Ứng phó với biến đổi khí hậu và quan điểm phát triển quốc gia của Việt Nam

Bảo Hân (tổng hợp) |19/11/2023 21:52

Là nhà Lãnh đạo APEC đầu tiên phát biểu tại phần thảo luận của Đối thoại, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu, đòi hỏi quyết tâm, trách nhiệm chính trị cũng như sự đoàn kết của tất cả các nền kinh tế.

Trưa 16/11 (giờ địa phương), trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2023, tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ đã diễn ra Phiên Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với các khách mời là Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka và Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ Shri Piyush Goyal.

Đây là hoạt động đầu tiên của các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC 2023.

ctn-doi-thoai-171123-4-1700197469481-1700197470465852705602.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các Nhà lãnh đạo APEC tại buổi làm việc - Ảnh: TTXVN.

Là nhà Lãnh đạo APEC đầu tiên phát biểu tại phần thảo luận của Đối thoại, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu, đòi hỏi quyết tâm, trách nhiệm chính trị cũng như sự đoàn kết của tất cả các nền kinh tế.

Chủ tịch nước chia sẻ quan điểm của Việt Nam coi ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên trong quyết sách phát triển quốc gia và cam kết mạnh mẽ về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải metan, bảo vệ rừng và chuyển đổi năng lượng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế đến triển khai trong thực tế.

Chủ tịch nước đề nghị APEC và các đối tác đẩy mạnh chương trình hợp tác về năng lượng tái tạo và xanh hóa các ngành công nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái và phục hồi tài nguyên; an sinh xã hội và chuyển đổi công bằng.

Chủ tịch nước cũng kêu gọi các nước phát triển, các đối tác quốc tế tăng cường chia sẻ thành quả khoa học-công nghệ, đóng góp tài chính, khẩn trương đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại vào hoạt động để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống tài chính toàn cầu cần nâng cao khả năng cung cấp tài chính xanh và huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là thời điểm tất cả các nền kinh tế cần hiện thực hóa các cam kết lịch sử đã đưa ra để bảo vệ trái đất và tương lai của các thế hệ mai sau.

Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước, hoan nghênh những đề xuất thiết thực và ủng hộ nỗ lực của Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi năng lượng.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023, với sự tham dự của gần 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực; phát biểu định hướng cho phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững và bao trùm”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ ra 4 mâu thuẫn lớn của kinh tế thế giới hiện nay.

ctn1-1.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "APEC đã luôn là “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thỏa thuận hợp tác toàn cầu" Ảnh: TTXVN

Đó là: Kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng; sau hơn 3 thập kỷ thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hoá và hình thành nên mạng lưới quan hệ kinh tế quốc tế đan xen lợi ích, phụ thuộc lẫn nhau thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ;

Khoa học-công nghệ phát triển nhanh chóng vượt bậc, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia;

Khoa học-công nghệ đem đến cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn hiểm họa khôn lường;

Các nền kinh tế theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức, nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, cần một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn.

Thứ nhất:
Phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ hai
: Duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia.

Thứ ba
: Quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế-xã hội, văn hóa, chính trị từ quá trình này.

Thứ tư
: Cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Theo Chủ tịch nước, APEC đã luôn là “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thỏa thuận hợp tác toàn cầu. APEC cũng đi đầu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó thiên tai, ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Trong những thành công đó, luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Chủ tịch nước cho rằng cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương quan điểm và chính sách phát triển của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tất cả người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải được tiến hành ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Với quan điểm đó, Việt Nam đang triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp.

Một là
, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Hai là
, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển đổi xanh hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về khí hậu.

Ba là,
tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ phân biệt trong xã hội....

Bài liên quan
  • APEC 2023 và chuỗi cung ứng toàn cầu
    APEC hiện bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 38% dân số, 62% GDP và gần 50% thương mại thế giới. Đến nay, APEC đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả 3 trụ cột hợp tác.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với biến đổi khí hậu và quan điểm phát triển quốc gia của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO