Còn nhớ, khoảng cuối năm 2018, NXB Hội nhà văn cho ra mắt tập thơ “Giấc mơ sông Thương”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong phần phát biểu, chia sẻ của mình ông có nói rằng “...Thi ca không bao giờ rời bỏ đời sống con người, cho dù có lúc chúng ta phải sống trong tăm tối, trong niềm thất vọng, thậm chí tuyệt vọng của đời sống mà chúng ta đang sống. Những điều mà Nguyễn Phúc Thành làm cho chúng ta đều hiển lộ trong tập thơ của anh, tôi nghĩ không còn cách nào nói hơn nữa rằng thi ca đã thay ta nói những điều tốt đẹp nhất...”
Lần này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến buổi ra mắt tập thơ “Đồng sen tàn” và “Mẹ”, ông nói: “Tôi hiện diện ở đây với hai danh nghĩa. Một là, tôi là người ký giấy phép xuất bản tập thơ, hai là, tôi là bạn đọc trung thành với thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành”.
“Thi ca đang đòi hỏi quá nhiều thách thức, làm sao có thể chọn lựa được con đường, chọn lựa được thể loại. Chọn thơ lục bát là sự quả cảm, đầy khó khăn, đầy thách thức...” và giữ nguyên quan điểm: “Tôi đã từng đọc thơ lục bát, nỗ lực làm thơ lục bát nhưng cuối cùng nhận ra rằng mình chỉ là người cố gắng gieo vần cho đúng...bớt sai đi nhịp điệu trên 6 dưới 8 nhưng để sáng tạo ra một tinh thần lục bát mới, sáng tạo ra một không gian lục bát, một thế giới lục bát của riêng mình thì quả là thất bại”.
“Khi tôi đang viết tập thơ “Dâng Trà” về làng Chùa của mình tôi đã phải dừng lại khi đọc phần I của “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, bởi tôi cảm thấy những bài thơ lục bát của tôi nó cũ mèm trước những bài thơ tinh khôi, mới mẻ, liều lĩnh, đầy đa cảm của anh ấy.
Dấn thân vào văn chương, vào thơ cũng như dấn thân vào cuộc đời, vào thương trường, mà “thương trường là chiến trường” cũng đầy đau khổ, đầy nước mắt, đầy nụ cười, đầy hạnh phúc và cũng đầy khen, chê.
Nhiều người yêu thơ lục bát thì nhận định thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành độc đáo, không lẫn với ai trong cá tính sáng tạo như cách anh sử dụng từ láy, cách ngắt câu và tạo cho mình một phong cách riêng trong ngôn ngữ. Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành thể hiện được thế giới nội cảm của con người thông qua đời sống bằng sự tưởng tượng phong phú mà ai cũng thấy mình trong đó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà văn, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận VHNT Việt Nam, nhận định: “Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành có phồn thực nhưng đặt trên bình diện của đời sống, thơ lục bát mà viết như thế thì rất mới và đặc biệt là cách dùng từ rất thơ và ông trích dẫn những câu thơ ấn tượng trong tập thơ “Đồng sen tàn” và “Mẹ”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng chia sẻ “Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành có thể nói là một điệu ru buồn, một điệu ru tình, một điệu ru của những hoài cảm lãng mạn mang phong vị độc đáo riêng, lục bát của anh đã chuyển hóa từ giọng thơ trữ tình thế sự sang giọng thơ trữ tình giao cảm với thi ảnh thơ gợi cảm, lấy đồng đất quê hương, lấy con người nhân thế làm chủ suy tưởng...”
Rất nhiều bài phát phát biểu, chia sẻ tại lễ ra mắt “Đồng sen tàn” và “Mẹ” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành.
Nhà thơ Vi Thùy Linh một mình “solo” bài phát biểu ấn tượng về thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành và cá tính sáng tạo theo...”cách bay” của mình. Chị phát biểu đầy cá tính: “...Hàng trăm bài thơ với cường độ cực cao với hệ thống rộng từ và hình ảnh nên ai yếu tâm sinh lý và vẫn quen với dạng thơ tả cảnh toàn tính từ xôn xao, ngơ ngác, bẽn lẽn thì không đọc được đâu, không tiêu thụ được, không cảm thụ được,. “Đồng sen tàn” không phải đồng sen tàn mà là đồng sen dậy thì mà dậy thì đầy tinh hoa. “Một đêm bầu ngực đại ngàn / thân đi rừng rú trên làn da em”; “Tôi kẻ tiều phu lang thang / đêm nay đốn đổ hai hàng mi em”.
Chả cứ trong "Đồng sen tàn" và "Mẹ", mà ngay trong “Giấc mơ sông Thương”, cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét “Sex và thiền trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành mang một màu sắc hư hư ảo ảo, khiến người đọc mở ra cho mình một thế giới thơ buồn vui nhiều bí mật. Là em đó, là mẹ đó, là giấc mơ, hiện thực...đồng hiện trong cảm giác về số phận của riêng mình. Tinh thần sex thiền tác động vào thơ như một đóng góp vào ngôn ngữ nghệ thuật, như từ tình dục đến siêu thức, chuyển hóa năng lượng tính dục thành năng lượng tâm linh...một chủ đề sông Thương được khai thác tận cùng, một lục bát được ngắt nhịp xuống dòng mọi huống và mở ra mọi hướng cảm xúc thơ”.
“Đồng sen tàn” là tập thơ gồm 108 bài lục bát, chia thành 3 phần: “Đồng sen tàn” gồm 36 bài lục bát viết về mùa sen tàn; “Mùa sấu rụng” gồm 36 bài lục bát viết về mùa hoa sấu; “Tháng sáu” gồm 36 bài viết về tháng sáu.
Phần 1 “Đồng sen tàn”, từ điểm nhìn tâm lý sáng tạo với biên độ mở từ sen sang người, từ người vào sen, anh đã đưa người đọc đến những góc nhìn mới qua những hình ảnh hết sức chân thực đầy dẫn dụ của thể thơ lục bát “Tóc em là dậu tơ vàng / Thơm như mùi ngõ hương làng sen quê” hoặc cũng đầy ảo ảnh trong sự liên tưởng đầy vô thức, mộng mị “Ngực em đôi bầu sen tàn / Cứ toan vụn vữa vào hoàng hạc đêm”; “Đài sen như chiếc mõ gầy / Ngực em ai đắp mà đầy trăng quê”.
“Mùa sấu rụng” và “Tháng sáu”, là hai phần tiếp theo, mỗi phần cũng 36 bài, có nhiều bài thơ, câu thơ đầy linh diệu khi nó chạm đến tình yêu và đời sống của con người “Em nằm bên gốc sấu già / tôi ngồi đếm lá đến ba vạn lần”; “những chùm hoa sấu còn trinh / như viền môi vẫn mím mình chờ son”; “Những chùm sấu trắng li ti / Như bầy thiên nữ thiên di xuống đàng”; “Hoa sấu mặc áo dậy thì / Em mang phồn thực mãi đi không về”.
Tập thơ “Mẹ” viết về mẹ, người mẹ nhân gian, người mẹ chung cho tất cả mọi người trong đó có mẹ mình là chủ đề có sức ám ảnh trong cách chọn lựa ngôn ngữ của nhà thơ. Thơ như là sứ mệnh, là ý thức trước nỗi đau, khát vọng sống của con người “Mẹ quỳ giữa cánh đồng câm / Khóc bầy chuột đục ruỗng mầm cội quê”; “Búp sen như đọi mắt trời / Cứ quặn nở trên da người nâu thâm”; “Mẹ ơi đắm ngộ trong mê / tha nhân nhem nhẻm lời thề trên môi / Sâu bầy nhung nhúc chật trời / Mẹ mang nước mắt dạo chơi cõi trần”; “Chiều nay quỳ ở cửa sông / gào mẹ rạc tiếng chỉ đồng bãi reo”; “Mẹ ngồi vắt sữa xuống chiều / Vú đêm con ngậm. Cánh diều. Lời ru”; “Mẹ giặt chiếc áo nâu sòng / Mồ hôi giũ mặn cả dòng sông Thương”.; “Chiều nay mẹ đã đi rồi / Rưng rưng tàu chuối đọi xôi giữa ngày”; “Trầu xanh vôi trắng vỏ điều / Hạt cau ngấu cả một chiều sông Thương’.
Cá nhân tôi thích thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành, bởi cách anh sử dụng từ láy hết sức điêu luyện, anh thể hiện sâu sắc, chân thực con người, cảnh vật trong thơ lục bát, tận hiến và quyết liệt với tình yêu văn chương. Có thể anh im lặng cả năm, nhiều năm và lại bùng lên một cách dữ dội. Anh quan niệm về thơ “Tôi gùi trĩu nặng vai gầy / Túi thơ vài chữ lắt lay giữa đời / Tay cầm dăm sợi mặt trời / Vá lành một phiến mắt người tàn phai”. Nhà thơ trước hết phải biết đau trước những số phận của con người và thực tế rất nhiều số phận được anh đồng hành cứu giúp, hỗ trợ.
Với thơ chỉ là “nghiệp” và cái “nghiệp” ấy đôi khi vẫn làm mình trăn trở, khổ sở, tội tình. Năm 2017 đưa anh xuyên qua cây cầu sắt sang bến chia ly. Bến cũ chỉ còn trong hoài niệm; phủ lạng thương chỉ còn hình ảnh trên một cái điếm canh vậy mà với tình yêu mê đắm lấy sông Thương làm chủ đề anh vẫn viết những câu thơ như rút ruột từ sông: “Sông Thương chảy kiếp cầm canh / vết sẹo mùa ấy đã thanh tân rồi / Tôi về thương những dặm tôi / Một đời đen đúa thấy tồi tội chân / Chùa chờ chuông đổ phân vân / em đi tiếng mõ phù vân khóc thiền”; “Sông Thương ngủ một dáng quê / trăm năm chảy lẫn tóc thề cỏ may / câu quan họ khóc cuối ngày / tiễn chiều vào chết dưới bầy nắng thưa / tôi về nước mắt cạn chưa / mà trời Kinh Bắc chiều mưa lưng tròng”...
Từ “Giấc mơ sông Thương” đến “Đồng sen tàn” và “Mẹ” là sự tiếp nối sắc màu của cuộc sống hiện sinh, hiện thân của đồng đất, dòng sông, con người đã được nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành thể hiện bằng một tư duy thơ đầy vẻ đẹp và mỹ cảm của ngôn từ.
* Tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành có ý tưởng dành toàn bộ tiền bán tập thơ "Đồng sen tàn" và bộ trường thiên tiểu thuyết "Cõi nhân gian" để tài trợ giải thưởng cho một cuộc thi thơ lục bát 2023 do Viện nghiên cứu Bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc cùng Tạp chí Văn Hiến Việt Nam tổ chức. Cơ cấu giải thưởng dự kiến: 1 giải nhất 100 triệu, 1 giải nhì 50 triệu, 1 giải ba 30 triệu.
Ngày 6/10/2023
ĐTH