Vị thế cảng biển Bà Rịa -Vũng Tàu so với khu vực Đông Nam Á

01/01/1970 08:00

(VLR) Trong Top 50 cảng container lớn nhất thế giới theo đánh giá xếp hạng của The Journal of Commerce – JOC năm 2011 thì khu vực Đông Nam Á có 8 cảng, gồm cảng Singapore (xếp thứ 2); Port Kelang, Malaysia (13); Tanjung Pelepas, Malaysia (16); Laem Chabang, Thailand (22); Jakarta, Indonesia (24); TP.HCM, Vietnam (28); Manila, Philippines (37); Surabaya, Indonesia (38).

Trong Top 50 cảng container lớn nhất thế giới theo đánh giá xếp hạng của The Journal of Commerce – JOC năm 2011 thì khu vực Đông Nam Á có 8 cảng, gồm cảng Singapore (xếp thứ 2); Port Kelang, Malaysia (13); Tanjung Pelepas, Malaysia (16); Laem Chabang, Thailand (22); Jakarta, Indonesia (24); TP.HCM, Vietnam (28); Manila, Philippines (37); Surabaya, Indonesia (38).

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển VN và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực Đông Nam bộ (nhóm 5) thì cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) sẽ là 1 trong 2 cảng của ngõ quốc tế loại IA của nước ta. Cảng BR-VT được quy hoạch phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận đội tàu biển thế giới có kích cỡ ngày càng gia tăng, chia sẻ lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM và dần dần đóng vai trò cảng chính, cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Nam. Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch thì đến năm 2030, cảng biển BR-VT sẽ đảm nhận thông qua khối lượng hàng hóa khoảng 162-296 triệu tấn/năm, trở thành cảng biển lớn nhất trong toàn bộ hệ thống cảng biển VN.

VỊ THẾ HIỆN TẠI CỦA CẢNG BIỂN BR-VT

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh quy mô công suất hiện tại của cảng biển BR-VT với các cảng biển chính của khu vực Đông Nam Á. Đơn giản chỉ vì các bến chính của cảng biển BR-VT chỉ mới được xây dựng và đưa vào khai thác trong khoảng 2-3 năm trở lại đây. Trong khi các cảng container trong khu vực như PSA Singapore bắt đầu khai thác từ những năm 1970; cảng Tanjung Pelepas (PTP) ở Malaysia bắt đầu hoạt động vào năm 2000; cảng Port Kelang, Malaysia có những bến cảng nước sâu bắt đầu hoạt động từ những năm 1970 và phát triển mạnh từ năm 1983;... Năm 2010, cảng PSA Singapore bốc xếp 28,43 triệu TEU hàng container, Laem Chabang xếp dỡ 5,19 triệu TEU,... còn Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) xếp dỡ chỉ khoảng 0,5 triệu TEU.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, các hãng tàu trong TOP 20 của thế giới (theo thống kê 4.2011) như APM-Maersk (đứng số 1), CMA-CGM (thứ 3), Hanjin Shipping (thứ 9),… đã tham gia vào các liên doanh đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các bến cảng khu vực CM-TV như cảng CMIT, Gemadept Terminal Link, TCIT, Tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân, và một số bến cảng đã đi vào hoạt động khai thác như CMIT, TCIT. Bên cạnh đó, sự có mặt của các nhà đầu tư là những tập đoàn khai thác cảng biển hàng đầu trên thế giới như: PSA (Singapore) trong liên doanh đầu tư khai thác bến cảng SP-PSA, Hutchison Port Holdings (Hồng Kông) trong liên doanh đầu tư khai thác bến cảng SITV,... cùng nỗ lực hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa của các nhà khai thác cảng trong nước, đã nâng hệ thống tổ chức, quản lý và điều hành tại các bến cảng CM-TV tương đương các bến cảng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

TIỀM NĂNG CẢNG BIỂN BR-VT

Khu bến cảng chính của cảng biển BR-VT hiện nay là khu vực CM-TV, là khu vực có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cảng. Khu cảng CM-TV nằm khá gần với các tuyến trung chuyển hàng hóa quốc tế, có tuyến vận hành thường xuyên của các tàu “mẹ” giao lưu liên kết giữa các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.

Các bến cảng đã và đang được xây dựng tại khu vực TV được thiết kế có thể tiếp nhận các tàu container trọng tải 80.000DWT đến 120.000DWT, các bến tại khu vực CM được thiết kế có thể tiếp nhận các tàu container trọng tải 110.000DWT đến 200.000DWT. Từ năm 2009, sau khi một số bến cảng container tại khu vực CM-TV đi vào hoạt động, tuyến luồng CM-TV được nạo vét bằng vốn ODA Nhật Bản, đặc biệt sau quá trình hơn 2 năm thí điểm dẫn tàu trọng tải lớn đến 157.000DWT (sức chở 14.000TEU) vào, rời các bến cảng thành công, các hãng tàu đã đưa tàu mẹ vào khu vực đồng thời thiết lập nhiều tuyến hàng hải mới trực tiếp từ CM-TV đi châu Âu, châu Mỹ.

Tính từ tháng 2.2010 đến tháng 6.2012, đã có 276 lượt tàu container có trọng tải trên 80.000DWT vào rời các bến cảng khu vực CM-TV thành công. Trong đó năm 2010 là 71 lượt tàu, năm 2011 là 130 lượt, và 6 tháng đầu năm 2012 là 75 lượt tàu. Tàu có chiều dài lớn nhất đã vào các bến cảng là tàu dài 367m. Tàu có trọng tải lớn nhất đã vào các bến cảng là tàu trọng tải 157.092 DWT. Cho đến thời điểm hiện nay, các bến có độ sâu lớn nhất của cảng PSA Singapore là Pasir Panjang Terminal có độ sâu trước bến -16,0m, các bến có độ sâu lớn nhất của cảng Port Kelang là -15,0m, của cảng Tanjung Pelepas là -15,0m, cảng Laem Chabang là -16,0m.

Các bến cảng tại CM-TV đã được thiết kế với độ sâu trước bến là -14,5m (khu vực TV) và 16,5-17,5m (khu vực CM) là hoàn toàn không thua kém các cảng lớn trong khu vực về khả năng tiếp nhận tàu lớn. Các bến cảng khu vực CM-TV khi đi vào khai thác đồng loạt sẽ tạo điều kiện cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực lân cận phát triển, mở ra một tương lai tươi sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như ngành vận tải hàng hải VN.

SỰ QUYẾT TÂM CỦA CHÍNH PHỦ VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm lớn đến phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế hàng hải nói riêng. Tại CM-TV, Sao Mai - Bến Đình (Vũng Tàu) thuộc nhóm cảng biển số 5 sẽ được tập trung xây dựng để hình thành những cảng trung tâm có quy mô mang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải biển xa của VN, thu hút nguồn hàng trung chuyển quốc gia và quốc tế.

Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng kết nối đã và đang được triển khai như mở rộng QL 51 lên thành 6 làn xe cơ giới, thi công xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, đường liên cảng CM-TV,... Tỉnh BR-VT cũng triển khai lập đề án phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2020, với điểm nhấn là hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối, các trung tâm phân phối hàng hóa tập trung ngay sau hệ thống cảng,... tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ logistics,...

Sự quyết tâm và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các Bộ, Ngành và địa phương sẽ là động lực để phát triển mạnh hơn nữa cảng biển BR-VT, đưa khu cảng đầu mối này sánh vai các cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á và trở thành một điểm đến quan trọng trong mạng lưới vận tải biển toàn cầu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vị thế cảng biển Bà Rịa -Vũng Tàu so với khu vực Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO