Thị trường Trung Đông tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản Việt

Thương trường|04/06/2019 08:53

(VLR) Theo các chuyên gia nhận định, bên cạnh một số thị trường truyền thống như ASEAN, châu Âu, châu Mỹ,… thì các nước khu vực Trung Đông đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam.

Các nước khu vực Trung Đông đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam

Các nước khu vực Trung Đông đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam

Nhu cầu nhập khẩu lớn

Theo Vụ Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương), khu vực Trung Đông hiện là thị trường có nhu cầu lớn về nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Do thời tiết khắc nghiệt, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng không thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên hầu hết các quốc gia khu vực Trung Đông hiện chưa đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân trong nước. Vì vậy, hằng năm, các quốc gia này phải nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Các chuyên gia còn dự báo, đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.

Các nhóm hàng nhập khẩu của các nước này bao gồm: ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả các loại, thủy sản, cà phê, chè,… Đây cũng đều là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2018 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Trung Đông đạt 958,24 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu gạo đạt 258 triệu USD, hạt điều đạt 208,16 triệu USD, thủy hải sản đạt 254,43 triệu USD. Một số sản phẩm khác giá trị xuất khẩu còn khá khiêm tốn như: rau quả đạt 91,68 triệu USD, hạt tiêu đạt 45,65 triệu USD, cà phê đạt 65,76 triệu USD, chè đạt 22,70 triệu USD,...

Chính vì vậy, giới chuyên môn đánh giá, các nước khu vực Trung Đông là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với các quốc gia này.

Giải pháp tiếp cận thị trường

Một số thị trường nổi bật có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn tại khu vực Trung Đông hiện tại bao gồm: các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả rập Xê – Út, Thổ Nhĩ Kỳ,… Nếu các doanh nghiệp Việt nắm bắt thông tin, hiểu rõ được nhu cầu thị trường thì có thể khai thác xuất khẩu nông sản rất tốt.

Hiện tại, hơn 100 mặt hàng của Việt Nam đã có mặt tại UAE với các sản phẩm nông sản chủ lực

Hiện tại, hơn 100 mặt hàng của Việt Nam đã có mặt tại UAE với các sản phẩm nông sản chủ lực

Hiện tại, hơn 100 mặt hàng của Việt Nam đã có mặt tại UAE với các sản phẩm nông sản chủ lực như: chanh không hạt, gạo, thanh long, ổi, hạt tiêu, hạt điều,… UAE cũng có các hệ thống chuỗi siêu thị lớn và là trạm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của khu vực Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, đây cũng là nơi đặt trụ sở, chi nhánh của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thành lập chi nhánh để tái xuất hàng hóa sang các quốc gia khác.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây cũng được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Với lợi thế 80 triệu dân (đông nhất khu vực) nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm khá cao. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại nông sản, thủy hải sản để làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến như: hạt điều thô, cà phê Arabica, cacao,…

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực Trung Đông, bà Phạm Hoài Linh – Phó trưởng phòng Tây Á – châu Phi (Vụ thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương) cho rằng: Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành; giữ liên hệ với hệ thống Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại khu vực để được tư vấn thông tin, giới thiệu các đối tác, bạn hàng tin cậy.

Từ đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng của các nước. Đồng thời có thể chủ động hơn trong việc xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường Trung Đông.

Phó trưởng phòng Tây Á - châu Phi cũng nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, định hướng sản xuất và xúc tiến thương mại tại các quốc gia này. Đồng thời dự báo, phân tích khả năng cạnh tranh đối với các nhóm mặt hàng từ đó xây dựng và thực hiện các chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thị trường Trung Đông tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO