Triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế

Trần Trình Lãm|20/01/2022 09:48

(VLR) Năm 2022, đại dịch COVID-19 có thể chưa chấm dứt do sự xuất hiện của các biến chủng mới như Omicron, nước ta vẫn sẽ đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, việc phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước vẫn có nhiều triển vọng nhờ vào các giải pháp được Chính phủ đề ra.

Quyết liệt và hiệu quả

Năm 2021 vừa qua là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với nền kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta do tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi cả nước, nhất là từ cuối tháng Tư. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), thương mại dịch vụ bị đình trệ, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giải thể, đời sống người lao động rơi vào khó khăn do không có việc làm...

Trước tình hình đó, Chính phủ đã đề ra các quyết sách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh SXKD nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Đặc biệt là Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo điều kiện để nền kinh tế nước ta đang dần vượt qua thời điểm khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 12/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tăng 2,58% so với năm 2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%...

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cả năm 6,37%... Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2021, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.

Riêng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, một số ngành, lĩnh vực có sự phục hồi và phát triển tốt đã đóng góp vào tăng trưởng chung như nông, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội... Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngoài ra còn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn cho xuất khẩu.

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, người nhiễm COVID-19 đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

Các kết quả này tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng, sự đúng hướng, kịp thời, hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP. Đánh giá tổng thể về kết quả đạt được, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào ngày 02/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tác động tích cực tới phục hồi và phát triển KT-XH.

Mục tiêu khả thi

Theo dự báo năm 2022, đại dịch COVID-19 có thể chưa chấm dứt do sự xuất hiện khó lường của các biến chủng như Omicron, nước ta vẫn đối mặt với khó khăn, thách thức lớn; tiềm ẩn nhiều rủi ro,...

Sau một năm 2021 đầy biến động, hướng đến năm 2022, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6% - 6,5% như đã được đề ra trong kỳ họp Quốc hội mới đây là hoàn toàn khả thi.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Nhiều chuyên gia đầu ngành nhận định, năm 2022 Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, việc phục hồi SXKD có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định, việc phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam có rất nhiều triển vọng nhờ vào các giải pháp chủ yếu được Chính phủ đưa ra, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển KT-XH, bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân và an sinh xã hội. Năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn với nhiều điều kiện nền tảng vững mạnh. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021 đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước; Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/12/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, sau một năm 2021 đầy biến động, hướng đến năm 2022, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6% - 6,5% như đã được đề ra trong kỳ họp Quốc hội mới đây là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện. Một là, kiểm soát tốt đại dịch, mặc dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi các quốc gia trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi virus SARSCoV-2 và sắp tới có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới, nhưng bước đầu tiên là làm tất cả những gì có thể để kiểm soát đại dịch; Hai là, cải thiện cán cân cung - cầu. “Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Do vậy, có thể nói phía cung đã phát đi những tín hiệu tích cực và vấn đề đang nằm ở phía cầu”, ông Jacques Morisset nói.

Huy động các nguồn lực

Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 của Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là “Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH”. Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư. Kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ và kiểm soát việc phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển KT-XH; thống nhất quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch COVID-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề. “Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển”, Thủ tướng khẳng định.

Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của Quốc hội đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2022, gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6% - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5% - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO