Vũ nói với tôi, SAPUWA phát triển, khẳng định vị thế của mình trong ngành nước uống tinh khiết như hiện nay, bởi quá trình đó được xây dựng từ lòng tin của người tiêu dùng. Trong bối cảnh thị trường nước uống tinh khiết tại Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, SAPUWA đã vươn lên thành công nhờ chiến lược kinh doanh bền vững và chất lượng sản phẩm vượt trội.

1

* Chào Vũ, nếu phải đề cập đến hành trình ra đời và phát triển của Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Gòn (SAPUWA) một cách khái quát và ngắn gọn thì anh chia sẻ điều gì?

Ông Lê Như Vũ: Những năm đầu thập kỷ 90, khi thị trường nước khoáng, nước uống tinh khiết tại Việt Nam hoàn toàn bỏ ngỏ, các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài chiếm lĩnh và thao túng thị trường với giá thành rất cao. Trước tình hình đó, ba của Vũ - ông Lê Như Ái đã mạnh dạn đầu tư và thành lập doanh nghiệp tư nhân Nước Uống Tinh Khiết Sài Gòn.

Trong những năm đầu thành lập, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh trực tiếp với những mặt hàng nhập khẩu, đa số nguyên vật liệu cũng phải nhập khẩu. Vì thế, chi phí sản xuất cao, sản phẩm chưa thâm nhập được vào thị trường, thương hiệu chưa được người tiêu dùng biết đến, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm ngoại nhập. Liên tiếp trong nhiều năm, công ty đã chịu thua lỗ. Thế nhưng, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể cán bộ công nhân viên, SAPUWA đã tạo được nhiều thành công và có chỗ đứng ổn định trên thị trường, có thể cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia cả về chất lượng lẫn mẫu mã.

2

* Thị trường nước uống tinh khiết hiện đang cạnh tranh khốc liệt, vậy SAPUWA đã có những chiến lược kinh doanh nào để giữ vững và phát triển doanh nghiệp?

Ông Lê Như Vũ: Hiện nay ngành nước uống đóng chai đang cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu lớn và các cơ sở sản xuất nước. Để có chỗ đứng trên thị trường, SAPUWA đã áp dụng các chiến lược sau:

- Chất lượng sản phẩm: SAPUWA áp dụng các chứng nhận chất lượng ISO 22000:2018/HACCP/GMP, A.P.H.C của Quân đội Hoa Kỳ - SAPUWA là một trong 4 doanh nghiệp nhận được chứng nhận này. SAPUWA không ngừng đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất tự động và khép kín. Hằng năm, SAPUWA đều tái đầu tư, nâng cao công nghệ trong quy trình sản xuất, thay đổi mẫu mã đa dạng nhằm đem đến chất lượng và trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.

- Đa dạng hóa sản phẩm: SAPUWA tích cực nghiên cứu sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm. Năm 2023, SAPUWA ra mắt dòng nước ion kiềm SAPUWA+. Năm 2024, tiếp tục ra mắt sản phẩm sử dụng vỏ chai tái chế, bảo vệ môi trường. SAPUWA là công ty Việt Nam tiên phong sử dụng vỏ chai tái chế trong sản xuất thực phẩm. Để ra được sản phẩm này, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều thử nghiệm, quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu gom vỏ chai đến công đoạn sản xuất.

- Duy trì lợi thế cạnh tranh: SAPUWA đầu tư công nghệ dây chuyền hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng nhất. Doanh nghiệp nâng cao công suất và quy mô nhà máy, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người dùng. SAPUWA cũng đầu tư vào hệ thống phần mềm SAP giúp vận hành công ty số hóa, quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất, lưu kho, kinh doanh, phân phối và chăm sóc khách hàng.

3

* Theo Vũ, yếu tố nào là chìa khóa quan trọng nhất đối với sự thành công của một doanh nghiệp trong lĩnh vực nước uống tinh khiết?

Ông Lê Như Vũ: Theo tôi, trong bất kỳ dịch vụ hay sản phẩm nào, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự thành công là đặt cái “tâm” vào sản phẩm. SAPUWA luôn mang sứ mệnh đem đến sản phẩm chất lượng ngang bằng với các thương hiệu quốc tế phục vụ cho người dân Việt Nam với giá cả hợp lý. SAPUWA luôn chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất. Sau khi có sản phẩm chất lượng, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến chất lượng dịch vụ, lắng nghe ý kiến khách hàng để họ có trải nghiệm tốt nhất. Một sản phẩm dù tốt nhưng không đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng thì khó mà thành công được.

4

* SAPUWA có những tiêu chí riêng nào trong quản trị chất lượng sản phẩm để đảm bảo an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng?

Ông Lê Như Vũ: SAPUWA áp dụng các quy trình sản xuất chặt chẽ theo ISO 22000:2018/HACCP/GMP. Đặc biệt, tiêu chuẩn chất lượng A.P.H.C do quân đội Hoa Kỳ chứng nhận là một chứng nhận nghiêm ngặt mà chưa có công ty nước uống đóng chai nào đạt được. Hằng năm, quân nhân Mỹ kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất tại SAPUWA và mua sản phẩm ngẫu nhiên trên thị trường để xét nghiệm tại phòng lab riêng đặt tại Hoa Kỳ với hơn 200 chỉ tiêu kiểm nghiệm.

5

* Quan niệm của Vũ về trách nhiệm với cộng đồng và xã hội của doanh nghiệp là gì?

Ông Lê Như Vũ: Từ khi thành lập đến nay, SAPUWA đã thầm lặng tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, nhân đạo. Ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước hằng năm, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, SAPUWA xem việc đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện là trách nhiệm không thể thiếu.

Hiện tại SAPUWA đang thực hiện các dự án cộng đồng về giáo dục, xã hội, văn hóa... như tài trợ thư viện container cho trẻ em ở vùng khó khăn; tham gia chương trình Terry Fox Run và Britcham Fun Run; đồng hành cùng Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi; cung cấp nước cho bà con vùng hạn mặn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ; và chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

Một trong những chính sách bán hàng của SAPUWA là áp dụng giá ưu đãi đặc biệt cho các cơ sở trong ngành giáo dục, giúp giảm chi phí cho các trường học và đảm bảo chất lượng nước cho thầy cô và học sinh. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, SAPUWA đã đóng góp hàng tỷ đồng cho phúc lợi xã hội, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

6

* Về phát triển thương hiệu, theo Vũ vấn đề nào đóng vai trò quan trọng nhất?

Ông Lê Như Vũ: Chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Phát triển thương hiệu không chỉ là những bài PR hay các hoạt động marketing đắt tiền mà phải xây dựng từ lòng tin của người tiêu dùng. Trải nghiệm chân thực của người tiêu dùng và những câu chuyện truyền miệng là cách phát triển thương hiệu tốt và bền vững nhất.

7

* Trong chiến lược tiếp thị, SAPUWA đã sử dụng những phương tiện nào để tiếp cận và tương tác với khách hàng hiệu quả?

Ông Lê Như Vũ: Ngoài các nền tảng truyền thông truyền thống, SAPUWA đặc biệt chú trọng tiếp cận khách hàng qua các kênh digital marketing như SEO, Google Search Ads, Google Display Network, Youtube, Social Media. Digital marketing giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quảng cáo, tiếp cận đối tượng khách hàng một cách chính xác và hiệu quả hơn, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao nhận thức thương hiệu và tăng doanh số bán hàng.

8

* Về lợi nhuận và doanh thu, SAPUWA đã đạt được những chỉ số như kỳ vọng chưa?

Ông Lê Như Vũ: Thật ra là chưa đạt được như kỳ vọng. Năm 2023, mặc dù môi trường kinh doanh đã dần hồi phục, nhưng tổng cầu suy yếu ảnh hưởng đến ngành sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cũng ảnh hưởng đến hàng tiêu dùng FMCG nói chung. Cả doanh thu và lợi nhuận đều quan trọng và có giá trị tương đương nhau.

9

* Trong quá trình hoạt động, SAPUWA đã gặp phải những thách thức lớn nào và làm thế nào để vượt qua chúng?

Ông Lê Như Vũ: Như đã trao đổi, trong bối cảnh những năm đầu 1990, ngành sản xuất và tiêu dùng nước uống tinh khiết còn mới mẻ và tồn tại nhiều bất cập. Ba của Vũ, ông Lê Như Ái, đã đề xuất sản xuất nguyên vật liệu trong nước để giảm giá thành và tạo một môi trường sản xuất độc lập.

Hiện tại, thị trường nước uống đóng chai đang phát triển nhanh với sự tham gia của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Điều này đồng nghĩa với việc SAPUWA phải đối đầu với các “ông lớn” trong ngành. Theo quan sát và nhận định của các chuyên gia, nước ion kiềm là một trong những thức uống tốt cho sức khỏe và đang được quan tâm nhiều. SAPUWA đã nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm nước ion kiềm SAPUWA+ với độ pH 9.0, sản xuất từ nước tinh khiết SAPUWA, tạo ra sự khác biệt so với các sản phẩm tương tự trên thị trường.

10

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ quá trình sản xuất và bảo vệ môi trường, SAPUWA đã thực hiện những biện pháp cụ thể nào?

Ông Lê Như Vũ: SAPUWA luôn ý thức rằng bất kỳ hoạt động sản xuất nào cũng có những tác động đến môi trường xung quanh. Chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng. Các biện pháp cụ thể bao gồm: thu gom xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm bụi, khí thải, xử lý mùi từ hệ thống xử lý nước thải, tái sử dụng nguồn nước thải...

Từ tháng 10/2023, SAPUWA đã loại bỏ màng co cho các dòng sản phẩm nước chai và thực hiện chiến dịch “tái chế SAPUWA+, bảo vệ môi trường xanh” với chương trình hoàn trả 1.000đ cho mỗi chai SAPUWA+ thu về. Chúng tôi cũng ra mắt dòng chai làm từ nguyên vật liệu tái chế, hi vọng với những hành động nhỏ này sẽ giúp môi trường trong lành và xanh hơn.

11

* Về quan hệ đối tác kinh doanh, Vũ có kinh nghiệm và cách nhìn nhận như thế nào?

Ông Lê Như Vũ: Trong quá trình kinh doanh, tôi đã đúc rút được một số kinh nghiệm trong mối quan hệ với đối tác:

- Hiểu rõ nhu cầu của đối tác: Doanh nghiệp cần hiểu đối phương muốn và cần gì. Thay vì thuyết phục họ mua, doanh nghiệp nên tập trung vào những điều mang lại lợi ích cho khách hàng đối tác.

- Đánh giá cao công việc của đối tác: Coi trọng và tôn trọng đối tác, biểu lộ thái độ trân trọng khi lắng nghe và trao đổi, đưa ra những lời động viên, khích lệ tích cực.

- Tạo dựng niềm tin: Niềm tin là yếu tố quan trọng trong kinh doanh. Tạo dựng niềm tin có thể làm gia tăng giá trị, tiết kiệm thời gian, chi phí và mang lại lợi nhuận cho cả hai bên.

- Tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau: Trung thực và minh bạch trong các hoạt động hợp tác, đề cao tinh thần công bằng và bình đẳng.

- Giữ liên lạc: Giữ liên lạc và thể hiện sự quan tâm, trân trọng đối tác dù không trực tiếp làm việc.

_mg_3451.jpg

12

* Là doanh nhân, Vũ quản lý thời gian cho công việc, gia đình và bản thân như thế nào?

Ông Lê Như Vũ: Tôi chia đều thời gian giữa công việc và gia đình, và nhờ công nghệ mà cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Khi ở doanh nghiệp, tôi có thể kết nối với gia đình qua công nghệ và ngược lại. Công nghệ giúp tôi cân bằng cuộc sống và làm việc hiệu quả hơn.

13

* Có ý kiến cho rằng quản trị doanh nghiệp giống như quản trị gia đình, đòi hỏi kỹ năng và phương pháp. Vũ có đồng tình với ý kiến đó?

Ông Lê Như Vũ: Theo quan điểm của Vũ, quản trị doanh nghiệp và gia đình hoàn toàn khác nhau.

- Quản trị doanh nghiệp: Đây là mối quan hệ win-win, dựa trên năng lực và hiệu quả công việc. Chúng ta đi làm, hiệu quả công việc dựa trên KPI, doanh số và giá trị mà chúng ta mang lại cho doanh nghiệp.

- Quản trị gia đình: Dùng sự yêu thương để dạy con cái, trách nhiệm để bảo vệ và bao dung những người thân. Con cái không thể bị áp đặt theo KPI, mà cần được hướng dẫn và đồng hành trong quá trình trưởng thành. Trong gia đình, không thể có hình thức kỷ luật hay tranh luận như trong doanh nghiệp.

Vũ không dùng chữ “quản trị gia đình” vì gia đình không thể quản trị kiểu doanh nghiệp được. Cảm ơn những câu hỏi của anh, chúng đã giúp tôi tư duy nhiều hơn về những điều mình đang làm.

14

* Cảm ơn Lê Như Vũ về cuộc trao đổi thú vị này. Chúc doanh nghiệp SAPUWA phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, và chúc Vũ và gia đình luôn tìm được sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tổng Giám đốc SAPUWA, Lê Như Vũ: “… Phát triển thương hiệu phải xây dựng từ lòng tin của người tiêu dùng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO