Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu. (Ảnh TUẤN TRẦN)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà-phê tăng 35,6%, cao-su tăng 6,6%, gạo tăng 22,3%, hồ tiêu tăng 43,8%, thì chè lại giảm 10,8%, rau quả giảm 12,3%, hạt điều giảm 2,4%... Nguyên nhân của sự tăng, giảm này đều xuất phát từ việc thích ứng với biến động thị trường, giá cả của từng ngành hàng nông sản.
Thị trường mở nhưng từ chối sản phẩm không đạt
Mới đây, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề vì sao xuất khẩu nông sản sang châu Âu khó khăn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Châu Âu là một thị trường rất khó tính, tiêu chuẩn các sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản, hải sản rất cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của chúng ta trong lĩnh vực hải sản vào thị trường châu Âu rất tốt nhưng còn nhiều doanh nghiệp chưa khai thác được vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường này.
Mặc dù nhu cầu nông sản của châu Âu rất lớn, cộng thêm lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực là cơ hội cho doanh nghiệp nhưng thách thức với chúng ta là phải đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường này. Nếu không nâng khả năng thích ứng, chúng ta không tận dụng được cơ hội xuất khẩu, thậm chí sẽ thua ngay trên sân nhà. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn đối với các nước, trong khi đó hàng của ta sản xuất ra rất nhiều nhưng đưa đi không dễ. Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp và người sản xuất là cố gắng tuân thủ quy luật thị trường, bám sát tiêu chuẩn, tiêu chí của các thị trường để tổ chức sản xuất.
Đối với thị trường Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Đây vẫn là một thị trường lớn, tiềm năng. Hiện Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, tuy nhiên, thực tế với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, chưa bảo đảm tiêu chuẩn thì việc này rất khó đối với chúng ta.
Là doanh nghiệp xuất khẩu chuối chủ lực sang Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An Võ Quan Huy cho rằng: Trung Quốc đã có sự chuẩn bị để chuyển nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch trên cơ sở chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt dường như vẫn đi chậm một bước, nên mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, nhưng để xuất khẩu được, đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu.
Tăng chất lượng, mở rộng thị trường
Chanh leo hiện được Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh HẢI HIẾU)
Ngày 22/3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi Công văn số 637/BVTV-HTQT tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; và các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu trái cây tươi đề nghị xin ý kiến về dự thảo “Chương trình xuất khẩu về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với một số quả tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang New Zealand”. Dự thảo có đặt ra yêu cầu về vùng trồng trái cây tươi và vấn đề tập huấn trong chương trình xuất khẩu.
Trước đó, để thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang New Zealand, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng, hoàn thiện và gửi hồ sơ kỹ thuật cho phía nước bạn. Đây là lộ trình nhằm mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam vào New Zealand. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng vì dù là thị trường ít dân nhưng New Zealand lại có hệ thống kiểm dịch thực vật chặt chẽ bậc nhất thế giới. Nếu trái cây Việt Nam xuất khẩu được sang quốc gia này thì sẽ tạo thuận lợi trong việc đàm phán mở cửa thị trường với các quốc gia khác.
Về việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Công thương thì kết luận cuối cùng sẽ được Bộ Thương mại Mỹ ban hành vào cuối tháng 4/2022. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã xác định biên độ phá giá cho sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam là từ 410,93-413,99% và áp mức thuế tạm thời tương ứng.
Hiện, sản lượng mật hằng năm của Việt Nam khoảng 70.000 tấn; trong đó, 90% sản lượng được xuất khẩu sang Mỹ. Nếu mức thuế sơ bộ cao như hiện nay tiếp tục được duy trì trong kết luận cuối cùng, các doanh nghiệp khó có thể xuất khẩu mật ong sang Mỹ. Đây cũng có thể coi như một trường hợp điển hình cho những biến động thị trường liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải lường trước và chủ động ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Liên quan đến biến động thị trường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước “ba biến” lớn, là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Một trong những “biến” quan trọng nhất chính là thị trường, nên cần thông tin minh bạch cả đầu cung và đầu cầu. Chúng ta phải phân biệt “sản phẩm” và “thương phẩm”.
Chúng ta chỉ tạo ra sản phẩm theo một sản lượng ở các địa phương, từ diện tích trồng lúa, nuôi cá hay trồng cây ăn quả, đó mới chỉ là một sản phẩm, nghĩa là cái chúng ta có thể sản xuất ra. Nhưng sản phẩm đó chưa tạo ra giá cả, chưa tạo ra giá trị nếu nó chưa biến thành một thương phẩm. Thương phẩm đó đòi hỏi những yêu cầu, tiêu chuẩn hóa của thị trường về mặt giá trị, giá cả, thời điểm và kể cả sự cạnh tranh của những quốc gia khác với cùng một sản phẩm, một thời điểm.
Không dễ để ngay lập tức các ngành hàng nông nghiệp có thể ứng phó linh hoạt và hiệu quả mọi biến động của thị trường vì xu hướng tiêu dùng luôn thay đổi cũng như các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật có thể được nước nhập khẩu dựng lên và thay đổi bất cứ lúc nào. Điều chúng ta có thể chủ động được chính là sản xuất an toàn, chất lượng theo xu hướng chung nhất của toàn thế giới. Từ đó có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào số ít thị trường truyền thống.