TP. HCM là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp châu Âu

baohaiquan.vn|21/03/2019 08:27

(VLR) Đó là khẳng định của ông Nicolas Audier, Đồng chủ tịch EuroCham tại lễ ra mắt Sách Trắng với chủ đề “Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, TP. HCM - Cầu nối với châu Âu”, do EuroCham tổ chức tại TP. HCM ngày 20/3.

Các chuyên gia EuroCham cùng đại diện các sở, ngành Việt Nam trao đổi tại lễ ra mắt Sách Trắng

Các chuyên gia EuroCham cùng đại diện các sở, ngành Việt Nam trao đổi tại lễ ra mắt Sách Trắng

TP. HCM - cầu nối giữa Việt Nam và EU

Nội dung Sách Trắng 2019 tập trung vào tương lai phát triển kinh tế tại Việt Nam. Lễ giới thiệu Sách Trắng tại TP. HCM này đề cập những vấn đề quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau khi được phê chuẩn và triển khai, EVFTA sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai bên. Các chuyên gia dự đoán rằng GDP Việt Nam sẽ tăng 7% đến 8% vào năm 2025 với sự thúc đẩy thương mại và đầu tư từ EVFTA.

Tại buổi giới thiệu Sách Trắng tại TP. HCM, đại diện các Tiểu ban Ngành nghề thuộc EuroCham đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị của họ với các nhà lãnh đạo thành phố, thông qua phiên thảo luận đánh giá sự thành công của các chính sách gần đây tại TP. HCM và những nỗ lực của thành phố để thu hút đầu tư và thương mại quốc tế.

Theo các doanh nghiệp thành viên EuroCham, các doanh nghiệp rất quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là TPHCM, do thành phố có nhiều chính sách cởi mở với doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại đây có tỷ suất lợi nhuận tốt. Hơn nữa, TP. HCM cũng như Đồng Nai, Bình Dương là khu vực có lực lượng lao động, trẻ, thông minh, được đào tạo tốt.

Ông Nicolas Audier, Đồng chủ tịch EuroCham cho biết, nhiều thành viên của EuroCham chọn TP. HCM là nơi xây dựng cơ sở kinh doanh của họ tại Việt Nam đã cho thấy sự thành công của thành phố cũng như các cấp lãnh đạo thành phố. TP. HCM đã biến mình thành điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp và tiếp tục thu hút thương mại và đầu tư từ khắp các quốc gia châu Âu.

Ông Nicolas Audier nhấn mạnh, thành phố đang tiếp cận với các cơ hội tiến xa hơn và nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế, trở thành cầu nối giữa Việt Nam và châu Âu. Nếu TP. HCM tiếp tục đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nắm bắt các sáng kiến số hóa và thành phố thông minh và tạọ dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thì TP. HCM có thể tận dụng trọn vẹn lợi ích của EVFTA, từ đó thu hút thêm đầu tư và thương mại từ châu Âu trong tương lai.

“Thông qua ấn phẩm Sách Trắng thường niên, hiện tại là phiên bản thứ 11, chúng tôi mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của các thành viên với các nhà lãnh đạo địa phương và cũng như Việt Nam. Các kiến nghị của các thành viên EuroCham, nếu được xem xét tháo gỡ, sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển. Các kiến nghị này còn góp phần cải thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh của Việt Nam, qua đó, cải thiện mức sống của hàng triệu công dân Việt Nam” - ông Nicolas Audier khẳng định.

Thêm động lực từ EVFTA

Đại điện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, hiện TP. HCM có hơn 1.100 dự án của các doanh nghiệp châu Âu với tổng vốn đầu tư khoảng 3,86 tỷ USD. Năm 2019, TP. HCM chọn là năm đột phá cải cách hành chính và triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, Chính vì vậy, TP. HCM rất mong muốn sự đóng góp của DN FDI vào quá trình phát triển đô thị thông minh.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM cũng cho biết, Hải quan TP. HCM xác định việc tạo thuận lợi về thủ tục Hải quan cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Về những vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp trong Sách Trắng, cơ quan Hải quan đang tích cực phối hợp với các sở, ngành để đưa ra các giải pháp giải quyết nhanh nhất, đặc biệt là về thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thời gian thông quan hàng hoá. Theo đó, Hải quan TP. HCM cam kết sẽ kéo giảm thời gian thông quan hàng hoá từ 50-70%.

Theo Bà Mayte Pernas, Giám đốc chương trình mạng lưới doanh nghiệp châu Âu - Việt Nam, với việc EVFTA có hiệu lực, trao đổi thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và EU chắc chắn sẽ tăng mạnh, bởi nhiều dòng thuế sẽ về 0%. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam tăng cường nhập khẩu nhiều sản phẩm máy móc chất lượng, với thuế suất 0%, để năng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Sau đó có thể xuất khẩu các sản phẩm này trở lại thị trường EU với mức thuế suất ưu đãi.

Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI, chi nhánh TP. HCM cho biết, EU là thị trường có tiêu chuẩn cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập sâu vào thị trường này cần phải đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam còn e ngại các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc xuất xứ. Do đó, VCCI đang tăng cường phổ biến các quy tắc xuất xứ khi xuất hàng vào EU cho doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nắm rõ để đáp ứng các tiêu chuẩn, tạo lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị cao hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO