Tại tọa đàm, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã nêu quan điểm về dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (liên quan đến bất động sản) thật sự phát triển ổn định, lành mạnh và an toàn, cần nhận diện rõ, đúng và đầy đủ các rủi ro. Trong đó, các rủi ro hàng đầu cần đặc biệt quan tâm gồm:
Thứ nhất là rủi ro pháp lý, theo ông cần sớm có một khuôn khổ pháp lý phù hợp không chỉ để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phục hồi, phát triển lành mạnh theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế, giảm rủi ro pháp lý mà còn cần cả khuôn khổ pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong trường hợp nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật và trở thành đối tượng xử lý của các cơ quan chức năng.
Thứ hai là rủi ro thanh khoản, khi một số nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất cả vốn lẫn lãi do những vướng mắc pháp lý của nhà phát hành thì niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sụt giảm mạnh do hiệu ứng đám đông.
Điều này kích hoạt cuộc rút tiền ồ ạt khỏi thị trường, ngay cả đối với những trái phiếu của nhà phát hành có uy tín, có tiềm lực tài chính tốt, có tài sản đảm bảo an toàn và có giá trị cao, chưa đến thời gian đáo hạn. Hiệu ứng domino khiến cho thị trường đột ngột lâm vào tình trạng sụt giảm tính thanh khoản, thậm chí mất thanh khoản cục bộ.
Ông Ánh nhấn mạnh rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu càng trầm trọng hơn khi bản thân tính thanh khoản của thị trường bất động sản cũng sụt giảm mạnh do diến biến thắt chặt trên thị trường tín dụng, lãi suất và tỷ giá hối đoái đều tăng trong khi rủi ro về giá bất động sản và lạm phát đang rình rập.
“Chính vì vậy, phục hồi và củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu khi và chỉ khi giảm được rủi ro thanh khoản, cả rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu cũng như trên thị trường bất động sản”, ông Ánh kết luận.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thanh, Công ty Bất động sản Weland cho biết, vốn ngoại là nguồn tiền mới vào thị trường khi các kênh khác đang gặp khó khăn.
Vốn ngoại vào cũng có tác động tăng dữ trữ ngoại hối vào cho Việt Nam, giúp ổn định tâm lý cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, vốn ngoại sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nội hành động để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.
Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam hiện có 4 đặc điểm: chi phí vốn xu hướng tăng, mức độ chấp nhận rủi ro thấp, nhu cầu đầu tư tài sản hữu hình, hữu hạn, xu hướng trú ẩn và tránh thuế.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ có các yêu cầu cụ thể về tiêu chí thì mới đầu tư như về quy mô, về vị trí địa lý, về pháp lý, về diện tích tối thiểu để thực hiện dự án, về loại hình đầu tư…