(Vietnam Logistics Review) Cuộc cách mạng 4.0 là sự chuyển giao các việc (tự động) quản trị, trí tuệ và ra quyết định từ con người cho máy móc. Là một phần của cuộc cách mạng này, logistics cũng có những chuyển biến tương tự, dù rằng có sự khác biệt về ứng dụng, công nghệ và vai trò của con người cũng như các khía cạnh kinh doanh khác.
Có nhiều loại hình logistics như logistics phục vụ một sự kiện, logistics quân sự, ngay cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa chúng ta cũng có logistics inbound, logistics phục vụ quá trình sản xuất trong nhà máy,… Trong bài viết này chúng ta nói chủ yếu về logistics phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa, dưới đây gọi chung là logistics.
Về bản chất logistics là nhằm đưa hàng hóa từ A tới Z qua các bước, các thành phần khác nhau của chuỗi từ đầu đến cuối. Quá trình này không phải bao giờ cũng có thể đi trực tiếp liên tục từ đầu đến cuối vì còn phụ thuộc vào thương mại. Ví dụ, hàng hóa sau khi sản xuất (A) còn trải qua giai đoạn bán buôn, sau đó là bán lẻ, trong đó có thể dừng vì những nhu cầu phân phối, dự trữ rồi mới tới tay người tiêu dùng (Z). Trong chuỗi này có những hoạt động mua bán trung gian – chuyển chủ sở hữu. Như vậy quá trình này chịu nhiều tác động chủ quan của con người trước các quyết định bán cho ai, tung hàng ra bán hay để dự trữ cho các đợt mua sắm của thị trường. Những quyết định này phụ thuộc vào điều kiện thị trường và tập tục buôn bán, nghĩa là hoàn toàn chỉ có con người mới quyết định được. Mặt khác, quá trình lưu thông hàng hóa phải qua các công đoạn như vận chuyển, bảo quản, phân phối… Ngay trong khâu vận chuyển cũng phải qua các phương thức vận chuyển khác nhau có những điểm dừng chuyển tải… Do vậy, vai trò của con người trong các bối cảnh này cũng không thể thay thế. Ngay trong chuỗi cung ứng thông minh, logistics 4.0 vai trò này cũng không thay đổi, vì nó là quan hệ mua bán, trao đổi giữa người với người. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của con người trong logistics 4.0.
Vấn đề đặt ra là trong toàn bộ chuỗi logistics chúng ta có những khâu nào có thể tự động hóa hoàn toàn, khâu nào phải có con người can thiệp, xử lý và sự tương tác giữa con người với các khâu tự động hóa thế nào?
Logistics 4.0 – Từ dữ liệu số hóa tự động ra quyết định đến sự thông minh và hành động
Việc dịch chuyển một cách khôn ngoan qua các bước nói trên, cùng với việc trao quyền tự trị cho máy móc là bản chất của của logistics 4.0. Chúng ta có thể thấy những thay đổi, ứng dụng từ vận tải tự hành đến container thông minh, nhà kho thông minh, cảng thông minh, các kệ hàng thông minh đến sự chuyển đổi thông tin, con người trong mỗi mắt xích của chuỗi logistics và các bối cảnh của nó. Tất cả những thông tin này được số hóa và tạo ra một không gian số mô tả sự dịch chuyển này, hay nói cách khác là tạo ra một hệ thống ảo (cyber system).
Các thông tin trên được lưu trữ trong các đám mây (cloud) và được xử lý theo dõi, điều hành qua trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng của các cloud computing. Khi đó chúng ta có hai hệ thống song song tồn tại là hệ thống thực (physical system) chuỗi logistics thực và hệ thống ảo (cyber system) trong không gian số mô tả sao chép đúng như thực tế. Việc điều hành hệ thống thực được thực hiện thông qua hệ thống ảo. Khi đó các quyết định của con người vào hệ thống thực cũng phải thông qua quá trình này. Các quyết định trên được gửi tới các vật thể tương ứng và cơ cấu chấp hành đã được gắn trên các vật đó sẽ điều khiển hoạt động của chúng theo lệnh đã nhận được.
Những thông tin này luôn thay đổi theo hoạt động của chuỗi logistics, đồng thời để có thể bảo mật và theo dõi liên tục thời gian thực các dữ liệu số này người ta đã dùng chuỗi khối.
Chuỗi khối (Blockchain) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian tạo và liên kết với khối trước đó kèm theo một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Chuỗi khối được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Một khi dữ liệu được mạng chấp nhận thì không thể thay đổi.
Từ các dữ liệu trên nhờ những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể giao việc ra quyết định tự động, nghĩa là quản trị tự động. Đồng thời cũng tạo cho con người có thể trực tiếp tham gia vào hệ thống ảo.
Như vậy, từ các dữ liệu gửi đi từ hệ thống thực qua số hóa một hệ thống ảo hình thành. Đồng thời qua các ứng dụng trí tuệ nhân tạo qua điện toán đám mây (cloud computing) tính toán ra quyết định tự động. Các quyết định này được gửi tới hệ thống thực (các máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nhà kho…) chấp hành bằng các hành động cụ thể. Bằng cách đó hệ thống tự động hoạt động.
Trong hệ thống này, IoT (internet vạn vật) đóng vai trò then chốt. IoT là hạ tầng cơ sở toàn cầu phục vụ cho xã hội thông tin, hỗ trợ cho các dịch vụ điện toán chuyên sâu thông qua các vật thể (cả thực lẫn ảo) được kết nối với nhau nhờ vào công nghệ thông tin và truyền thông hiện hữu được tích hợp (theo Global Standarts Initiative on Internet of Things – 2013). Dự kiến vào năm 2030 IoT có thể chứa 30 tỷ vật thể.
Nhờ vào IoT chúng ta có thể tự động hóa những đối tượng lớn hơn, phức tạp hơn như ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nhà máy thông minh,… và những thành phần tham gia vào chuỗi logistics như nhà kho thông minh, bến cảng thông minh, phương tiện vận tải tự hành,…
Vai trò của con người trong logistics 4.0
Trong logistics 4.0 chúng ta có những bộ phận thông minh, tự quản trị như: vận tải không người lái, container thông minh, kệ hàng thông minh, nhà kho thông minh, cảng thông minh, chuỗi cung ứng thông minh,… Tuy nhiên chỉ có vài bộ phận có thể tự quản trị, cần sự giao tiếp với con người để hoạt động.
Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng các lĩnh vực trên gắn với quá trình số hóa thông tin. Quá trình này nảy sinh ra các nhà cung ứng 4PL. Đồng thời xuất hiện sự chia tách như: chuyển giao, thay đổi quan hệ trong logistics và các khả năng của công nghệ định hướng cho phép các người chơi mới gia nhập thị trường 4PL.
Quá trình lưu thông phân phối hàng hóa gắn liền với sự giao lưu thương mại. Trong đó các quyết định của con người về việc mua - bán phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan của con người. Các quyết định về việc này hầu như không thể công thức hóa, máy móc. Vì vậy tự động hóa hoàn toàn công việc này chắc sẽ không thể. Những quyết định trên quy định dòng chảy hàng hóa của chuỗi logistics. Do vậy, vai trò của con người là hết sức quan trọng trong logistics 4.0. Vấn đề của logistics trong bối cảnh 4.0 là sự giao tiếp giữa con người và các bộ phận tự động hóa thế nào.
Có thể thấy các quyết định của con người trong hệ thống logistics là các kế hoạch hành động cho hệ thống. Cần có sự giao tiếp để hệ thống nhận được các kế hoạch đó và làm theo. Do đó, trong logistics 4.0 cần có những bộ phận bán tự quản, ví dụ việc áp dụng Robot và Cobot (Collaborative Robot) trong kho hàng của Amazon đã làm tăng hiệu quả của quản trị kho hàng, khi mà Robot không thể đáp ứng hoàn toàn. Cobot cần sự giao tiếp, nhận kế hoạch hành động của con người là một thiết bị bán tự quản.