Tại “Hội thảo Nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều” do VREC và HREC tổ chức, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc Kinh doanh CBRE Vietnam cho biết, về mức độ trưởng thành của thị trường bất động sản (TTBĐS), Việt Nam đi sau Thái Lan 20 năm, còn Singapore thì rất nhiều năm, TTBĐS của chúng ta chỉ phát triển nhanh khoảng 10 năm trở lại đây. Còn về kinh nghiệm từ thị trường chắc chắn Việt Nam đi sau rất nhiều so với các quốc gia phát triển, đến năm 2015 Chính phủ đã có những luật ban đầu để tháo gỡ một số vướng mắc trước đó đối với việc bán kinh doanh và cho phép người nước ngoài mua sở hữu nhà tại Việt Nam.
Chúng ta nhận thấy rằng, Luật mua bán nhà đối với người nước ngoài ở Việt Nam có rất nhiều vần đề như về chủng loại (chỉ được mua trong dự án), về số lượng thì không quá 30% căn hộ trong tòa nhà. Do đó, việc lựa chọn và tiếp cận các sản phẩm của người nước ngoài có nhiều hạn chế.
Việt Nam luôn được đánh giá là một quốc gia có tốc độ phát triển, đô thị hóa nhanh và sự phát triển của TTBĐS thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế, nhưng luật trong thị trường còn rất sơ khai.
Theo ông Tuấn Kiệt, Chính phủ cũng đang lắng nghe rất nhiều và rất muốn quản lý giao dịch của người nước ngoài một cách chặt chẽ, vì liên quan tới vấn đề an ninh, kinh tế và nhiều thứ khác nên cần thời gian. Ngoài ra, bản thân của thị trường cần có thời gian để luật hiện tại phát sinh hết những vấn đề, sau đó chúng ta sẽ có những cái sửa đổi về luật.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về mặt hoàn thiện quy trình lẫn mức độ trưởng thành của các chủ đầu tư, thực ra việc định hình sự phát triển một dự án bất động sản để phù hợp với nhu cầu của người nước ngoài trên cơ bản là phải có thời gian.
Ông Kiệt đánh giá hầu hết các chủ đầu tư trong nước về việc phát triển định hình sản phẩm, về thiết kế, về mặt hỗ trợ người nước ngoài cũng có rất nhiều vấn đề, nên hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài của CBRE khi đến Việt Nam thường chú ý đến các dự án được phát triển bởi chủ đầu tư nước ngoài trước, sau đó mới đến các chủ đầu tư lớn trong nước.
Ông cho biết thêm, chúng ta cần phát triển về luật để mua bán dễ dàng hơn như Thái Lan, Singapore hay Hong Kong, nhưng bản thân các chủ đầu tư cũng phải cần có sự thay đổi tư duy để tiếp cận đối tượng khách hàng đó thuận lợi hơn.
Còn theo ông Peter Hồng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho rằng, kiều bào sẵn sàng mua nhà ở tại Việt Nam, nếu họ có được giấy chứng nhận quyền sở hữu đầy đủ để tặng cho con cái của họ. Ông có thể đặt hàng 10.000 căn hộ nếu các vấn đề được giải quyết để hỗ trợ kiều bào.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 6 triệu kiều bào trên toàn cầu, tiền ngoại hối gửi về năm 2022 là 19,2 tỷ USD, riêng TP.HCM là 6 tỷ USD, đầu năm 2023 có 277.000 kiều bào về đón Tết.
Thiết nghĩ, Luật Đất đai mới cần có những điều khoản rõ ràng, chặt chẽ theo kịp sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, để tạo điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở tại Việt Nam.