Từ Busan - Gyeonggi-Do đến Seoul: Chuỗi cung ứng… đi để nhớ!

15/05/2017 10:45

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Có thể nói, một trong những dấu ấn khó quên, còn đọng lại trong tháng Tư lịch sử vừa qua, đó là chuyến đi của phái đoàn các doanh nghiệp dịch vụ logistics - hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đại diện Tạp chí Vietnam Logistics Review với 18 thành viên đã chinh xuất đến Busan, Gyeonggi-do, Seoul theo lời mời của chính quyền cảng nơi đây và Hiệp hội Giao nhận Quốc tế Hàn Quốc (KIFFA)

(Vietnam Logistics Review) Có thể nói, một trong những dấu ấn khó quên, còn đọng lại trong tháng Tư lịch sử vừa qua, đó là chuyến đi của phái đoàn các doanh nghiệp dịch vụ logistics - hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đại diện Tạp chí Vietnam Logistics Review với 18 thành viên đã chinh xuất đến Busan, Gyeonggi-do, Seoul theo lời mời của chính quyền cảng nơi đây và Hiệp hội Giao nhận Quốc tế Hàn Quốc (KIFFA).

Sau gần 5 giờ bay đêm, ngủ chập chờn trên chuyến bay VN 422 của Vietnam Airlines, 7 giờ sáng (giờ Hàn Quốc) đoàn chúng tôi đã có mặt tại phi trường quốc tế Gimhae, Busan. Chỉnh trang tư phục, chào bình minh Busan! và không quên tranh thủ thưởng lãm hoa anh đào vào mùa nở đẹp, dùng điểm tâm với món mì Udon nóng nổi tiếng của người Hàn tại nhà hàng Geumkang Chorong.

Cảng Busan,... nhìn từ hướng mặt trời

Đoàn được lãnh đạo Cảng vụ Busan (BPA) bố trí một tàu chuyên dụng, khởi đầu chuyến thị sát, tham quan hệ thống cảng Busan nằm ở vùng cửa sông Naktong.
Cảng Busan là cảng container lớn thứ 5 trên thế giới và là cảng trung chuyển có khu hậu cần logistics lớn nhất Đông Bắc Á. Năm 2016, sản lượng container thông qua cảng này lên đến 20.6 triệu TEU, và vẫn đang tiếp tục mở rộng phát triển thành cảng trung chuyển hàng đầu của châu Á với 46 cầu tàu tiêu chuẩn quốc tế.

“Sự đón tiếp trọng thị, với những băng rôn căng dài bằng tiếng Việt cho thấy họ rất coi trọng việc phái đoàn VLA đến thăm và làm việc với các cảng biển Hàn Quốc, điều này cũng cho thấy uy tín của VLA trong nhận thức và suy nghĩ của phía bạn”

Busan có 4 cụm cảng chính, bao gồm cảng Bắc, cảng Nam, cảng Dadaepo và cảng Gamcheon. Tất cả được quy hoạch khoa học với các trang thiết bị khai thác cảng hiện đại.

Cảng Bắc là cảng đa năng, vừa có thể tiếp nhận tàu khách và cả tàu vận tải container. Tuy đã được xây dựng và đưa vào khai thác gần 40 năm (1978), nhưng vị thế, năng lực vận hành và tính hiệu quả của cảng này là rất ấn tượng. Với bến tàu dài 460m, có độ sâu trước bến khác nhau, từ -1m đến -8.6m, có thể cùng lúc đón một tàu 10.000 tấn, một tàu 3.000 tấn và hai tàu 200 tấn, với khả năng xử lý 318.000 tấn hàng/tháng.

Một góc Trung tâm Logistics Busan nhìn từ Phòng Truyền thông BPA

Rời Cảng Bắc, buổi chiều cùng ngày sau giờ cơm trưa, đoàn chúng tôi tiếp tục được phía đối tác mời di chuyển đến thăm Cảng Nam nằm trong hệ thống cảng Busan. Cảng Nam được xây dựng trên diện tích 90.000m². Cảng có cầu tàu dài 4.144m, có hệ thống đê chắn sóng dài 400m. Đây còn là cảng cá lớn nhất Hàn Quốc, chiếm 30% tổng khối lượng hải sản đánh bắt của nước này.

Cảng Gamcheon được xây dựng trên diện tích 153ha, việc đầu tư phát triển cảng này là nhằm hỗ trợ cho Cảng Bắc, tạo đòn bẩy gia tăng lượng hàng xử lý thông qua hệ thống cảng Busan. Cảng này cũng có các bến dành riêng cho việc xử lý hàng hải sản và vận tải hàng hóa ven biển.

Cảng Dadaepo là cảng nằm ở phía Tây trong hệ thống cảng Busan, cảng có 1.200m đê chắn sóng và 593m kè chắn sóng, đây là cảng chủ yếu dùng để xử lý hàng hải sản đánh bắt ven biển. Hiện Dadaepo đang được đầu tư phát triển theo hướng của một cảng thân thiện với môi trường.

Bình yên - Công viên đảo Yeouido

Còn Cảng Gamman là cảng container được quy hoạch và xây dựng trên diện tích 75ha, do 4 hãng vận tải biển Global Enterprises, Hanjin Shipping, Korea Express và Hutchison Korea Terminal Ltd điều hành. Cảng được đầu tư các thiết bị bốc xếp container hiện đại. Bến cảng dài 1.400m cho phép 4 tàu trọng tải 50.000 tấn cùng cập bến. Mỗi năm cảng này bốc xếp 1.2 triệu TEU.

Từ năm 1991, cảng container Sinseondae đã đầu tư thiết bị xếp dỡ tiên tiến như cần cẩu container tốc độ cao, có khả năng làm hàng cho tàu container post-panamax.Cảng này do Công ty TNHH Container Đông Busan điều hành. Với bến cảng dài 1.200m cho phép bốc xếp cùng lúc 4 tàu 50.000 tấn, năng lực xếp dỡ là 1.2 triệu TEU/năm.

Cảng Singamman cũng là cảng container được đưa vào khai thác từ giữa năm 2002 do Công ty TNHH Cảng container Dongbu Pusan (DPCT) điều hành. Đây là cảng có cầu tàu dài 826m cho phép cùng lúc hai tàu 50.000 tấn và một tàu 5.000 tấn cập bến. Cảng có diện tích 30.8ha, năng lực bốc xếp 650.000 TEU/năm.

Một vòng thị sát qua các cảng Busan nhìn từ boong tàu. Tiếp đó chúng tôi được mời thăm khu vực kho của Busan Cross Dock (BCD), nhà kho được thiết kế với khẩu độ dầm thép rất lớn, không có cột giữa kho, ngăn nắp và sạch sẽ. Đi cạnh tôi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác và Phát triển Kho vận Tân Tạo - Đỗ Tuấn Cường không ít lời khen ngợi và bày tỏ thán phục về cung cách quản lý, vận hành và sử dụng công nghệ cho hệ thống kho ở đây. Ông Cường ví von rằng: mọi hoạt động ở đây diễn ra liên tục và di chuyển như những con thoi nâng hạ liên tục, sắp xếp hàng hóa rất nhịp nhàng, uyển chuyển. Đặc biệt các phương tiện, thiết bị hoạt động trong kho đều mang thương hiệu Hàn Quốc.

Sự đón tiếp trọng thị, với những băng rôn căng dài bằng tiếng Việt cho thấy họ rất coi trọng việc phái đoàn VLA đến thăm và làm việc với các cảng biển Hàn Quốc, điều này cũng cho thấy uy tín của VLA trong nhận thức và suy nghĩ của phía bạn.

Buổi sáng ngày thứ 2, trên tuyến tàu lửa cao tốc từ ga KTX Busan đến Gyeonggi-do, ông Trần Duy Hòa - Giám đốc Công ty Logistics Quốc tế Unique đã chia sẻ với tôi về sự ngạc nhiên và mến phục trong tiệc chiêu đãi đoàn VLA tối qua vì có cả sự tham dự của lãnh đạo chính quyền thành phố, lãnh đạo chính quyền Cảng Busan. Ông Hòa nhận xét rằng, trong khi VLA thật sự chưa có tác động nhiều tới việc đưa luồng hàng về các cảng này, bởi việc này phụ thuộc vào dịch vụ vận chuyển của các hãng tàu. Nói như vậy để chứng minh rằng ở đây có sự gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền cho việc phát triển Cảng Busan. Qua trao đổi, chúng tôi được biết ở đây họ còn xúc tiến dịch vụ cho thuê đất trong phạm vi của cảng với thời hạn 50 năm để tạo điều kiện cho các công ty logistics xây dựng hệ thống kho bãi, vận chuyển, lưu giữ và phân phối hàng hóa... đây là một hình thức kinh doanh gián tiếp để tăng sản lượng hàng lưu thông qua cảng. Ông Hòa cho rằng với việc quy hoạch rõ ràng, định hướng phát triển lâu dài và tạo điều kiện cho các công ty logistics cùng phát triển là điều mà các cảng biển VN nên học tập: phát triển vì “lợi ích công”.

Ấn tượng Pyeongtaek, Gyeonggi - Do

Sau gần 3 giờ trên tàu hỏa cao tốc KTX khởi hành từ Busan, với độ dài quãng đường hơn 400km, 10 giờ 40 đoàn dừng lại ở ga Cheonanasan. Mr. Simon Hong, Giám đốc nhóm Kế hoạch – Chiến lược của Công ty Cảng Gyeonggi Pyeongtaek cùng trợ lý đã đợi sẵn ở ga đón đoàn. Tôi đã gặp Hong đôi lần thông qua các sự kiện của Cảng Gyeonggi Pyeongtaek tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội trong những năm gần đây, có thể nói anh ấy là mẫu người thân thiện, nhiệt tình và dễ mến - một người bạn gắn bó mật thiết với VLA. Cũng như hôm ở Cảng Busan, gặp gỡ và làm việc với ông Park Ho-Chul - Giám đốc Chiến lược Marketing của Cảng vụ Busan, với cung cách và tác phong ấy đã để lại cho chúng tôi ấn tượng khá đẹp.

Chủ tịch VLA - Lê Duy Hiệp

trên Korea Shipping Gazette

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhu cầu giao thương ngày càng lớn, tăng cường kết nối logistics để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững cho hàng hóa xuất nhập khẩu VN là một nhiệm vụ quan trọng. Chuyến đi này là một trong những nối kết mang tính khởi đầu nằm trong kế hoạch hành động, chuỗi các hoạt động xúc tiến và đối ngoại của VLA

Hơn một giờ từ ga Cheonanasan đi bằng xe về hướng Cảng Pyeongtaek, Hong đã giới thiệu, thông tin với đoàn rất nhiều vấn đề về văn hóa, con người và các chính sách kinh tế của Hàn Quốc và vùng Gyeonggi-do nói riêng. Đi qua khu vực công nghiệp của Tập đoàn Samsung được xem là “đại công trường” lớn nhất thế giới đang trong giai đoạn hoàn thiện giai đoạn 1. Quanh khu vực này có rất nhiều nhà máy, công ty lớn đang xây dựng, hoạt động... tạo thành một đại tổ hợp công nghiệp mang tầm thời đại, cũng rất ít thấy ở các nước công nghiệp phát triển.

Pyeongtaek là cửa ngõ của vùng trung tâm, chiếm 60% dân số quốc gia (30.21 triệu người) bao gồm: Seoul, Gyeonggi, Incheo, Chungcheong và Daejeon và chiếm 61% GDP (911. 000 tỷ won). Pyeongtaek được xem là nơi có vị trí tối ưu về địa lý: cảng nằm sâu trong Vịnh Asan giống như nằm trong một bức thành tự nhiên ngăn cản sương mù, có cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp. Với mớn nước trung bình -14m, Pyeongtaek cho phép các tàu vận tải thế hệ mới neo đậu và lưu thông an toàn.

Hệ thống các cảng ở Pyeongtaek có thể kết nối với vùng Sơn Đông - Rongchen (Đông Thành), Weihai (Uy Hải), Rizhao Yanta (Nhật Chiếu) và Jiangsu (Giang Tô), Lianyongang (Liên Vân Cảng) ở Trung Quốc bằng các phà chuyên chở ôtô, đóng góp nhiều vào việc trao đổi nhân lực và vật liệu giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.

Có lẽ ấn tượng về tính quy củ, hợp lý trong vận hành và quy hoạch hạ tầng, ông Trần Việt Huy - Giám đốc điều hành TRA-SAS nhận xét: Cảng Busan mặc dù có sản lượng hơn 20 triệu TEU/năm (gấp 5 lần Cảng Cát Lái; gấp 3 lần sản lượng của toàn VN) nhưng xe cộ ở đây di chuyển rất thông thoáng, trật tự không như Cát Lái, Đình Vũ… ở mình.

Pyeongtaek là cảng trung chuyển ôtô đi các nước lớn nhất châu Á, bình quân mỗi ngày có 2-3 tàu Roro cập cảng để vận chuyển khoảng 3.000 ôtô. Đội ngũ nhân viên chỉ có 150 người (bao gồm 65 tài xế), nhưng có mức độ tự động hóa cao, tính chuyên nghiệp và khả năng điều hành hiệu quả đã tạo ra năng suất làm việc tối ưu. Đây là điều mà các cảng biển ở VN cần học hỏi để có thể cạnh tranh với các cảng ở khu vực châu Á.

Bình minh... Busan

Pyeongtaek được nhìn nhận như là “thánh địa” của xếp dỡ hàng hóa tự động. Trong năm 2015, công suất xếp dỡ container của cảng là 565.729 TEU; tổng khối lượng hàng hóa là 112.214.000 tấn và 494.740 lượt khách. Đây là một cảng trẻ và năng động bậc nhất.

Pyeongtaek còn được biết đến với kế hoạch phát triển khu phức hợp hỗ trợ cảng. Giai đoạn 1 từ năm 2006 đến 2011 là 1.429.000m2 đã được phát triển cho các mục đích logistics và sản xuất; giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020 sẽ có khoảng 1.363.000m2 được phát triển cho các mục đích logistics, sản xuất và khu dân cư; và giai đoạn 3 sau 2020 với 2.782.000m2 cho các mục đích như trên và thương mại. Vấn đề chi phí logistics mang tính cạnh tranh và các ưu đãi cho xử lý hàng hóa cũng được tính toán để làm thế mạnh của cảng này.

Seoul… Một trời hoa lệ

Nếu hai ngày ở Busan, Gyeonggi-do đoàn chúng tôi phải bận rộn, tất bật với lịch làm việc dày đặc, sự di chuyển liên tục,... thì Seoul đã mở cửa đón chúng tôi bằng đêm đầu tiên khá ấn tượng ở thủ đô hoa lệ này. KIFFA đã chiêu đãi đoàn bằng bữa tiệc tối thân tình, ngồi theo kiểu truyền thống ở Nhà hàng Tosokchon với nhiều món ăn “quốc hồn quốc túy” của người Hàn, nhưng ngon và nhớ nhất vẫn là món samgyetang (gà tần sâm) của sứ sở được định danh là kinh đô sâm.

Hệ thống các cụm cảng ở Busan nằm trải đều trên chiều dài 26.8km, cùng lúc có thể tiếp nhận tới 169 tàu cập bến, công suất xử lý hàng hóa lên đến 91 triệu tấn/năm.

Tổng Thư ký VLA - Nguyễn Duy Minh nói vui rằng: “nếu mấy ngày vừa qua đoàn mình đã vất vả, có phần căng thẳng bởi nhịp độ làm việc, thì bây giờ tôi có thể nói rằng - nhiệm vụ đã hoàn thành, hãy thư giãn, khám… phá Seoul”.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO), lượng khách du lịch VN đến Hàn Quốc đang gia tăng rất nhanh: năm 2015: 170 nghìn lượt, 2016: 240 nghìn lượt, dự kiến năm 2017 sẽ trên 300 nghìn lượt.

Vân Anh - cô gái trẻ người Hà Nội (đang học Cao học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Sungkyunwan) phiên dịch tiếng Hàn kiêm hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư cho tôi biết những năm gần đây lượng khách du lịch VN đến với sứ sở hoa anh đào này ngày càng nhiều. Giải thích về sự gia tăng này Vân Anh cho biết: thời gian qua Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, chính sách về visa đến nước này ngày càng cởi mở, thời gian cấp nhanh và chi phí không cao. Đặc biệt, vài thập kỷ gần đây người Hàn Quốc đầu tư và phát huy thế mạnh về cảnh sắc, con người, kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống - hiện đại, và Hàn Quốc còn là thiên đường thời trang, mua sắm. Và một điều đã làm nên điểm đến, sức hút của sứ kim chi này trong mắt của thế giới đó là sự phát triển vượt bậc của ngành truyền thông quảng cáo, đặc biệt là nghệ thuật thứ bảy. Có lẽ người xem màn ảnh nhỏ ở VN và nhiều nước ít ai không biết đến tên và các nhân vật trong các bộ phim truyền hình nhiều tập, hấp dẫn với dàn diễn viên xinh đẹp. Từ phim bộ Anh em nhà bác sĩ, Bản tình ca mùa đông, Hậu duệ mặt trời hay mới đây là phim Dấu vết, Yêu tinh… tất cả đều là sản phẩm mang tính thành tựu của kỹ nghệ điện ảnh và truyền thông Hàn Quốc.

Lưu niệm tại Cung điện Hoàng Gia Gyeongbok (Cảnh Phúc Cung)

… Ngày vui qua mau. Chuyến bay VN 409 từ phi trường quốc tế Incheon sau 5 giờ bay đã đưa đoàn chúng tôi trở lại TP. Hồ Chí Minh. Những cái ôm, bắt tay tạm biệt vội vàng. Nhưng, những kết nối nghĩa tình từ chuỗi cung ứng… đi để nhớ thì chỉ mới bắt đầu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Từ Busan - Gyeonggi-Do đến Seoul: Chuỗi cung ứng… đi để nhớ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO