Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch

Trần Trình Lãm|13/07/2021 12:16

(VLR) Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn có nhiều dự báo lạc quan về các mức tăng trưởng và phát triển.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch

Những dự báo lạc quan

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 28/4/2021 đã công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO). Theo đó, bất chấp dịch COVID-19 kéo dài, năm 2021 kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% và con số đó sẽ được nâng lên 7% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc, có được là nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19.

Cũng theo ADO, động lực tăng trưởng chính và sẽ là động lực dẫn dắt chính của Việt Nam trong năm nay là công nghiệp. Đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với xuất khẩu. Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này đã có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I năm 2021, tăng 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020.

Năm 2021 kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% và con số đó sẽ được nâng lên 7% trong năm 2022

Năm 2021 kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% và con số đó sẽ được nâng lên 7% trong năm 2022

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam cho rằng, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch COVID-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 01/2021 đã làm giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong quý I năm 2021 tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân đã tăng đáng kể.

Mặt khác, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn cũng sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu, từ đó cải thiện đáng kể triển vọng thương mại và tăng trưởng của Việt Nam. Thương mại được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Với mức xuất siêu 2 tỷ USD trong quý I năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 8% trong năm nay và năm tới.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia của ADB, sự tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro đáng kể do tình hình dịch COVID-19 ngày càng có chiều hướng bùng phát mạnh. Các ca nhiễm mới cho thấy vẫn còn cần nhiều thời gian để khắc phục dịch bệnh và kế hoạch tiêm vắc xin mới ở giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch đến thu nhập và đói nghèo vẫn rất nghiêm trọng. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh kéo dài còn có thể chuyển những tác động kinh tế ngắn hạn thành những vấn đề mang tính hệ thống trong trung và dài hạn.

Chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội

Đại dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 nước ta ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Về sử dụng GDP quý II/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.

6 tháng đầu năm 2021 nước ta tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019

6 tháng đầu năm 2021 nước ta tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019

Tính gộp GDP 6 tháng đầu năm 2021 nước ta tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 diễn ra vào chiều 02/7 vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy chúng ta đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về an sinh xã hội, quan trọng nhất là không có ai ở bất cứ nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Những kết quả, thành tựu tích cực đó đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, nhất là vốn ODA. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP. HCM, một số tỉnh Đông Nam Bộ và miền Trung. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. An ninh trật tự tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới mà các địa phương phải cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Căn cứ tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, đúng hướng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; có nơi, có lúc phải đồng thời cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.

Ngoài ra, Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương phải tập trung rà soát ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ dứt khoát phải xử lý nhanh, kịp thời, có hiệu quả, đúng quy trình. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của các Bộ thì Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết, xử lý. Những nội dung vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, thuyết phục các cơ quan liên quan trên cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn. “Chúng ta thống nhất chưa thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đảng các cấp đã xác định, Quốc hội và HĐND các cấp đã giao. Trên cơ sở đó và căn cứ 2 kịch bản tổng thể được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2), các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tích cực, chủ động, phù hợp. Kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là lựa chọn rất khó khăn, không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO