Việc làm trong thời đại trí thông minh nhân tạo

11/06/2018 09:53

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Công nghệ trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) ngày càng hoàn thiện hơn. Lịch sử cho thấy, công nghệ sẽ luôn có tác động đến lao động - một số công việc sẽ mất đi, những công việc mới xuất hiện và một số công việc thay đổi nội dung. Đâu là viễn cảnh việc làm trong thời đại trí thông minh nhân tạo?

(Vietnam Logistics Review) Công nghệ trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) ngày càng hoàn thiện hơn. Lịch sử cho thấy, công nghệ sẽ luôn có tác động đến lao động - một số công việc sẽ mất đi, những công việc mới xuất hiện và một số công việc thay đổi nội dung. Đâu là viễn cảnh việc làm trong thời đại trí thông minh nhân tạo?

Trí thông minh nhân tạo và những bước tiến không ng

Kỳ thủ Garry Kasparov kể lại trải nghiệm của mình khi bị siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại năm 1997 trong cuốn sách “Deep Thinking: Where Machine Intelligence Ends and Human Creativity Begins” (Nghĩ sâu: Điểm dừng của trí tuệ máy móc và điểm khởi đầu của óc sáng tạo con người). Kasparov thừa nhận rằng, ông vừa tức giận vừa thấy bị tổn thương vì có một cỗ máy thông minh hơn mình. Ông đã biết về sự phát triển của công nghệ nhưng chưa bao giờ tin rằng nó sẽ đánh bại ông ngay trong lĩnh vực sở trường. Gần 20 năm sau, kỳ thủ Lee Sedol thua sốc trước phần mềm trí thông minh nhân tạo AlphaGo (do Google phát triển) với tỷ số 1- 4 trong các trận cờ vây - môn cờ được cho là phức tạp hơn nhiều so với cờ vua. Những thắng lợi của máy móc trước con người trong những cuộc thi đấu trí tuệ và sáng tạo đã tạo nên mối quan tâm rất lớn của nhân loại đối với sự phát triển và vai trò của máy móc.

AI đang làm những người phát triển nó kinh ngạc với những bước tiến bộ không ngờ tới mỗi ngày. Nhà đồng sáng lập Google là Sergey Brin đã nói rằng “AI chạm tới mọi dự án chính của chúng tôi, từ tìm kiếm, đến hình ảnh và quảng cáo... nó chắc chắn đã khiến tôi ngạc nhiên, dù tôi đang ngồi ngay ở đó”. Còn Elon Musk và Stephen Hawking thì nhiều lần đưa ra những cảnh báo đáng sợ về AI: “Tôi đã tiếp xúc với những trí thông minh nhân tạo (AI) và tôi nghĩ rằng con người nên thật sự quan tâm đến nó. Tôi vẫn tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động, nhưng cho tới khi con người nhìn thấy robot xuống phố và giết người thì họ vẫn không biết cách phản ứng thế nào…” Những gì mà chúng ta đã thấy trong các bộ phim khoa học giả tưởng đang đến rất gần với sự xuất hiện của các phần mềm AI khác nhau. AI không phải là thứ gì xa lạ, nó thậm chí nằm trên tay mỗi người với những chiếc điện thoại thông minh, đứng đằng sau các trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói như Google Assistant, Amazon Alexa, Microsoft Cortana và Apple Siri, cho phép chúng có những cuộc đối thoại ngày càng tự nhiên hơn với chúng ta, biết cách điều khiển các thiết bị điện, đặt chỗ và lên lịch họp. AI được ứng dụng trên những chiếc xe tự hành, giúp xe tự chạy mà không cần sự điều khiển của con người. Có những chiếc điện thoại thông minh được tung ra thị trường năm 2017 trang bị AI để “làm đẹp” những tấm ảnh chụp bằng máy ảnh điện thoại.

Trong môi trường doanh nghiệp, AI được ứng dụng để phân tích những lượng dữ liệu khổng lồ và cải thiện việc thực hiện quyết định.

AI cũng không phải là thứ gì xa lạ, mà nó thậm chí nằm trên tay mỗi người với những chiếc điện thoại thông minh, đứng đằng sau các trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói như Google Assistant, Amazon Alexa, Microsoft Cortana và Apple Siri…

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển được các hệ thống AI có khả năng học và sáng tạo nghệ thuật bằng cách quan sát - được gọi là CAN (Creative Adversarial Network). Sự tinh vi của phần mềm đã đạt đến mức độ người bình thường khó có thể phân biệt tác phẩm tạo ra bởi hệ thống và những tác phẩm tạo ra bởi các họa sĩ đương thời. Một phần mềm AI khác giúp các nhà khoa học Canada phần nào “giải mã” thành công văn bản cổ tự Voynich có nguồn gốc từ 600 năm trước vốn làm đau đầu nhiều nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà mật mã học. Hay một phần mềm AI của DeepMind (của Google có trụ sở tại London) có thể dùng “trí tưởng tượng” của chúng để lên kế hoạch và thực hiện các tác vụ với tỷ lệ thành công cao hơn các loại AI thông thường. Và gần đây nhất, một hệ thống trí thông minh nhân tạo đang được nghiên cứu tại Facebook đã tự sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của nó để tăng hiệu quả giao tiếp và xử lý dữ liệu. Các nhà khoa học đã phải ngừng ngay phần mềm đó lại khi phát hiện ra nó không còn sử dụng tiếng Anh, thay vào đó là những cụm từ khó hiểu, thậm chí vô nghĩa với con người nhưng lại được các AI cùng chủng loại hiểu trọn vẹn. Bước phát triển của AI mà không nhiều người nghĩ tới - một phần mềm AI của Google có thể sáng tạo ra một AI khác thông minh hơn chính nó.

Hồi kết hay sự khởi đầu mới cho việc làm?

Có thể thấy rằng công nghệ trí thông minh nhân tạo ngày càng hoàn thiện hơn. Lịch sử hơn 250 năm qua đã cho thấy công nghệ sẽ luôn có tác động đến lao động - một số công việc sẽ mất đi, những công việc mới xuất hiện và một số công việc thay đổi nội dung. Đâu là viễn cảnh việc làm trong thời đại trí thông minh nhân tạo?

Trong báo cáo Jobs Lost, Jobs Gained: Worforce Transitions in A Time of Automation (2017), công ty quản lý McKinsey cho rằng về lý thuyết, cho đến năm 2030 sẽ có khoảng một nửa số lượng công việc được trả lương hiện nay có thể được tự động hóa. Mặc dù rất ít nghề nghiệp (chiếm dưới 5%) chỉ bao gồm các công việc có thể được thay thế hoàn toàn bởi máy móc, vẫn sẽ có khoảng 60% nghề nghiệp, với tổng số khoảng 1/3 các loại công việc có thể được tự động hóa. Những con số này ngụ ý về một sự biến đổi đáng kể về lực lượng lao động trong tương lai. Dĩ nhiên mức độ tác động sẽ khác nhau giữa các quốc gia, phụ thuộc vào nhịp độ phát triển và ứng dụng công nghệ, tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng về nhu cầu lao động. Các nền kinh tế phát triển hơn sẽ chịu nhiều tác động hơn so với các nước đang phát triển. Nguy cơ mất việc làm là hiện hữu nhưng mặt khác McKinsey cũng cho rằng sẽ có nhiều công việc mới được tạo ra như phương thức tác động của những công nghệ trước đây đối với lĩnh vực lao động. Năng suất lao động gia tăng đáng kể từ công nghệ sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nền kinh tế với quy mô lớn hơn đến lượt nó lại đòi hỏi nhiều nhân sự trong lĩnh vực quản lý, kỹ thuật và công nghệ hơn. Thu nhập và tiêu dùng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển, dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nâng cao ở các xã hội tiên tiến, đầu tư vào hạ tầng và năng lượng cùng với các xu hướng khác cuối cùng sẽ tạo ra nhu cầu lao động bù đắp cho những công việc đã bị thay thế bởi công nghệ. Lịch sử đã cho thấy lợi ích do công nghệ mang lại vẫn vượt trội chi phí do xáo trộn lao động gây ra, và điều này vẫn sẽ đúng trong kỷ nguyên của công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Như vậy có thể tin tưởng rằng, việc làm cho con người không mất đi hoàn toàn, có những việc máy móc thay thế hoàn toàn, có những việc mới được tạo ra và có những công việc mang những nội dung và đòi hỏi mới. McKinsey dự báo đến trước năm 2030, từ 75 triệu đến 375 triệu lao động (chiếm 14% lực lượng lao động toàn cầu) sẽ phải thay đổi nghề nghiệp; hơn thế nữa, lao động trong thời kỳ mới cũng cần phải được đào tạo để thích ứng với khả năng ngày càng cao của máy móc. Câu hỏi tiếp theo - công việc nào là của con người?

Cho đến năm 2030 sẽ có khoảng một nửa số lượng công việc được trả lương hiện nay có thể được tự động hóa…

Theo Paul Daugherty và James Wilson, tác giả của cuốn sách Human + Machine: Reimagining Work in the Age of AI (Người + Máy: Tư duy lại về việc làm trong kỷ nguyên AI) cho rằng con người vẫn vượt trội máy móc về khía cạnh cảm xúc, giao tiếp, ứng biến, sáng tạo và khái quát hóa. Con người đã tính toán bằng bàn tính, máy tính và giờ đây là bảng tính - một ví dụ cho thấy khả năng sáng tạo công cụ của con người vượt trội bất kỳ sinh vật hay máy móc nào. Dĩ nhiên, máy móc giỏi hơn con người trong các lĩnh vực ghi nhớ, tính toán, giao dịch và dự báo. Những công việc dễ bị thay thế nhất lại là những công việc hiện tại không dùng đến trí thông minh nhân tạo. Daugherty và Wilson tin rằng tương lai về việc làm sẽ nằm ở sự kết hợp sức mạnh trí tuệ của con người và máy móc. Con người sẽ đảm nhiệm những công việc đòi hỏi kỹ năng cảm xúc, sáng tạo, khả năng nhận thức cao và các kỹ năng khác khó có thể tự động hóa; và công nghệ sẽ đóng vai trò giúp đỡ con người làm việc có năng suất cao hơn. Do vậy, ngoài việc tiếp thu công nghệ và đưa vào kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ phải quan tâm suy nghĩ về vấn đề đào tạo để đội ngũ nhân sự có thể thích nghi được với công nghệ mới của thời đại. Kasparov viết: “Khi tôi ngồi đấu với Deep Blue cách đây 20 năm, tôi ý thức được có một điều gì đó mới mẻ, một điều gì đó khiến tôi lo lắng. Có lẽ bạn sẽ trải qua cảm giác tương tự lần đầu khi bạn đi một chiếc xe không người lái... Chúng ta phải đối mặt với những nỗi sợ hãi này để đạt được hiệu quả tối ưu từ công nghệ của mình và kết quả tốt nhất từ chính nỗ lực của chúng ta”.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Việc làm trong thời đại trí thông minh nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO