Vận tải thủy và xu hướng vận tải xanh khu vực phía Bắc

Nguyên Bảo|14/10/2021 13:49

(VLR) Hiểu một cách đơn giản, vận tải xanh bao gồm các giải pháp hướng đến phương thức vận tải ít xả thải, thân thiện với môi trường, tạo nên sự phát triển bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Các chính sách ưu tiên phát triển vận tải đường thủy nội địa của Chính phủ; hay phương án vận tải thủy - bộ kết hợp đang được triển khai hiệu quả trong hệ thống Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tại khu vực phía Bắc không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán vận tải thích ứng với COVID-19, mà còn phù hợp với xu hướng phát triển logistics xanh của thế giới.

ICD Tân Cảng Quế Võ được công bố thành lập từ ngày 19/8/2021

ICD Tân Cảng Quế Võ được công bố thành lập từ ngày 19/8/2021

Phương án vận tải tối ưu thời điểm COVID-19

Hiện nay, tại khu vực miền Bắc, hơn 90% sản lượng luân chuyển hàng hóa thông qua phương thức vận tải bộ. Thực tế này đã tạo áp lực lên tuyến Quốc lộ 5, quốc lộ 5B và quốc lộ 18 - kết nối các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển tại Hải Phòng. Thêm vào đó, thời gian qua trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch trên các tuyến đường, việc này càng khiến cho phương thức vận tải bộ gặp nhiều cản trở, các doanh nghiệp khu vực miền Bắc rơi vào trạng thái bị động khi không thể luân chuyển hàng hóa kịp thời, phát sinh thêm nhiều loại chi phí như phí xăng dầu, phí xét nghiệm, phí lưu mooc, lưu xe,...

Tân Cảng Sàn Gòn đang đi đúng với định hướng của Chính phủ cũng như thế giới đó là chuyển dần, giảm dần tỷ trọng đường bộ và tăng dần tỷ trọng đường thủy. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các chiến lược logistics xanh, kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp lý, kịp thời từ cơ quan quản lý Nhà nước; và sự tham gia thực chất của các doanh nghiệp.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

Thống kê cho thấy, lượng hàng container vận chuyển bằng phương tiện thủy ở phía Bắc đang tăng trưởng tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng vận chuyển hàng đường thủy nội địa tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với container được vận chuyển bằng phương tiện thủy qua cảng biển Hải Phòng năm 2019 đạt khoảng 40.000 TEUs, năm 2020 đạt hơn 73.518 TEUs, chỉ tính 8 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 64.100 TEUs, dự kiến cả năm 2021 đạt 100.000 TEUs.Từ thực tế này, các nhà sản xuất, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần lựa chọn phương thức vận chuyển mới ưu việt hơn để đảm bảo được chuỗi cung ứng cũng như kế hoạch xuất nhập khẩu, đặc biệt vào những tháng cuối năm khi lượng hàng tăng cao. Với các ưu điểm như được ưu tiên mặc định luồng xanh trong thời kỳ dịch bệnh, khả năng vận tải lớn và ít xả thải, thêm vào đó, hệ thống đường thủy khu vực phía Bắc cũng đáp ứng được yêu cầu kết nối đến các cảng, do đó vận tải thủy nội địa được đánh giá là phương án vận tải tối ưu, phù hợp với các tiêu chí mà các doanh nghiệp phía Bắc cần, nhất là ngay trong thời điểm COVID-19 này.

Nói về các nỗ lực phát triển vận tải thủy, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp về chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy phương thức vận tải thủy nội địa như: đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy; miễn phí xếp dỡ hàng container và hàng rời hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cảng; miễn giảm thuế đất, thuế sử dụng mặt nước đối với các dự án đầu tư mới; miễn phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa…”.

Giải pháp vận tải đa phương thức thích ứng tình hình dịch COVID-19

Giải pháp vận tải đa phương thức thích ứng tình hình dịch COVID-19

Trước đó, vào tháng 9/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chỉ thị số 37/CT-TTg về việc thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Đây là dấu mốc tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa của phương thức này trong tương lai.

Phù hợp với xu hướng logistics xanh

Logistics xanh bao gồm tất cả các nỗ lực để giảm thiểu tác động sinh thái của hoạt động logistics nhằm mục tiêu để tạo ra giá trị bền vững khi cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ mội trường như: giảm lượng khí thải CO2, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh.

Vận tải thủy nội địa bằng sà lan đã chứng minh được tính thân thiện với môi trường thể hiện qua lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi tấn hàng vận chuyển

Vận tải thủy nội địa bằng sà lan đã chứng minh được tính thân thiện với môi trường thể hiện qua lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi tấn hàng vận chuyển

Vận tải thủy nội địa bằng sà lan đã chứng minh được tính thân thiện với môi trường thể hiện qua lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi tấn hàng vận chuyển. Theo nghiên cứu của Hiệp hội cảng sông Mỹ, với cùng 1 lít nhiên liệu để chuyên chở cùng 1 tấn hàng, sà lan có thể đi được 85km trong khi xe đầu kéo chỉ có thể di chuyển 1 khoảng cách xấp xỉ 10km. Thêm vào đó, các tuyến đường vận chuyển bằng sà lan thường nằm cách xa các khu vực dân cư đông đúc, giúp giảm thiểu vấn đề tiếng ồn, ô nhiễm môi trường dân cư, phù hợp với quy hoạch đô thị hóa của các tỉnh thành phố.

Ông Trần Hoàng Vũ, Hãng tàu Maersk Line cho biết, việc loại trừ khí thải CO2 là nhu cầu mang tính chiến lược đối với ngành công nghiệp logistics và hãng tàu. Nếu doanh nghiệp logistics không chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường sẽ không còn phù hợp với yêu cầu của khách hàng, bởi khách hàng không tích hợp được với sản phẩm của họ. Hiện nay, Maersk Line đang tăng cường các nỗ lực giảm phát thải CO2 từng bước, tiến đến loại bỏ hoàn toàn phát thải CO2 trong hoạt động của mình.

Giải pháp logistics xanh: Thủy - bộ kết hợp

Là doanh nghiệp khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam, những năm qua Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn luôn thể hiện vai trò tiên phong trong xây dựng cảng xanh, logistics xanh và ứng dụng phương thức giao nhân điện tử và chứng từ không dùng giấy (Eport, EDO). Cảng Tân Cảng Cát Lái và Cảng container Quốc tế Tân Cảng Cái Mép ( TCIT) cùng thuộc hệ thống TCSG đã được trao giải thưởng Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới cảng dịch vụ Apec. Công ty cổ phần Vận tải Thủy Tân Cảng (là thành viên của TCT Tân Cảng Sài Gòn) đã triển khai rất nhiều dịch vụ kết nối đường thủy tại các khu kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối dịch vụ vận tải thủy từ cụm Cảng Cái Mép/ TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long sang Campuchia với sự tham gia tích cực của các đơn vị trong hệ thống.

Áp dụng hiệu quả của phương thức trên trong việc đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng tại khu vực phía Bắc, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã phát triển Giải pháp vận tải đa phương thức (thủy - bộ kết hợp) để vận chuyển hàng hóa thông suốt tuyến Bắc Ninh - Hải Phòng đáp ứng nhu cầu sản xuất. Giải pháp này được triển khai kết hợp đồng bộ giữa Vận tải thủy Tân Cảng, cùng các đơn vị vận tải bộ với điểm trung chuyển tại ICD Tân Cảng - Quế Võ (Cảng đã nhận Quyết định Công bố cảng cạn của Bộ GTVT từ ngày 19/8/2021, địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng xuất nhập khẩu hàng hóa của Bộ Tài Chính từ ngày 28/9/2021), Cảng Tân Cảng 128, Cảng Tân Cảng 189, Cảng nước sâu Tân Cảng - HICT và các cảng khác tại Hải phòng.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc ICD Tân Cảng Quế Võ cho biết, khi áp dụng phương thức vận tải thủybộ kết hợp của trong hệ thống TCT TCSG, khách hàng không chỉ góp phần giảm tải cho đường bộ, giảm phát thải cho môi trường mà còn có thể tiết giảm từ 15% - 30% chi phí. Với điểm trung chuyển hàng hóa tại ICD Tân Cảng Quế Võ, khách hàng sẽ rút ngắn được thời gian chuyển hàng về các nhà máy khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh.

Tân Cảng Quế Võ đã nhận Quyết định Công bố cảng cạn của Bộ GTVT từ ngày 19/8/2021, địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng xuất nhập khẩu hàng hóa của Bộ Tài Chính từ ngày 28/9/2021. Cảng cạn Tân cảng Quế Võ là một trong 10 cảng cạn tại Việt Nam được công bố bao gồm: cảng cạn Hải Linh (Phú Thọ); cảng cạn Móng Cái (Quảng Ninh); cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng, cảng cạn Đình Vũ Hải Phòng, cảng cạn Hoàng Thành (Hải Phòng); cảng cạn Long Biên (Hà Nội); cảng cạn Tân Cảng Hà Nam (Hà Nam); cảng cạn Phúc Lộc (Ninh Bình) và cảng cạn Tân cảng Quế Võ (Bắc Ninh). Với Tổng diện tích gần 10 ha, gồm 5 cầu tàu có thể đón cùng lúc 5 sà lan trọng tải 160 TEUs, công suất ước đạt 6 triệu tấn/năm. Trong tương lai, cảng sẽ tiếp tục được mở rộng lên hơn 30 ha, bổ sung các kho hàng, trung tâm phân phối trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh lân cận.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vận tải thủy và xu hướng vận tải xanh khu vực phía Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO