Mở đầu hội thảo, ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết Nghệ An hiện có 1.500 dự án đầu tư, trong đó trên 100 dự án FDI đang có hiệu lực, vốn đầu tư tương đương 4,2 tỷ USD. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cùng với các sở, ngành cam kết sẽ nỗ lực đồng hành, chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…
Hiện nay, hạ tầng giao thông và cảng biển Nghệ An đã được cải thiện đáng kể nên nhu cầu kết nối, tìm kiếm dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, xuất nhập khẩu trong khu kinh tế với cảng biển ngày càng cao.
Trên cơ sở giới thiệu năng lực đội tàu và chủ sở hữu của 15 cảng lớn từ Bắc đến Nam, đại diện của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam VIMC cho biết, năng lực vận tải chiếm 25% thị phần vận tải biển cả nước. Hiện công ty đang nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng logistics và vận tải biển trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, cảng Nghệ Tĩnh đã từng bước vươn lên đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, hội nhập quốc tế. Năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 4,649 triệu tấn, trong đó hàng container là 86,449 teus (container, tương đương 2,2 tấn). Năm 2022, lần đầu tiên Cảng Cửa Lò đón tàu quốc tế chở 1.000 teus, tương đương 23.000 tấn vào cập cảng.
Để đáp ứng nhu cầu giao thương, vận tải hàng hóa, cảng Cửa Lò đang được đầu tư xây dựng cầu tàu số 5 và số 6 với độ sâu -13,7 để tàu 70.000 tấn có tiếp nhận, chuyển tải được.
Bên cạnh những lợi thế trên, tại hội thảo, đại diện nhà đầu tư, doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An nêu lên một số tình hình liên quan đến thủ tục xuất khẩu hàng hóa tại doanh nghiệp; mong muốn dịch vụ tuyến vận tải biển từ cảng Hải Phòng được dịch chuyển về các cảng Nghệ An để xuất hàng container lẻ được thuận lợi hơn…