Vấn đề vốn cho các tuyến metro tại TP.HCM

Cao Ngọc Thành|19/06/2018 14:23

(VLR) Hiện nay, vốn cho tuyến metro số 1 tại TP.HCM đang là một vấn đề lớn. Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực đảm bảo nhu cầu vốn cho dự án. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề. Lãnh đạo TP.HCM cho rằng cần thêm lượng vốn lớn, nhưng cơ quan tham mưu của Trung Ương thì cho rằng lượng vốn như vậy là quá cao. Vậy vốn bao nhiêu là phù hợp cho việc xây dựng tuyến metro ở TP.HCM?

Chi phí tạm tính cho 1km metro ở TP.HCM

Trong bài viết này, tác giả thực hiện tính toán chi phí để xây dựng 1km metro ở TP.HCM để từ đó có thể so sánh suất đầu tư với các dự án metro khác của các quốc gia trên thế giới, tạo cơ sở đề xuất mức vốn phù hợp cho tuyến metro số 1 cũng như các tuyến metro khác ở TP.HCM.

Trước hết, để đánh giá công tác hoạch định chi phí tài chính mà cơ quan quản lý đường sắt đô thị thực hiện, ta cần tính toán suất đầu tư cho tuyến metro tại TP.HCM. Để tính toán được thông số này, tác giả sẽ thành lập hệ phương trình bậc nhất hai ẩn với hai ẩn số là suất đầu tư cho 1km metro ngầm (ẩn số là a) và suất đầu tư cho 1km metro trên mặt (ẩn số là b). Ta có các thông tin như sau:

- Tuyến metro số 1: Đi ngầm dài 2,6km và đi trên mặt dài 17,1km với tổng vốn ban đầu là 1,091 tỷ USD;

- Tuyến metro số 2: Đi ngầm dài 9,3km và đi trên mặt dài 2km với tổng vốn đề xuất ban đầu là 1,3 tỷ USD.

Từ thông tin của 2 tuyến metro này, ta có thể lập hệ phương trình như sau:

2,6a + 17,1b = 1,091

9,3a + 2b = 1,3

Giải ra, ta được:

a = 130,32 triệu USD và b = 43,98 triệu USD.

Tương tự với cách làm trên, ta cũng có thể tính suất đầu tư làm metro tương ứng với đề nghị thay đổi vốn đầu tư cho hai tuyến metro là 2,49 tỷ USD cho tuyến metro 1 và 2,1 tỷ USD cho tuyến metro 2. Giải hệ phương trình, ta được suất đầu tư 1km metro tương ứng với vốn đề nghị mới là 1km đi ngầm (a) là 201,06 triệu USD và suất đầu tư 1km đi trên mặt (b) là 115,04 USD. Ta có số liệu như Bảng 1.

Từ bảng số liệu này, có thể thấy sự chưa hợp lý từ tính toán của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM về mức vốn đầu tư, thể hiện ở chỗ chi phí đi ngầm có sự thay đổi ít hơn chi phí đi trên mặt trong khi việc hoạch định trên mặt ta có kinh nghiệm hơn hoạch định ngầm. Chi phí đi ngầm thay đổi chỉ có 35%; trong khi con số này đi trên mặt là đến 61,77%. Điều này làm cho tỷ trọng chi phí metro đi trên mặt so với metro đi ngầm có sự thay đổi lớn, từ mức đi trên mặt bằng 33,8% đi ngầm thì đề xuất sau làm con số này tăng lên 57,2%. Sự bất hợp lý này đặt ra yêu cầu cần phải có sự điều chỉnh và tính toán lại một cách tổng thể chi phí làm metro để phù hợp hơn về phương pháp tiếp cận và thích ứng mức độ phát triển của TP.HCM cũng như của Việt Nam. Tuy rằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM có thể lý giải do có nhiều loại chi phí nhưng yêu cầu đòi hỏi về mặt tiêu chuẩn và quản trị là chi phí đó phải phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, phù hợp với quản lý ngân sách và càng không được ra khỏi khung chi phí phù hợp và tương thích đã xảy ra trong thực tiễn trên thế giới.

Chi phí làm 1km của các tuyến metro trên thế giới

Tiếp theo, để đưa ra mức vốn (suất đầu tư) phù hợp cho các tuyến metro tại TP.HCM thì cần tìm hiểu kinh nghiệm của quốc tế. Ở đây, tác giả sử dụng bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở các trường đại học ở Đan Mạch và Hà Lan. Bài nghiên cứu này đăng trên tạp chí chuyên ngành về vận chuyển và cơ sở hạ tầng của châu Âu nên là một tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho việc nghiên cứu. Từ tài liệu này, ta có bảng thông tin về các tuyến metro cùng với chi phí thực hiện sau đây ở các quốc gia trên thế giới bao gồm các tuyến metro ở châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á và châu Mỹ La Tinh (Bảng 2).

Mỹ La Tinh là kinh nghiệm phù hợp cho thực tế ở Việt Nam. Ngoài ra, tham khảo sách “Privatization in Malaysia: Regulation, Rent Seeking and Policy Failure” của Jeff Tan do nhà xuất bản Routledge phát hành, ta có thêm các thông tin như sau về các tuyến metro trên cao (Light Rail Transit) ở Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines) như sau: ở Kuala Lumpur, hệ thống 1 có chi phí 34,1 triệu USD/km; hệ thống 2 có chi phí 39,5 triệu USD/ km; hệ thống 3 có chi phí 37,1 triệu USD/km; ở Thái Lan, tuyến Bangkok Skytrain có chi phí là 59,1 triệu USD/km; ở Philippines, tuyến Manila có chi phí là 34,3 triệu USD/km.

Chi phí đề xuất cho các tuyến metro tại TP.HCM

Từ các thông tin tham khảo và tính toán được thì suất đầu tư 1km cho các tuyến metro tại TP.HCM nên có kinh phí nằm trong khoảng 46 triệu USD đến 85,31 triệu USD. Như vậy thì tuyến metro số 1 nên có mức tổng đầu tư là 1,68 tỷ USD Tác giả đưa ra con số ngưỡng cao nhất theo kinh nghiệm các tuyến ở châu Á và châu Mỹ La Tinh để tạo thuận lợi cao nhất về nhu cầu vốn đầu tư làm metro cho TP.HCM. Mức này là cao hơn một số tuyến metro 100% đi ngầm trên thế giới như tuyến London Victoria ở Anh hay tuyến Santiago Line 5 Extension ở Chi Lê. Từ đó, nhu cầu vốn bổ sung cho tuyến số 1 là khoảng 600 triệu USD (= 1,68 tỷ USD nhu cầu theo tính toán – 1,091 tỷ USD đề xuất ban đầu tương đương 13.560 tỷ đồng). Sử dụng cùng phương pháp tính tổng nhu cầu vốn cho tuyến metro số 2 là 11,3km x 85,31 triệu USD/ km thành 963,96 triệu USD + 400 triệu chi phí cho 10 nhà ga ngầm, phần này mang tính hỗ trợ, theo thống kê thì chi phí làm 1 nhà ga ngầm là 40 triệu USD), tổng thành 1,3639 tỷ USD. Như vậy, vốn cần bổ sung cho tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương là 63,9 triệu USD (=1,3639 tỷ USD – 1,3 tỷ USD đề xuất ban đầu tương đương 1,5 nghìn tỷ đồng).

Việc đầu tư các tuyến metro sẽ có tác động mang tính đột phá, giải quyết được một phần rất lớn các tắc nghẽn của logistics TP.HCM hiện nay. Kiến nghị, Chính phủ cần nhanh chóng có những tính toán về tài chính phù hợp với những thông tin đầu vào thích hợp, hỗ trợ giải ngân vốn cho TP.HCM để trước mắt hoàn thành đúng hạn tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên và nhanh chóng thực hiện tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương, đồng thời sớm khởi động tuyến metro 3a Bến Thành – Tân Kiên, tạo cơ sở khả thi cho việc hoàn thành các tuyến metro còn lại. Làm được điều này sẽ tạo ra ảnh hưởng tốt đến quá trình định hướng không gian phát triển, phục vụ cho việc đi lại của người dân, đóng góp tích cực vào quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của thành phố vì một đô thị có chất lượng sống tốt hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề vốn cho các tuyến metro tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO