VLI với nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành logistics

Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam|15/05/2021 08:59

(VLR) Trước tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển ngành logistics, trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn (2015 - 2021), Hiệp Hội Doanh Nghiệp dịch Vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tích cực phát triển công tác đào tạo bằng cách thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI). VLI ra đời với sứ mệnh xây dựng và chuẩn hóa các chương trình đào tạo logistics theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế giúp người học có kiến thức từ cơ bản đến nâng cao để có thể làm việc trong ngành logistics trong nước cũng như môi trường logistics quốc tế.

Nhân lực ngành logistics hiện nay chỉ đạt khoảng 10% so với nhu cầu thực tế - một con số vô cùng khiêm tốn

Nhân lực ngành logistics hiện nay chỉ đạt khoảng 10% so với nhu cầu thực tế - một con số vô cùng khiêm tốn

Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và chu chuyển các tài nguyên, yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát đầu tiên là nhà cung cấp, qua nhà sản xuất, người bán buôn, bán lẻ, đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, hoạt động logistics trong thế kỷ 21 sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt sẽ tập trung vào một số xu thế phát triển như sau: ứng dụng 4.0, big data, blockchain, urban logistics, trung tâm logistics, chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch vụ giá trị gia tăng (VAS - Valued Added Service),…

Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành logistics - một yếu tố cốt lõi góp phần vào sự phát triển của ngành, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu về số lượng nhân sự, yếu về chất lượng chuyên môn.

Theo Sách trắng logistics Việt Nam 2018 do VLA công bố thì tổng số doanh nghiệp logistics hiện nay vào khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp và có mạng lưới logistics kết nối quốc tế trong tổng số hơn 29.000 doanh nghiệp đăng ký mã ngành kinh doanh liên quan đến lĩnh vực logistics (theo Niên giám thống kê 2018 của Tổng cục Thống kê). Nhận định trong Sách trắng logistics Việt Nam 2018 cũng cho thấy, thiếu hụt nhân sự là một trong ba vấn đề hàng đầu gây khó khăn cho các công ty logistics trong hoạt động kinh doanh của mình.

Theo dự báo của VLA, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự, trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu nhân sự chỉ đạt khoảng 10% - một con số vô cùng khiêm tốn. Bên cạnh đó, theo phân tích trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 của Bộ Công Thương, nhu cầu nhân lực logistics từ phía ngành dịch vụ logistics cũng như các ngành sản xuất đến năm 2030 là 2,2 triệu nhân lực ở các cấp độ. Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, với tốc độ tăng trưởng ngành logistis như hiện tại (khoảng 15% - 16%/năm) và khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực cho ngành logistics thì sự thiếu hụt nhân lực logistics sẽ là thách thức lớn đối với ngành logistics Việt Nam.

Hiểu được nhu cầu đó, VLA trong những năm qua đã tích cực phát triển công tác đào tạo bằng cách thành lập VLI với sứ mệnh xây dựng và chuẩn hóa các chương trình đào tạo logistics theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế giúp người học có kiến thức từ cơ bản đến nâng cao để có thể làm việc trong ngành logistics trong nước cũng như môi trường logistics quốc tế.

VLA/VLI hợp tác đào tạo quốc tế

VLA đã đẩy mạnh việc hợp tác, kết nối với các tổ chức hoạt động logistics khu vực và thế giới như: Hiệp Hội Giao nhận Quốc tế (FIATA), Hiệp Hội Giao nhận Đông Nam Á (AFFA).

Viện VLI tham gia tham vấn Chính phủ tại Hội thảo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2019

Viện VLI tham gia tham vấn Chính phủ tại Hội thảo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2019

Để theo kịp môi trường kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và nắm bắt được các quy trình kinh doanh tiên tiến như e-commerce, e-freight and e-logistics, điều chắc chắn cần thiết là ngành vận tải - logistics phải dựa vào nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp và có kỹ năng. Chính vì vậy, FIATA đã phát triển 2 chương trình FIATA Diploma in Freight Forwarding (FD) và FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management (FHD).

Đối với các chương trình này, FIATA cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các thành viên trong Liên đoàn để phát triển các khóa đào tạo của riêng mình. Các tài liệu đào tạo và giáo trình sẽ được phát triển bởi các thành viên tại khu vực để vừa đáp ứng được yêu cầu chung của thị trường quốc tế, vừa đáp ứng các nhu cầu cụ thể của thị trường trong nước.

Nhận được sự tin tưởng của AFFA và FIATA, VLA/VLI đã phụ trách đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động của ngành bằng 2 chương trình FD và FHD, thông qua đó, VLA/VLI đã đạt được các thành tựu vượt trội như sau:

- Đối với chương trình FD: VLA/VLI đã và đang đào tạo hơn 1.200 học viên tham gia với số lượng học viên đã tốt nghiệp lên đến 359 học viên.

- Đối với chương trình FHD: VLA/VLI đã và đang đào tạo hơn 400 học viên tham gia với số lượng học viên đã tốt nghiệp là 44 học viên.

VLA/VLI hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp trong nước

Ngoài việc đẩy mạnh kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, VLA cũng chú trọng đến việc hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp logistics trong nước. Cụ thể, VLA nằm trong kế hoạch thực hiện đào tạo của Cục Phát triển doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa.

VLI tổ chức nhiều chuyến tham quan, hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên có những trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp (Ảnh: VLI)

VLI tổ chức nhiều chuyến tham quan, hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên có những trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp (Ảnh: VLI)

Nhận được sự tin tưởng từ Cục Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2018 VLA đã tiến hành đào tạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành logistics.

Trong 3 năm (2018 - 2020), VLA đã đào tạo 46 khóa học ngắn hạn với số lượng học viên tham gia lên đến 1.200 học viên đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và trong năm 2021 này, VLA/VLI dự kiến sẽ đào tạo 12 khóa học dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với số lượng học viên dự kiến là 240 học viên.

VLA/VLI kết nối đến các trường học - đơn vị đào tạo

Đào tạo nhân nguồn nhân lực logitsics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách hiện nay. Ngoài ra ngày 22/02/2021, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đặc biệt, Chính phủ đang chú trọng đào tạo cấp văn bằng quốc tế về logistics. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, điều đó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Viện VLI kết nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học, cơ sở đào tạo logistics (Trong ảnh: VLI ký kết hợp tác đào tạo với Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (COFER))

Viện VLI kết nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học, cơ sở đào tạo logistics (Trong ảnh: VLI ký kết hợp tác đào tạo với Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (COFER))

Dựa trên Quyết định số 221/QĐ-TTg ban hành ngày 22/02/2021, VLA không chỉ đào tạo các đối tượng là doanh nghiệp mà còn nhắm đến đối tượng sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng như: Đại học Ngoại Thương (cơ sở Hà Nội và TP. HCM), Đại học Hoa Sen, Cao Đẳng Kinh tế Đối Ngoại, Cao Đẳng Giao thông Vận tải,… Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của VLA, VLI đã ủy quyền cho VILAS tích hợp chương trình đào tạo FIATA FD và FHD với trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo hơn 300 sinh viên đang theo học 2 chương trình trên.

Với việc liên kết với các trường, VLA/VLI đã đưa đến cho sinh viên 1 cái nhìn thực tiễn về ngành nghề logistics. Sinh viên được tìm hiểu và tích hợp khóa học quốc tế (FD và FHD) vào chương trình học. Ngoài ra, VLA/VLI còn hỗ trợ thực tập và việc làm cho sinh viên.

Kết luận

Với xu thế phát triển của ngành logistics và thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, các dịch vụ logistics mới gia tăng, đòi hỏi cao hơn yêu cầu về nhân lực chất lượng và sáng tạo. Trong Nhiệm kỳ VIII (2021 - 2024), công tác đào tạo của Hiệp hội và VLI hướng đến phát triển nguồn nhân lực dựa trên năng lực, đào tạo kỹ năng và đặc biệt những kỹ năng mới phù hợp xu hướng số hóa. Ngoài ra, hướng đến việc chuẩn hoá các vị trí nghề trong ngành dịch vụ logistics (OS) - xác định hệ thống kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho từng vị trí nghề (OSS) - Xây dựng nội dung đào tạo bám sát hệ thống kỹ năng cần thiết. Mục tiêu người được đào tạo sẽ 100% đáp ứng được công việc thực tế , hướng đến minh bạch năng lực trong ngành dịch vụ logistics.

Từ công tác đào tạo và sự chung tay từ các bên: từ nhà trường, Nhà nước, các doanh nghiệp, VLA/VLI mong rằng có thể góp sức vào công cuộc đào tạo, hỗ trợ cộng đồng, nâng cao trình độ và kịp thời cung cấp nguồn nhân lực cho ngành logistics Việt Nam.

Các hoạt động hợp tác của VLA/VLI

- Tham gia LIRC;

- Hỗ trợ các trường đào tạo logistics trên toàn quốc: MOU số lượng 19;

- Hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên tham quan thực tập tại doanh nghiệp;

- Kết nối hỗ trợ việc làm cho sinh viên các trường;

- Tích hợp FIATA, SCM với các trường đại học như: Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, Ngoại Thương;

- Phối hợp trường Đại học Tài chính Marketing, Ngoại Thương tổ chức hội thảo nhân lực;

- 2 lần tổ chức diễn đàn nhân lực logistics Việt Nam Vilet 2017, 2018.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
VLI với nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO