… Tiếp tôi tại Văn phòng U&I Logistics TP. Hồ Chí Minh. Từ tầng 10 cao ốc AP, nhìn qua vách kính lớn xuống đường Điện Biên Phủ vào giờ cao điểm... Bấc giác Phúc bộc bạch “Nếu chúng ta có thể xây dựng những tập thể mạnh, phối hợp tốt, thì từng doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa được nguồn lực riêng, tham gia tích cực và hiệu quả vào việc cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp trong nước, hướng đến hoạt động phát triển dịch vụ ra thị trường nước ngoài”. Và sau chia sẻ ấy, tôi mở đầu cuộc trao đổi với Phúc.

+ Chào Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta bắt đầu câu chuyện như đã hẹn nhé (!) Theo Phúc những yếu tố nào đang thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics trong thời đại hiện nay?

Nguyễn Xuân Phúc: Logistics gắn liền với hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Nhìn từ bình diện thế giới, cho dù trong những năm qua, các diễn biến địa chính trị và dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại và tiêu dùng, nhưng theo tôi đây chỉ là thay đổi cách thức sản xuất và vận chuyển hàng hóa, và ngành logistics vẫn đang phát triển, thậm chí Phúc thấy còn thể hiện ở mức độ đa dạng và phức tạp hơn trước đây.

+ U&I Logistics hiện được biết đến là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực này. Vậy, Phúc có thể chia sẻ về những câu chuyện cụ thể mà doanh nghiệp mình đang áp dụng để thích ứng với những thách thức đang diễn ra?

Nguyễn Xuân Phúc: Tùy mỗi giai đoạn thị trường, U&I Logistics sẽ có những kế sách thích hợp, nhưng có thể nói chiến lược xuyên suốt mà U&I luôn theo đuổi là tự hoàn thiện tất cả các công đoạn trong quy trình cung cấp dịch vụ, tạo dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ đủ lớn, đủ uy tín để phục vụ khách hàng, đảm bảo thực hiện đúng phương châm “vì quyền lợi khách hàng trước”.

+ Hiện nay, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain đang làm thay đổi bộ mặt của ngành logistics. Cá nhân Phúc thấy những công nghệ này có tiềm năng như thế nào trong việc cải thiện quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa?

Nguyễn Xuân Phúc: Công nghệ đang từng bước thâm nhập sâu vào cuộc sống trong đó có ngành logistics. Bản thân ngành logistics cũng đang thẩm thấu một cách chủ động và tích cực những tiện ích mà công nghệ mang lại. Phúc sẽ không nói chung chung sức ảnh hưởng của công nghệ trong việc cải thiện quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, mà chỉ đưa ra một thí dụ cụ thể về U&I logistics. Từ khi chúng tôi tiến hành chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ vào quản lý và vận hành chuỗi cung ứng thì năng suất lao động đã tăng lên khoảng 30% và chi phí quản lý, vận hành giảm đi đáng kể. Chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên một bậc kể từ khi chúng tôi đưa hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ vào hoạt động.

+ Vậy Phúc nhìn nhận thế nào về vai trò của tự động hóa trong hoạt động logistics? Liệu rằng việc này có thể tạo ra cơ hội hay thách thức nào cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này?

Nguyễn Xuân Phúc: Tự động hóa, theo Phúc hiểu là thay thế lao động con người bằng công nghệ và robot. Và Phúc cũng ghi nhận rằng, xét trên toàn bộ chuỗi cung ứng thì một số khâu trong chuỗi đang có mức độ tự động hóa cao hơn so với một số lĩnh vực khác. Lĩnh vực kho phân phối được ghi nhận có hoạt động của các robot ngày một nhiều hơn. Hay việc làm hàng tại cảng, một số cảng đã có phương tiện xếp dỡ tự động. Tự động hóa sẽ là xu thế chung, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đi đúng hướng trong lĩnh vực này.

+ Thị trường logistics ở Việt Nam đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Theo quan điểm của bạn, những yếu tố nào sẽ định hình bức tranh chung của “sân chơi” logistics trong thời gian tới?

Nguyễn Xuân Phúc: Đúng là thị trường logistics ở Việt Nam đang thực sự có tính cạnh tranh cao. Chúng ta không chỉ nhìn thấy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong những mảng dịch vụ logistics, mà sự cạnh tranh có thể thấy ở cấp độ địa phương, thể hiện ở đầu tư hạ tầng, định hướng quy hoạch hay khả năng thu hút nhân lực chất lượng cao trong ngành.

Xét về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thì có một phát biểu kinh điển về cạnh tranh mà Phúc tin là vẫn đúng: “Cạnh tranh là điều tốt, vì nó khiến chúng ta phải nỗ lực để làm tốt nhất có thể”[1]. Phát biểu này hàm ý rằng chỉ những doanh nghiệp làm thật tốt trong lĩnh vực kinh doanh của mình thì mới tồn tại và vươn lên được trên thị trường. Sự sàng lọc khắc nghiệt do cạnh tranh khiến cho thị trường tiến đến trạng thái mà chỉ có những ông lớn giữ vai trò chi phối, và những doanh nghiệp nhỏ có thể dần biến mất khỏi thị trường, hoặc chỉ còn tìm thấy ở các thị trường ngách.

[1] “Competition is always a good thing. It forces us to do our best.” Câu của tác gia người Mĩ Nancy Pearcey.

Nhưng theo Phúc, cạnh tranh quá khốc liệt, đến mức thành cạnh tranh hủy diệt, là kịch bản mà chúng ta cần tránh. Đôi khi những doanh nghiệp nhỏ, nguồn tài lực chưa lớn, nhưng lại có những ý tưởng, những giải pháp hữu ích, là những cái mà thị trường luôn rất cần. Doanh nghiệp lớn thì lại có thể có vấn đề từ chính sự “lớn” của mình, đó là sự quan liêu, chậm thích ứng thay đổi.

+ Trong hoạt động logistics, việc quản lý chuỗi cung ứng đang trở thành một yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Vậy, Phúc nghĩ điều gì là quan trọng nhất để quản lý một chuỗi cung ứng hiệu quả?

Nguyễn Xuân Phúc: Khi chúng ta nhắc đến một chuỗi, đương nhiên chúng ta hiểu rằng trong chuỗi sẽ có nhiều mắt xích khác nhau. Trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, rủi ro luôn là thường trực, và có thể xảy ra ở bất cứ mắt xích nào trong chuỗi cung ứng. Theo Phúc thì để quản lý một chuỗi cung ứng hiệu quả, doanh nghiệp cần hiểu được những rủi ro có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng, có các kế hoạch quản lý rủi ro nhất định và kế hoạch dự phòng khi rủi ro xảy ra.

+ Đối với một quốc gia như Việt Nam, có những đặc thù riêng trong hoạt động logistics. Phúc có cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương liên quan cần có những thay đổi trong cách tiếp cận, điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ ngành này phát triển?

Nguyễn Xuân Phúc: 20, 30 năm trước, logistics chưa được nhắc đến nhiều trong công tác hoạch định chính sách. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, logistics mới được đề cập đến nhiều hơn. Chúng ta hiện nay đã có diễn đàn logistics quốc gia diễn ra hàng năm; năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam; hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể thấy là logistics hiện đã trở thành một lĩnh vực trọng yếu trong công tác hoạch định chính sách, đó là điểm rất tích cực và cần thiết. Chính phủ và các bộ, ngành đang có hướng đi đúng đắn, nhưng còn vấn đề liên quan đến liên kết vùng, vốn là một nội dung ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động logistics thì nhiều năm qua Phúc cho là vẫn chỉ dừng lại ở các hội nghị, nghị quyết mà chưa có những chuyển biến cụ thể. Chúng ta có thể sẽ cần đến sự thành lập của Ủy ban Logistics quốc gia để thống nhất phối hợp, thông tin giữa các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, và Phúc hiểu rằng đây cũng là một nội dung đang được bàn thảo.

+ Thị trường quốc tế đang chuyển dịch theo hướng đa phương và hợp tác toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, U&I Logistics đã có những bước tiến quan trọng nào để phát triển kinh doanh và hợp tác quốc tế?

Nguyễn Xuân Phúc: Trong hành trình phát triển của mình, U&I Logistics không hề xa lạ với việc hợp tác trên quy mô toàn cầu. Năm 2006, khi xác định phân khúc chủ lực là ngành sản xuất và phân phối đồ gỗ gia dụng và trên tôn chỉ “Vì quyền lợi của khách hàng trước”, U&I Logistics đã có một hành trình dài để chinh phục được một khách hàng lớn từ Bắc Mỹ, bao gồm việc trao đổi liên tục và chặt chẽ với đối tác, thậm chí đi thực địa tại cơ sở khách hàng ở Mỹ, để từ đó làm được tất cả mọi công đoạn chuẩn từ nhập hàng tại các nhà máy sản xuất ở Bình Dương, lưu trữ, thông quan, chuyển giao bằng vận tải đa phương thức đến tận các chuỗi cửa hàng tại Mỹ của khách hàng.

Nhờ đó, U&I Logistics đã chiếm trọn lòng tin của các khách hàng ở thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan… và cái tên U&I Logistics trong lĩnh vực Kho ngoại quan cho hàng Gỗ và Nội thất cũng bắt đầu thành danh trên bình diện quốc tế từ giai đoạn này.

+ Môi trường kinh doanh toàn cầu hiện đang chịu nhiều thách thức như hậu Covid-19, các xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, hạn hán... Theo Phúc, ngành logistics cần có những thích ứng và điều chỉnh như thế nào để ứng phó với những biến động này?

Nguyễn Xuân Phúc: Đại dịch Covid-19 thì đã qua, nhưng nhiều diễn biến địa chính trị và thương mại vẫn đang diễn ra, và cũng thật là khó nói chắc về bức tranh sắp tới. Một điều chắc chắn đang diễn ra, đó là hiện tượng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nổi bật là việc các nhà sản xuất lớn muốn phân bổ hoạt động sản xuất ra nhiều địa điểm hơn, nhưng quá trình này vẫn chưa kết thúc nên bức tranh về thương mại – sản xuất toàn cầu mới vẫn chưa được định hình. Một doanh nghiệp logistics muốn ứng phó hiệu quả với những biến động này đầu tiên sẽ phải có được những thông tin chính xác nhất để có những sự chuẩn bị cần thiết.

+ Trong cạnh tranh, việc tăng cường khả năng đổi mới là rất quan trọng. U&I Logistics có những kế hoạch ra sao để đảm bảo rằng mình luôn ở phía trước trong việc áp dụng công nghệ mới và các phương pháp quản lý tiên tiến?

Nguyễn Xuân Phúc: U&I Logistics đúng là luôn sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới và cởi mở với các phương pháp quản lý tiên tiến, nhưng U&I Logistics không nghĩ là mình ở phía trước. Phúc nghĩ là từng doanh nghiệp sẽ ở những trạng thái riêng khi cơn lốc công nghệ và chuyển đổi số ập đến, ứng phó như thế nào sẽ tùy vào trạng thái từng doanh nghiệp. Và ở trước hay sau không phải câu chuyện lớn, quan trọng vẫn phải là ở bên cạnh khách hàng, và phải trả lời câu hỏi “khách hàng được gì?”, nếu chúng ta tiên phong phát triển hay mua những công nghệ tốt, phần mềm đắt tiền nhưng lợi ích mà khách hàng nhận được là không rõ ràng, thì sự đổi mới đó Phúc nghĩ là “đổi” mà chưa đủ “mới”.

Nói thêm về câu chuyện đổi mới, Phúc biết có những doanh nghiệp trong ngành cũng chuyển mình rất mạnh. Ví dụ cảng SP-ITC ở TP. Thủ Đức, cảng đã tự xây dựng phần mềm quản lý cảng riêng và hoạt động hiệu quả, góp phần đưa SP-ITC trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn thứ 2 tại TP.HCM, sau cảng Cát Lái. Phần mềm quản lý cảng thì không mới, nhưng do một cảng ở Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển thì đó là một dấu ấn thực sự đặc biệt, vì các cảng lớn ở Việt Nam đều dùng phần mềm mua từ nước ngoài. Phúc nghĩ chúng ta sẽ cần phổ biến nhiều hơn những câu chuyện đổi mới như vậy. Anh Hoàng Tổng Giám Đốc của SP-ITC cũng rất tâm đắc về quá trình đổi mới công nghệ và đổi mới quy trình vận hành của SP-ITC.

+ Thị trường logistics thế giới đang chuyển dịch với sự gia tăng của thương mại điện tử và xu hướng tiêu dùng cá nhân hóa. U&I Logistics đang nhìn nhận và tận dụng như thế nào những thay đổi này?

Nguyễn Xuân Phúc: Xu hướng nào cũng sẽ mang đến những cơ hội, và đương nhiên là rủi ro. Là một doanh nghiệp dịch vụ logistics hàng đầu, U&I Logistics chúng tôi đã ghi nhận xu hướng này và đang có những thảo luận với một số đối tác tiềm năng để có những động thái thị trường và hạng mục đầu tư phù hợp để tận dụng những cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, trên cơ sở phát huy được tiềm lực và uy tín sẵn có của U&I Logistics.

+ Để xây dựng và vận hành một hệ thống logistics hiệu quả, việc quản lý dữ liệu đóng vai trò quan trọng. Vậy, cách mà U&I Logistics sử dụng dữ liệu để cải thiện quá trình vận hành của mình không?

Nguyễn Xuân Phúc: Hiện nay, chúng ta đều ghi nhận rằng nhiều trường đại học đã và đang tuyển sinh ngành khoa học dữ liệu, cũng tương tự như giai đoạn các trường đã từng mở ra các ngành đào tạo về marketing, rồi logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Phúc và anh Hỷ có thể đồng ý với nhau rằng, việc đào tạo phản ánh nhu cầu của xã hội và của nền kinh tế.

U&I Logistics có một hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ, nên sẽ sử dụng các ứng dụng trong hệ sinh thái để thu thập và xử lý dữ liệu, và hệ thống tập trung sẽ quản lý dữ liệu và xuất được báo cáo quản trị thông minh (BI) chi tiết nhất có thể để phục vụ công tác lập kế hoạch và ra quyết định.

+ Câu cuối, theo Phúc vấn đề gì sẽ là yếu tố quyết định tương lai của ngành logistics Việt Nam trong thập kỷ tới?

Nguyễn Xuân Phúc: Phúc nghĩ không có một, hay một vài, yếu tố đơn lẻ nào có tính quyết định đến tương lai ngành logistics tại Việt Nam, mà là sẽ là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau, sự phát triển của thương mại điện tử, các quy hoạch liên quan, dịch chuyển chuỗi cung ứng, chất lượng nguồn nhân lực, quá trình số hóa..., tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong tương lai ngành.

Trong bức tranh tổng thể đó, Phúc muốn nhấn mạnh đến 2 nội dung. Bên cạnh câu chuyện chúng ta cần đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics để vừa cải thiện chất lượng dịch vụ logistics, vừa thu hút đầu tư nước ngoài; Phúc nghĩ, tính kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau vẫn chưa đủ mạnh, các doanh nghiệp vẫn hoạt động tương đối manh mún, hiện chúng ta chưa có nhiều liên kết để tạo ra những liên danh lớn làm đối trọng với các doanh nghiệp logistics nước ngoài, do vậy mà rất lãng phí nguồn lực chung.

+ Cảm ơn Nguyễn Xuân Phúc. Chúc cho những trăn trở và ấp ủ của Phúc trở thành động lực phát triển cho ngành logistics Việt Nam.


Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tổng Giám đốc U&I Logistics, Nguyễn Xuân Phúc:“Chúng ta chưa có nhiều liên kết để tạo ra những liên danh lớn làm đối trọng với các doanh nghiệp logistics nước ngoài”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO