Vì sao nợ xấu kéo dài?

04/10/2016 09:33

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ngày 31.5.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 843/QĐ-TTG phê duyệt đề án “xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện đề án, nợ xấu vẫn như “lỗ thủng”, ám ảnh các ngân hàng thương mại. Lỗ thủng này liệu có vá lại được không?

(Vietnam Logistics Review)Ngày 31.5.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 843/QĐ-TTG phê duyệt đề án “xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện đề án, nợ xấu vẫn như “lỗ thủng”, ám ảnh các ngân hàng thương mại. Lỗ thủng này liệu có vá lại được không?

Đề án tập trung xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam bao gồm: NX cấp TD, NX mua trái phiếu DN và NX ủy thác cấp TD, mua trái phiếu DN. Điều cơ bản nhất là tập trung XLNX của các TCTD có tỷ lệ NX trên 3% tổng dư nợ và NX có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên XLNX có tài sản bảo đảm là bất động sản. Theo đề án, VAMC được thành lập với tư cách là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần XL nhanh NX, lành mạnh hóa tài chính của các TCTD, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD và thúc đẩy tăng trưởng TD hợp lý cho nền kinh tế. VAMC mua NX của các TCTD nhằm hỗ trợ và phối hợp với TCTD XLNX.

Gian nan xử lý nợ xấu

Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐCP ngày 18.5.2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC và Thông tư số 19/2013/ TT-NHNN ngày 06.9.2013 của NHNN về mua, bán và XLNX của VAMC, hàng năm, VAMC có trách nhiệm xây dựng phương án mua NX theo giá trị thị trường. Theo đó, trình NHNN chấp thuận, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12.4.2016, NHNN ban hành Quyết định số 618/QĐNHNN về việc xây dựng và triển khai phương án mua NX theo giá trị thị trường của VAMC. Quyết định này mang tính chất tổng thể, định hướng cho VAMC thực hiện hoạt động mua NX giá trị thị trường theo Nghị định số 53 và Thông tư số 19 nêu trên, trong đó quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự thực hiện, nguồn vốn được sử dụng và XL các khoản NX đã mua. Thực tế cho thấy, mua bán nợ theo cơ chế thị trường chỉ là một giải pháp XLNX của VAMC và TCTD.

Tuy nhiên, thực tế việc XLNX vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi XL tài sản bảo đảm là BĐS. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tới VN tìm hiểu và đều ra đi vì không thể mua NX có tài sản bảo đảm là BĐS. Vì sao? Luật Đất đai đã bỏ sót đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là cá nhân người nước ngoài. Ngoài ra, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua NX, thì khoản nợ đang có tài sản bảo đảm sẽ chuyển thành nợ không bảo đảm. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ tiền mua lấy khoản NX và trở thành chủ nợ không đảm bảo. Bên cạnh đó, VAMC không phải là TCTD, nên không thể nhận thế chấp đối với BĐS theo Luật Đất đai và không thể đăng ký thay đổi thế chấp đối với bất động sản. Do vậy, nhà đầu tư có muốn mua NX BĐS đi chăng nữa, thì cũng bị vướng mắc Luật Nhà ở và Luật các TCTD quy định về XLNX (kèm tài sản đảm bảo).

Tính đến hết tháng 8.2016, VAMC đã mua khoảng 260 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Tốc độ thu hồi NX của VAMC tăng dần qua từng năm. Năm 2014 thu hồi được 5.000 tỷ, năm 2015 khoảng 12.000 tỷ và 8 tháng đầu năm 2016 là 12.000 tỷ. Trong năm 2016, VAMC đặt ra kế hoạch 30.000 tỷ và tốc độ thu hồi nợ những tháng cuối năm bao giờ cũng tăng. Theo đó, tỷ lệ NX tại các NHTM sẽ giữ ở mức dưới 3%. Sau 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ NX của toàn hệ thống NHTM là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào cuối tháng 5.2016.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc XLNX của VAMC là chưa hiệu quả. Cụ thể là năm 2014, VAMC mua 96.455 tỷ đồng NX, nhưng chỉ bán được 28 khoản nợ, tương ứng với 627 tỷ đồng. Theo KTNN, việc XLNX của các TCTD chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC. Điều này chỉ có ý nghĩa làm đẹp sổ sách hơn là thực tế giải quyết NX. Năm 2014, các TCTD đã bán hơn 79.600 tỉ đồng trong tổng số 143.500 tỷ đồng XLNX. Thống kê tỷ lệ NX tại 9 NHTM đang niêm yết trên thị trường chứng khoán vào cuối tháng 6.2016, 9 NH này đã “ôm” hơn 43.000 tỷ đồng NX, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015.

Theo quan sát của tôi, NX tăng lên không phải bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh trong năm nay, mà là hệ quả từ nhiều năm trước. Nghĩa là NX tăng chủ yếu do những khoản nợ cũ được cơ cấu lại. Bên cạnh đó, một phần NX là do TD tăng trưởng mạnh từ cuối năm ngoái đến nay.Và khi tăng trưởng TD, thì NX sẽ phát sinh. Ngoài ra, tại thời điểm này, NX gia tăng có thể một phần xuất phát từ nợ bất động sản. Bởi, thời gian qua TD đổ vào lĩnh vực này tăng trưởng khá nhanh.

Các NHTM cũng nhìn nhận, việc xử lý, thu hồi NX vẫn là thách thức lớn. Trong thời gian tới, NX vẫn là nỗi ám ảnh của hàng loạt NHTM. Ngày 16.06.2016, NHNN đã phải ban hành Thông tư 08/2016 bổ sung một số điều Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và XLNX của VAMC và các TCTD. Thông tư này cho phép các NHTM được gia hạn kỳ hạn trái phiếu đặc biệt từ 5 năm lên 10 năm, nhằm giãn thời gian trích lập dự phòng, tránh trường hợp TCTD có thể bị lỗ vì phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt quá lớn. Điều này có nghĩa là, từ đầu năm đến nay, lượng NX được bán (hoặc bán được) sang VAMC rất hạn chế. Theo đó, NX gia tăng tại các NHTM là sự ghi nhận NX thực chất hơn. Vì sao VAMC hạn chế mua lại NX từ đầu năm đến nay? Sau khi giúp các NHTM giảm NX trên sổ sách xuống dưới 3% bằng việc mua lại với tốc độ khẩn cấp trong năm 2015, từ 2016 VAMC đã hạn chế mua để tập trung công tác xử lý. Nếu càng gia tăng mua, thì tỷ lệ xử lý được càng thấp, làm hạn chế hiệu quả của công cụ XLNX này.

Giải pháp nào cho xử lý nợ xấu?

Con số NX từng được báo cáo trước Quốc hội khóa XIII lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Quyết định 780/2012 của NHNN cho phép một số TCTD cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ của những khoản cho vay trước đây mà không phải chuyển nhóm được thực hiện từ ngày 23.4.2012. Thực hiện cơ chế này, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là NX đã được các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Và, đã có nhiều khoản nợ lẽ ra là NX, đã từng được cơ cấu lại thành nợ trung dài hạn mà không phải chuyển nhóm.
NX cần giải quyết một cách đồng bộ bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp mua bán nợ. Do đó, cần tiếp tục tái cơ cấu các TCTD. Tăng cường tính công khai, minh bạch của TCTD trong hoạt động TD. Hạn chế tập trung TD vào một số nhóm khách hàng hay ngành nghề, hoặc tập trung vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD. Theo đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động TD. Định hướng TD tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, nhằm hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016–2020.

Ngoài ra, còn có một giải pháp khá quan trọng, đó là Nhà nước cần hỗ trợ các DN phục hồi để trả nợ thông qua chương trình kết nối DN do NHNN phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện. Đây là một trong những giải pháp căn bản có thể gọi nôm na là nuôi nợ để đòi nợ. Giải pháp này tuy có rủi ro, nhưng nếu không hỗ trợ, thì nhiều DN sẽ phá sản.

Về phía NHNN, trước hết, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả, sử dụng linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế hợp lý và an toàn hệ thống NHTM.

Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về hoạt động TD, quản trị rủi ro, an toàn hoạt động của các TCTD. Định hướng chiến lược hoạt động TD theo hướng an toàn, hiệu quả và nâng cao năng lực quản trị của các TCTD là yếu tố cốt lõi, nhằm phòng ngừa, hạn chế NX gia tăng.

Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, có điểm đáng chú ý là sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để XLNX. Theo đó, dự kiến trong năm 2017, NHNN và Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết “Đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần NX”. Nếu đề án trên được xây dựng và trình Quốc hội, thêm một lần nữa hướng sử dụng ngân sách nhà nước lại được đưa ra, sau 5 năm triển khai đề án XLNX. Như vậy, việc XLNX tới đây không còn là việc của NHNN và VAMC, mà là của toàn xã hội tham gia dưới sự giám sát của Quốc hội. Điều này, mang lại niềm hy vọng về XLNX dứt điểm, làm khởi sắc cho nền kinh tế trong những năm tới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nợ xấu kéo dài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO