Kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu đưa TMĐT trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch này gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia CMCN 4.0, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Trong hai năm 2020- 2021, mặc dù dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai của TMĐT.
Thực tế này cũng khá tương đồng với báo cáo kinh tế số của Google khi khẳng định TMĐT Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tăng trên 30%. Đến năm 2025, giá trị của nền kinh tế số Việt Nam 57 tỷ USD trong đó TMĐT chiếm 39 tỷ USD. Đến năm 2030 nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD, trong đó TMĐT chiếm khoảng 150 tỷ USD.
Sự phát triển bùng nổ của TMĐT đã kéo theo nhu cầu về nguồn ngân lực chất lượng cao phục vụ ngành cũng tăng lên. Đặc biệt, qua 2 năm đại dịch, số lượng người mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trênTMĐT. Khi bước vào giai đoạn bình thường mới, phát triển ổn định, nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử thời gian tới sẽ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Hiệp Hội TMĐT Việt Nam (Vecom) đánh giá nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 tăng nhanh và dự đoán nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025.
Thực tế cho thấy, thời gian qua các doanh nghiệp TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành thương mại điện tử đang rất khát nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự TMĐT của các doanh nghiệp là rất lớn. Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe. Nhu cầu nguồn nhân lực cho TMĐT ở Việt Nam đang tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa.
TMĐT đang là lĩnh vực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Các sinh viên sau thời gian đi làm thường tự tạo viêc làm, mở doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự. Điều này khiến nhu cầu nhân lực sẽ tiếp tục “khát”.
Từ góc độ doanh nghiệp, nhiều giám đốc khẳng định thực tế gia tăng nhu tuyển dụng nhân lực TMĐT. Không chỉ các sàn TMĐT có nhu cầu mà ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ đang chuyển đổi số, chuyển dịch kinh doanh lên TMĐT cũng cần nhân lực chuyên ngành để triển khai. Đây là lý do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong TMĐT liên tục tăng nhanh.
Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học.
Nhiều năm qua, ở Đại học Thương mại, TMĐT là một trong những ngành thu hút tỷ lệ sinh viên vào học rất đông. Nhà trường liên tục phải điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp và điểm đầu vào không chênh lệch quá cao với các ngành khác. Qua khảo sát, tỷ lệ sinh viên khoa/ngành TMĐT của trường tìm kiếm được việc làm trong nhiều năm qua luôn đạt trên 95%.
Điều này phản ánh thực tế, TMĐT là một trong những ngành trọng điểm không chỉ trong đào tạo của nhà trường mà cả nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao.
Từ kết quả khảo sát tình hình đào tạo TMĐT tại 132 trường đại học của Vecom đã cho thấy có những bước tiến rất lớn của lĩnh vực này. Số trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học đã liên tục tăng nhanh và đến nay đã lên tới 36 trường.
Cùng với đó có 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số, tài chính ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại. Phần lớn các trường được khảo sát đã giảng dạy các học phần liên quan trực tiếp tới TMĐT như tiếp thị số (digital marketing), công nghệ tài chính (fintech), logistics và quản lý chuỗi cung ứng...
Mặc dù có những bước tiến lớn trong đào tạo nhân lực TMĐT nhưng báo cáo cũng chỉ ra, đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường đại học mở ngành TMĐT hay chuyên ngành TMĐT tăng nhanh, số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. Số lượng các trường đại học đào tạo ngành TMĐT tăng nhanh chưa tương xứng với chất lượng của chương trình đào tạo.
Tỷ lệ các trường có chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành TMĐT đã được kiểm định chất lượng và đạt yêu cầu còn thấp. Không những thế, học liệu phục vụ đào tạo TMĐT chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập…
Một số chuyên gia nhìn nhận, mặc dù tốc độ đào tạo nhân lực TMĐT trong các trường đại học đã tăng nhanh (gần 30%) nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu tăng trưởng, phát triển “nóng” của ngành. Điều này đòi hỏi các trường đại học nỗ lực, nâng cao hơn nữa chất lượng, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam hơn 20% thì công tác đào tạo phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực này.