thủy sản… cũng được thị trường này tiếp nhận với số lượng lớn. Ngoài ra, nhu cầu về giày dép, hàng may mặc, đồ gỗ nội thất ở Malaysia cũng gia tăng đáng kể và đây là thời điểm thuận lợi để DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
“Vì là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, trong đó đạo Hồi chiếm đa số (hơn 60%). Do đó, hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào Malaysia bên cạnh các tiêu chuẩn thương mại quốc tế, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng cho người tiêu dùng Hồi giáo (Halal). Hơn nữa, khi đã có chứng nhận Halal, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu vào Malaysia mà còn có thể tham gia chuỗi cung ứng, khai thác thị trường Halal ở hầu hết các quốc gia Hồi giáo” - ông Raphy MD Radzi nhấn mạnh.Bên cạnh đó, sẽ rất thuận lợi cho các DN hàng Việt xuất khẩu sang thị trường Malaysia đó là chợ Việt Nam tại Kuala Lumpur. Chợ nằm trong tòa nhà Safuan Plaza thuộc khu vực trung tâm của thủ đô Kuala Lumpur. Chợ có quy mô 200 gian hàng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy, hải sản, thủ công mỹ nghệ, thời trang dệt may, cơ khí, máy móc, mỹ phẩm, các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam.