Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung: Đột phá trong phát triển logistics

20/12/2016 07:45

(VLR) (Vietnam Logistics Review) “Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây” và “liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung” là tên gọi của tọa đàm và hội thảo lớn đã diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 09.11.2016. Tại sự kiện này, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã đề xuất các giải pháp quan trọng về sự cần thiết để phát triển hoạt động thương mại dựa trên tuyến vận tải xuyên biên giới của Hành lang kinh tế Đông Tây; và đặt mục tiêu liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics làm động lực cho sự phát triển bền vững của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong xu thế hội nhập quốc tế.

(Vietnam Logistics Review) “Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây” và “liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung” là tên gọi của tọa đàm và hội thảo lớn đã diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 09.11.2016. Tại sự kiện này, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã đề xuất các giải pháp quan trọng về sự cần thiết để phát triển hoạt động thương mại dựa trên tuyến vận tải xuyên biên giới của Hành lang kinh tế Đông Tây; và đặt mục tiêu liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics làm động lực cho sự phát triển bền vững của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong xu thế hội nhập quốc tế.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT), bao gồm các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP. Đà Nẵng, có diện tích 27.884 km2, chiếm 8,4% diện tích cả nước, có dân số trung bình năm 2015 là 6,4 triệu người, chiếm 7,2% dân số cả nước. Đây là khu vực có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, có cảng biển, sân bay, Quốc lộ 1 và đường Xuyên Á chạy qua và nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (HLKTĐT) rất quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế của Việt Nam (VN) khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chính vì vậy có bước đột phá trong phát triển logistics trong vùng kinh tế trọng điểm này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của khu vực, thúc đẩy thương mại qua biên giới trên tuyến HLKTĐT. Để thực hiện mục tiêu này, VLA đã có các khuyến nghị dưới đây với Hội đồng VKTTĐMT và UBND TP. Đà Nẵng.

Vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ (VTHHQBGBĐB) có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh và chuyển tải giữa các nước thành viên Tiểu vùng Mekong mở rộng (TVMMR). Việc thực hiện hiệu quả VTHHQBGBĐB sẽ góp phần làm gia tăng giá trị hàng hóa thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, phát triển thương mại xuyên biên giới, tận dụng lợi thế và phát triển kinh tế của HLKTĐT. Hiện nay đã hình thành các tuyến vận tải quá cảnh giữa VN - Lào - Thái Lan - Thẩm Quyến (Trung Quốc), VN - Lào - Thái Lan - Myanmar và VN - Campuchia. Cần duy trì hoạt động của các tuyến vận tải quá cảnh này để thúc đẩy phát triển kinh tế và logistics Vùng.

Đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước và nước ngoài như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đóng góp các ý kiến phát triển logistics miền Trung và đặc biệt là thúc đẩy vận tải qua biên giới bằng đường bộ của miềnTrung nối liền hai đầu của đất nước với các nước trong khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics của VKTTĐMT chưa phát triển như mong muốn, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ VTHHQBGBĐB trên HLKTĐT của VN và các nước Lào, Thái Lan, Myanmar đang gặp không ít khó khăn bên cạnh các cơ hội và thuận lợi. Khó khăn nổi bật là sự hạn chế về số lượng hàng hóa do thương mại khu vực HLKTĐT chưa phát triển, nhất là việc mất cân đối về hàng hóa hai chiều, dẫn đến việc chưa tận dụng được phương tiện vận tải, do đó làm cho giá thành vận tải tăng cao. Thủ tục thông quan hàng hóa quá cảnh tại các cửa khẩu còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; việc thực hiện các thỏa thuận đa biên và song biên, nhất là Hiệp định “Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng, 1999” chưa được đầy đủ ở các nước thành viên; chi phí ngoài luồng còn cao; cần có sự hợp tác tốt hơn giữa các bên có liên quan và phát huy vai trò của các Ủy ban Điều phối Vận tải Quá cảnh quốc gia...

Vì vậy, làm thế nào để khắc phục các khó khăn và hạn chế đó, phát huy hiệu quả của vận tải hàng hóa bằng đường bộ với các nước trong khu vực thông qua HLKTĐT, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế VKTTĐMT nói chung và Đà Nẵng nói riêng là một vấn đề cần nhanh chóng có biện pháp giải quyết và có một chiến lược phát triển lâu dài một cách hữu hiệu và mang tính đột phá.

Để thực hiện được mục tiêu trọng tâm đó, theo chúng tôi:

- Hội đồng VKTTĐMT nói chung và chính quyền Đà Nẵng nói riêng cần sớm xây dựng chính sách và kế hoạch hành động cụ thể trong việc phát triển VTHHQBGBĐB, nhất là cho HLKTĐT nhằm hỗ trợ cho các DN vận tải, logistics vừa và nhỏ thực hiện việc kinh doanh VTHHQBGBĐB có hiệu quả, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư trong khu vực phát triển, kết nối các điểm trung chuyển quốc tế, như với Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Đà Nẵng và Hội đồng VKTTĐMT có thể xem xét và kiến nghị thành lập một Ban Chỉ đạo các Tỉnh trọng điểm miền Trung nhằm giúp UBND TP. Đà Nẵng và Hội đồng VKTTĐMT các vấn đề hoạch định chính sách, quy hoạch kết cầu hạ tầng logistics vùng, phát triển logistics vùng cũng như phát triển vận tải xuyên biên giới.

- Nâng cấp hệ thống cầu đường kết nối với các cửa khẩu Việt - Lào trong Vùng kinh tế, đặc biệt chú ý đến tuyến nối cửa khẩu Nam Giang và Đà Nẵng, các địa điểm làm hàng, tập kết và kiểm tra xe, đường vào và ra cửa khẩu nhằm giúp giải phóng hàng hóa và phương tiện vận chuyển, nhất là mùa cao điểm. Việc phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức công tư, Nhà nước cung cấp đất, ưu đãi vốn vay, ưu đãi thuế, các DN đầu tư vốn xây dựng.

- Cần xây dựng một trung tâm logistics tại Đà Nẵng để tận dụng sân bay Đà Nẵng và Cảng Tiên Sa. Với quyết tâm chính trị của UBND TP. Đà Nẵng và Hội đồng VKTTĐMT sẽ tạo cho trung tâm logistics này những điểm mạnh đột phá như Chu Lai đang có là Khu Kinh tế mở. Qua đó sẽ tạo ra một khu vực cho hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và chuyển tải, tận dụng được lợi thế địa lý, chính trị của miền Trung cho việc phát triển thương mại thông qua VTHHQBGBĐB trên tuyến HLKTĐT và tuyến vận tải nội địa Bắc – Nam.

- Cải thiện thủ tục tại các cửa khẩu, nhất là thủ tục kiểm tra liên ngành, tăng giờ làm việc, nhất là thời gian làm việc của các trạm hải quan. Áp dụng công nghệ thông tin trong khâu làm thủ tục cho hàng hóa và phương tiện quá cảnh, như kiểm tra hải quan chung một lần, một điểm dừng, kiểm tra bằng máy móc thay cho thủ công như hiện nay. Qua đó sẽ rút ngắn thời gian và chi phí tại biên giới cũng như trên đường vận chuyển.

- Minh bạch hóa các khoản thu đối với hàng hóa quá cảnh, xóa bỏ các lệ phí do các địa phương áp đặt, giảm các chi phí không chính thức từ các cửa khẩu với Lào đến các cảng biển trong khu vực và ngược lại. Nâng cao chất lượng và đạo đức của các công chức, nhân viên liên quan đến vận chuyển hàng hóa và phương tiện qua biên giới, tránh phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN do phải chi ngoài luồng làm cho giá thành vượt trội, giảm năng lực cạnh tranh.

- Có biện pháp khuyến khích thương mại khu vực nhằm tạo nguồn hàng cho vận tải và giảm lượng phương tiện vận tải chạy không hàng chiều về, như áp dụng cơ chế ưu đãi cho hàng hóa quá cảnh với phí đường bộ, chi phí tại cảng biển và thủ tục thông thoáng.

- Tổ chức hội thảo quốc tế về VTHHQBGBĐB hàng năm tại Đà Nẵng nhằm giúp UBND TP. Đà Nẵng và Hội đồng VKTTĐMT trong việc phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư và vận chuyển hàng hóa qua biên giới. VLA sẽ phối hợp việc tổ chức này, trong đó có việc mời các Hiệp hội và DN các nước láng giềng tham gia hội thảo.

Quy hoạch phát triển hạ tầng logistics VKTTĐMT làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, thương mại và hệ thống logistics của Vùng phát triển. Hội đồng VKTTĐMT cần rà soát lại quy hoạch phát triển tại Chu Lai - Dung Quất để định hướng nơi đây trở thành một trung tâm logistics chuyên về hàng trung chuyển nội địa – quốc tế cho khu vực miền Trung và hai trục vận tải Bắc - Nam cũng như HLKTĐT. Nơi đây đã có sẵn sân bay Chu Lai (Quảng Nam) và Cảng nước sâu Dung Quất (Quảng Ngãi), có sẵn quy chế Khu kinh tế mở Chu Lai..

Hy vọng trong một tương lai không xa khu vực miền Trung nước ta sẽ có ngành dịch vụ logistics phát triển cùng với ngành logistics cả nước đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển thương mại.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung: Đột phá trong phát triển logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO