Xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản

08/06/2022 08:43

(VLR) Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ ngành triển khai xây dựng, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống.

Các thương lái mua vải chín sớm của người dân Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Các thương lái mua vải chín sớm của người dân Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến giao thương, phát triển thị trường nông sản tại các thị trường có tiềm năng, thị trường ngách; ứng phó với tác động của dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Đặc biệt, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trước những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông). Nhờ đó, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ. Trong đó nhóm nông sản chính trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; đầu vào sản xuất 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.

“Đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất), trong đó rau quả 1,5 tỷ USD, gạo 1,4 tỷ USD (2,9 triệu tấn), cá tra 1,2 tỷ USD, tôm 1,9 tỷ USD. Các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 28%, tăng 17,1%; Trung Quốc chiếm 17,8%, tăng 6,8% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 19,5%)”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Về sản phẩm trồng trọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các loại quả tươi chủ lực như xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải... đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Trung Quốc, Trung Đông, ASEAN… Hiện đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand…

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường để gia tăng các sản phẩm chăn nuôi. Ví dụ như sữa và sản phẩm sữa, đến nay đã có 11 nhà máy của 7 công ty được xuất khẩu chính ngạch các loại sản phẩm sữa sang Trung Quốc. Riêng thịt gà chế biến đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm này sang Hàn Quốc, Singapore, EU, Anh, các nước Trung Đông, đồng thời tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa. Thịt lợn sữa đông lạnh chính ngạch sang Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia đến nay đã có 7 nhà máy của 5 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu thịt lợn đông lạnh vào Hồng Kông. Sản phẩm mật ong đã xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, châu Âu và một số thị trường khác. Trứng gia cầm chế biến xuất khẩu sang Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào và Úc. Hiện đang thúc đẩy xuất khẩu tổ yến, bột cá và dầu cá, lông vũ sang Trung Quốc.

Riêng sản phẩm thủy sản, duy trì chuỗi cung ứng an toàn cho tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Gia tăng số sản phẩm, doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm như: Hoa Kỳ tiếp tục công nhận tương đương và bổ sung 6 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 19 doanh nghiệp được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn. EU công nhận bổ sung 14 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 531 doanh nghiệp được xuất khẩu...

Vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh những mặt tích cực thì công tác phổ biến nhu cầu, thị hiếu tại nước sở tại và quy định của thị trường nhập khẩu có lúc còn bị động. Vai trò của các hiệp hội ngành hàng với các hội viên còn hạn chế. Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận thức đủ về yêu cầu quy định của thị trường.

Thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19; chi phí giá thành còn cao dẫn tới hiệu quả kinh tế một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Công tác đàm phán kỹ thuật thường kéo dài, nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu để tận dụng các ưu đãi từ cắt giảm thuế quan thực thi các FTAs đã có hiệu lực. Hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, kho lạnh bảo quản nông sản tại vùng nguyên liệu, hệ thống kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu chưa đồng bộ; dẫn đến còn có tình trạng ùn ứ phương tiện trong việc xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc khi nước bạn áp dụng nghiêm ngặt chính sách phòng chống dịch COVID.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là do xu hướng bảo hộ, các rào cản thương mại ngày càng gia tăng, các nước ngày càng đặt ra các yêu cầu kỹ thuật khắt khe (chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, biện pháp kiểm dịch động thực vật-SPS, mã số cơ sở đóng gói, đăng ký doanh nghiệp...), thay đổi các chính sách trước tác động của dịch COVID-19 điển hình như chủ trương “Zero COVID” của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tác động từ sự thiếu hụt và tăng giá của các mặt hàng năng lượng, lương thực trên toàn cầu. Ở trong nước giá các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào tăng ở mức cao, làm ảnh hưởng sản xuất, chế biến nông sản và phục vụ xuất khẩu. Chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên thế giới tiếp tục ở mức cao, tình trạng thiếu containers, thiếu tàu vận chuyển hàng nông sản đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản.

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN.

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN.

Tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn sản xuất.

Bộ Công Thương cần chủ trì nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72/2010/ QĐ-TTg ngày 15/11/2010 về Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, theo hướng bổ sung các nội dung liên quan đến hỗ trợ các thiết chế, tổ chức tư vấn phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu các phân khúc thị trường trong nước. Có nguồn lực cụ thể hỗ trợ tổ chức các cuộc thi, hội thi ngành hàng, giúp khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và hợp tác xã.

Tích cực triển khai chủ động có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các nước, khu vực trên thế giới; Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.

Đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Thái Lan, Úc, New-Zealand...

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất gắn với xuất khẩu. Phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng. Trong đó tập trung rà soát quy mô, sản lượng, triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đăng ký mã số cơ sở đóng gói, doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính ngạch... Quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu và hành lang bien giới. Đầu tư mạnh mẽ, nâng cao năng lực khâu chế biến bảo quản nông sản để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm đầu ra gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu nông sản vùng miền phục vụ nhu cầu xuất khẩu tại các thị trường.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, các địa phương tổ chức các diễn đàn trong nước và quốc tế giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến với các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng.

Phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO