Vải thiều Việt Nam lần đầu xuất sang Singapore, nhiều siêu thị “cháy” hàng

Báo Công Thương điện tử|02/07/2020 08:42

(VLR) Lần đầu tiên xuất khẩu sang Singapore, với mức giá cạnh tranh, chất lượng và màu sắc tươi đẹp, trái vải thiều Việt Nam đã “phải lòng” người tiêu dùng quốc đảo Sư tử này. Sau 2 tuần lên kệ, nhiều siêu thị tại đây đã không còn vải để bán.

Vải là một trong mặt hàng được người dân Singapore tiêu thụ số lượng lớn

Vải là một trong mặt hàng được người dân Singapore tiêu thụ số lượng lớn

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, tính đến giữa tháng 6/2020, gần 50 tấn vải đã được xuất khẩu sang Singapore từ cảng Hải Phòng và dự kiến đến hết mùa vải, tổng giá trị xuất khẩu có thể đạt 100 tấn.

Năm 2020 là năm đầu tiên người dân Singapore được thưởng thức vải thiều nhập khẩu trực tiếp Việt Nam; mặc dù người dân quốc đảo này đã rất quen thuộc với trái vải của Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan từ nhiều năm. Vải luôn được coi là trái cây cao cấp và có mức giá cao so với các loại trái cây khác trên thị trường nhưng người dân Singapore hàng năm luôn tiêu thụ vải với số lượng lớn. Các hộp vải ở Singapore thường được đóng với trọng lượng từ 700g đến 1,000g.

Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore – cho biết, trong tuần đầu tiên, vải thiều Việt Nam bán với giá 5SGD/kg (mức khuyến mại) và tăng trở lại mức 6SGD/kg ngay trong tuần tiếp theo, cùng mức giá với vải Trung Quốc đang bán tại Singapore. Tuy nhiên, do chất lượng và màu sắc trái vải đẹp tươi hơn hẳn, người tiêu dùng Singapore đã ngay lập tức “phải lòng” với trái vải Việt Nam. Sau 2 tuần lên kệ, nhiều siêu thị đã không còn vải để bán.

Singapore là thị trường quen thuộc với trái vải và người dân ưa chuộng, tiêu thụ với số lượng lớn. Vì vậy, trái vải Việt Nam không mất thời gian làm quen, chinh phục để thử nghiệm như ở thị trường Úc hay thị trường Nhật Bản (bao bì thường chỉ đóng từ 2-300g/hộp). Mức giá trái vải của Việt Nam rất cạnh tranh so với vải Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc và chất lượng hơn hẳn. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay là khả năng đảm bảo nguồn cung hàng chất lượng cao cho Singapore. Hiện nay, nguồn vải sang Singapore được xuất từ Vùng trồng bằng hệ thống tiêu chuẩn liên kết chuỗi khối OTAS Việt Nam để phục vụ thị trường Nhật Bản.

Trong những năm tới, khi nhu cầu của thị trường Nhật Bản lớn hơn, nguồn vải này sẽ không đủ khả năng cung cấp cho Singapore. Bên cạnh đó, theo đánh giá sơ bộ, khâu đóng gói, xử lý của Việt Nam chưa tốt, dẫn đến việc vải vẫn bị hỏng nhiều khi cập cảng Singapore. “Nếu không làm tốt công tác kiểm dịch dẫn đến việc khách hàng Singapore khiếu nại siêu thị, chắc chắn, cánh cửa của trái vải Việt Nam vào thị trường bền vững sẽ rất khó khăn.”- bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.

Hiện nay, các chuyên gia Singapore cùng dự án STAMEQ đang đẩy mạnh triển khai Dự án thí điểm Chuỗi cung ứng lạnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho trái vải và trái nhãn.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore hi vọng, với sự hỗ trợ của chuyên gia Singapore và các nước, các vùng vải thiều của Việt Nam sẽ được quy hoạch đồng bộ, khép kín theo chuỗi, đảm bảo khả năng cung ứng lâu dài với mức giá cạnh tranh cho thị trường Singapore và thế giới.

Trong bối cảnh Singapore vẫn tiến hành các biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, việc triển khai chiến dịch truyền thông để quảng bá trái vải không thể thực hiện được. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc đưa trái vải vào thị trường Singapore ổn định trong những năm tiếp theo, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, Thương vụ đang cùng Tập đoàn Fair Price (nắm tới 70% thị phần bán lẻ của Singapore) rà soát, tổng kết và rút kinh nghiệm. Dự kiến, trong mùa vải mới, Thương vụ sẽ chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương và tập đoàn Fair Price tổ chức “Ngày vải Việt Nam tại Singapore”.

Hiện, Thương vụ đang phối hợp với các chuyên gia Singapore để thiết kế tờ rơi bằng tiếng Anh giới thiệu và quảng bá câu chuyện trái vải của Việt Nam.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vải thiều Việt Nam lần đầu xuất sang Singapore, nhiều siêu thị “cháy” hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO