Thị trường vàng: Những nhân tố đáng ngại

01/01/1970 08:00

(VLR) Sự bất ổn và tiềm ẩn rủi ro của vàng luôn là sự hấp dẫn đầy thách thức.

Ngóng chính sách huy động vàng

Hàng loạt các giải pháp nhằm quản lý thị trường vàng được NHNN đưa ra hoặc dự kiến đưa ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên có vẻ như các giải pháp mà NHNN đưa ra mới chỉ nhìn vào hiện tượng nên khó có thể giải quyết triệt để vấn đề.

Thị trường vàng đang có nhiều biến động phức tạp, đặc biệt là dự thảo quản lý kinh doanh vàng gây lo ngại thì người dân và nhà đầu tư càng hoang mang hơn, vì sợ sắp tới có hiện tượng độc quyền về thương hiệu vàng và giá vàng qua sự quản lý của NHNN với trung gian của nhóm 7+1 (7 ngân hàng "lớn" và SJC). Trên thị trường hiện nay giá vàng của các thương hiệu vàng trong nước không có sự đồng nhất nhưng xu hướng chung là giá thấp dần tiệm cận giá thế giới.

Kể từ sau khi tin NHNN công bố dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng trình Chính phủ từ tháng 11/2011 đã gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường vàng.

Chênh lệch giá vàng miếng của hầu hết các thương hiệu vàng trong nước so với giá vàng trên thế giới từ vài triệu đồng/lượng nay đã giảm xuống rất thấp chỉ còn khoảng 100.000-150.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng của SJC vẫn có mức chênh lệch khá lớn. Những thương hiệu được xem là sẽ bị loại khỏi cuộc chơi như Rồng Thăng Long, AAA... đã phải hạ giá mua và cả giá bán. Trong khi đó, với tâm lý lo sợ mất giá số vàng đang nắm giữ, người dân cũng đổ xô đi bán vàng miếng của những thương hiệu khác SJC.

Mặc dù sang ngày 22.11.2011, NHNN đã trấn an bằng việc tuyên bố vàng miếng của tất cả thương hiệu được NHNN cấp phép trong nhiều năm qua vẫn được lưu thông bình thường, nhưng trên thị trường người dân vẫn bán tống bán tháo các thương hiệu vàng khác và ồ ạt mua vàng SJC khi giá vàng thế giới giảm nhanh.

Tình hình hiện nay gây khó khăn và tâm lý bất ổn cho cả doanh nghiệp và một khối lớn dân cư giữ vàng:

Trước mắt, khi giá vàng các thương hiệu khác ngoài SJC giảm mạnh, người dân sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất, còn khó khăn sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, nhất là áp lực về vốn và giải quyết việc làm cho những lao động tham gia sản xuất vàng miếng.

Điều đáng lo ngại nhất là nếu giá vàng miếng của các thương hiệu khác tiếp tục giảm mạnh, thì không loại trừ khả năng những kẻ buôn lậu nhân cơ hội này gom vàng miếng của các thương hiệu khác ngoài SJC để xuất khẩu lậu ra nước ngoài.

NHNN đã thành công đáng kể khi đem dần được giá vàng trong nước về sát giá quốc tế. Nhưng chuyện quan trọng nhất và có vẻ ít được bàn đến trong kế hoạch huy động vàng sắp tới của cả hệ thống NH với "nhạc trưởng" là NHNN để đổi sang tiền đồng và sau cùng biến thành vốn tín dụng đồng Việt Nam khả dụng cho cả nền kinh tế- "sáng kiến chủ đạo" của NHNN bây giờ, là ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại vàng cho dân chúng nếu giá vàng thế giới tăng vọt từ mức hiện tại 1.780 USD/ounce lên trên 2.000 USD/ounce như theo các dự báo bàn đến trên đây?

Phải chăng, có thể ngầm hiểu là trong "tính toán" huy động "khối vàng chết" trong dân cư (500-1.000 tấn, tùy theo các nguồn dự đoán khác nhau) như trên, hệ thống NH xứ ta đang đoán giá vàng thế giới sẽ xuống trong tương lai? Có cần thiết phải dựa vào một dự báo thiếu chắc chắn kèm theo một rủi ro phá sản rất lớn cho toàn hệ thống ngân hàng và thị trường tín dụng của cả nước nếu đoán sai giá vàng-vốn là điều rất khó khăn?

Nhân tố không thể bỏ qua

Lãi suất huy động vàng đã tăng nhanh trở lại, khởi đầu từ sự kiện Ngân hàng Nhà nước mở lại hoạt động vàng tài khoản cho một số ngân hàng thương mại.

Tại Tín Nghĩa Ngân Hàng, biểu lãi suất huy động vàng áp dụng từ ngày 15/11/2011 ghi nhận mức cao nhất tại các kỳ hạn 3 - 9 tháng với 3,2%/năm; các kỳ hạn 1 và 2 tháng ở mức 3%/năm. Tại một số ngân hàng khác, những mức lãi suất cao áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng hiện cũng đã khá phổ biến từ 2,5% - 2,7%/năm.

Sau xu hướng tăng trong khoảng một tháng qua, lãi suất huy động vàng trong hệ thống ngân hàng vừa có đỉnh mới với 3,5%/năm. Ngoài việc được hưởng lãi suất nói trên, khi có nhu cầu đột xuất, khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ dưới nhiều hình thức như mua, bán, cho, tặng, trao đổi, thừa kế...

Trong khi lãi suất huy động USD bị chốt trần, lãi suất huy động một số ngoại tệ khác đang có xu hướng tăng, có kỳ hạn lên tới 4% mỗi năm.

Thông thường, lãi suất ở những ngoại tệ khác USD tại nhiều ngân hàng áp rất thấp, chỉ từ 0,1% đến 0,5% một năm, hoặc không có trong cơ cấu huy động, hay không phổ biến trong thanh toán xuất nhập khẩu như đồng USD.

Tuy nhiên, từ ngày 15/11/2011, Eximbank quyết định tăng lãi suất tiền gửi EUR và CAD lên mức khá cao. Theo đó, lãi suất huy động EUR cao nhất lên 3% một năm ở kỳ hạn 12 tháng (trước đó chỉ khoảng 1-2% mỗi năm). Mức lãi suất trên vẫn thấp hơn một số nhà băng có quy mô nhỏ. Tại NH Tín Nghĩa, lãi suất huy động EUR các kỳ hạn 12-24 tháng hiện đã ở mức 3,1-3,2% một năm. Mức cao nhất hiện nay phải kể đến Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động EUR đã lên 4% mỗi năm cho các kỳ hạn 12-24 tháng.

Khi đưa ra quyết định tăng lãi suất trên, các NH phải tính đến những yếu tố bên trong và bên ngoài. Đó là nhu cầu trong nước, và xu hướng của chính các đồng tiền đó trên thế giới. Ngoài yếu tố cung cầu, có thể do lãi suất tiết kiệm của tiền đồng và USD bị khống chế nên các nhà băng chuyển hướng sang huy động các loại ngoại tệ khác bằng việc đẩy lãi suất lên cao.

Điều này có thể tạo ra rủi ro cho chính các ngân hàng khi biến động giá vàng và một số bất ổn khác trên thị trường vàng, ngoại hối. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại chưa áp dụng các biện pháp chống rủi ro biến động giá vàng hay ngoại hối một cách xuyên suốt. Đây sẽ là một yếu tố mới ngoài sự thiếu vắng quen thuộc của một hệ thống quản trị rủi ro ở nhiều ngân hàng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thị trường vàng: Những nhân tố đáng ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO