ận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không - Nguồn: https://theloadstar.com/
Theo số liệu của Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA), khối lượng vận chuyển hàng hóa hàng không gđã tăng 4,1%, lên 63,7 triệu tấn trong năm 2018 và đạt khoảng 65,9 triệu tấn trong năm 2019.
Ngành này cũng được đánh giá là tận dụng được chi phí thấp trong năm 2019. Tổng doanh thu vận tải hàng không đạt khoảng 116,1 tỷ USD trong năm 2019, tăng so với 109,8 tỷ USD vào năm 2018.
Hơn nữa, các kế hoạch vận chuyển hàng không tiếp tục được các nhà cung cấp dịch vụ logistics quan tâm, tạo ra một chuỗi cung ứng hiệu quả về phương diện giao nhận, năng lực dự trữ và khai báo hải quan.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của Covid-19, vận chuyển hàng hóa hàng không tiếp tục đối mặt với những thách thức đáng kể, như khối lượng thương mại toàn cầu giảm, hoạt động kinh tế thế giới và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu, dẫn đến sụt giảm nhu cầu vận chuyển các hàng hóa không thiết biết, trong đó có hàng hóa xa xỉ-vốn hay được vận chuyển bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets, thị trường vận tải hàng hóa hàng không trong giai đoạn 2020-2025 dự kiến sẽ tăng trưởng do nhiều yếu tố, trong đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khi kinh tế và thương mại thế giới bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.
Mặc dù là một phương thức vận chuyển tốn kém, nhưng nhu cầu về vận chuyển hàng dễ hỏng, hóa mĩ phẩm và hàng hóa có giá trị cao ngày càng tăng. Ngoài ra, vòng đời của sản phẩm ngày càng ngắn đi, từ vài tháng xuống còn vài tuần, cũng tạo ra nhu cầu lớn đối với dịch vụ vận chuyển hàng không. Ví dụ, một số sản phẩm thời trang hoặc hàng điện tử đang ở trong giai đoạn "hớt váng thị trường" cần được vận chuyển đến các thị trường tiêu thụ càng nhanh càng tốt, do đó chỉ phương thức vận tải bằng đường hàng không đáp ứng được tiêu chí về thời gian.
Ngoài ra, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng được thúc đẩy bởi sự gia tăng của thương mại điện tử từ cả hai quan điểm B2B và B2C. Thương mại điện tử phát triển đã gây áp lực lên các kênh bán hàng với yêu cầu phải giao hàng nhanh hơn và khách hàng sẽ lựa chọn chuỗi cung ứng tối ưu giữa rất nhiều dịch vụ khác. Điều này này mang đến cơ hội cho các dịch vụ logistics và kho bãi của bên thứ ba tích hợp với kênh thương mại điện tử hàng không. Do sự tăng trưởng liên tục trong mua sắm trực tuyến, nhiều nhà cung cấp dịch vụ hậu cần của bên thứ ba (3PL) phải không ngừng cải tiến theo hướng tăng năng lực dịch vụ đa phương thức hơn, trong đó có vận chuyển hàng không . Hơn nữa, sự tăng trưởng trong thương mại điện tử xuyên biên giới được dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu cho ngành hàng không.
Các xu hướng thị trường chính
Trong khi thương mại điện tử thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ vận tải hàng không thì áp lực cạnh tranh từ các phương thức khác cũng như yêu cầu cao hơn của người tiêu dùng thời đại kinh tế số, buộc các chuỗi giá trị phải tích hợp các công nghệ tiên tiến. Tốc độ tăng trưởng chung trong lĩnh vực thương mại điện tử dự kiến sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng của thị trường vận tải hàng hóa hàng không trong giai đoạn dự báo.
Các công ty thương mại điện tử lớn trong ngành đang làm thay đổi, thậm chí thay thế các chuỗi cung ứng hậu cần truyền thống bằng một số biện pháp sáng tạo, để trở nên độc lập hơn. Ví dụ, Amazon dđang dẫn đầu cuộc đua này bằng cách thực hiện một chiến lược mới, theo đó họ tự thực hiện các dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao. Với Amazon Flex hoặc Amazon Prime Air (vận chuyển hàng không phục vụ các dịch vụ giao nhận ưu tiên), Amazon đang cố gắng thống trị chuỗi cung ứng bằng các dịch vụ của riêng mình. Kết quả là, họ có thể giảm chi phí và trở nên độc lập với các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần hiện tại. Công ty cũng đang cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các bên thứ ba có sử dụng dịch vụ bán hàng trên website của mình.
Theo các nguồn thống kê hiện tại, Bắc Mỹ là khu vực thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về vận tải hàng hóa bằng đường hàng không . Về vận tải hàng hóa (FTK), thị trường Bắc Mỹ chứng kiến mức tăng 6,4% trong năm 2018 so với năm 2017, tiếp theo là Mỹ Latinh (5,9%) , cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu (3,5%). Các hãng hàng không có trụ sở tại Bắc Mỹ là những công ty hoạt động mạnh nhất. Năm 2019, các yếu tố tích cực trong nền kinh tế Mỹ, tăng trưởng việc làm và chi tiêu dùng, đã đóng góp quan trọng vào kết quả thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tại khu vực này. Với xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhu cầu về dịch vụ vận chuyển hàng không đang tăng lên đáng kể và nhiều hàng hóa đang di chuyển qua biên giới Bắc Mỹ, cũng như các khu vực khác. Các nền kinh tế đang phục hồi của các nước Mỹ Latinh, như Brazil và Argentina, thúc đẩy thương mại hàng hóa hàng không giữa hai khu vực.
Tình hình cạnh tranh
Đến nay, đây vẫn là một thị trường không dễ gia nhập và ngành công nghiệp bị chi phối bởi một số nhà cung cấp chính trên thế giới. Một trong những hãng vận tải hàng không hàng đầu, FedEx Corporation, có một trung tâm vận chuyển hàng hóa và hàng không tại các cửa ngõ chính (hub). Ngoài ra, công ty mua lại các công ty chuyển phát nhanh trong khu vực để tăng thêm phạm vi dịch vụ.
Mặt khác, nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ vận tải hàng không đã mở ra những thách thức mới cho các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường này bởi một số chủ hàng có xu hướng liên kết để có khả năng kiểm soát tốt hơn các chuỗi cung ứng, thậm chí dẫn đến việc thành lập các hãng hàng không mới.
Các hãng hàng không cần tập trung vào việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhiên liệu và cung cấp các công nghệ tiên tiến để đảm bảo các dịch vụ có hiệu quả về chi phí. Ngoài ra, các cơ sở lưu kho bãi cần được phát triển để hỗ trợ sự gia tăng toàn cầu về khối lượng và tần suất vận chuyển hàng hóa hàng không. Các khu kinh tế đặc biệt (SEZ), khu thương mại tự do (FTZ) và kho ngoại quan được dự kiến sẽ có những bước chuyển mình quan trọng để đáp ứng nhu cầu lưu kho cho việc vận chuyển hàng hóa ra vào sân bay trong thời gian ngắn.