Xuất khẩu cá tra sang EU dự báo sẽ còn nhiều khó khăn

Thương trường|12/06/2020 08:31

(VLR) Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cho tới thời điểm này vẫn tác động không nhỏ tới đời sống, hoạt động thương mại của nhiều nước EU. Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường EU liên tiếp giảm mạnh.

Xuất khẩu cá tra sang EU dự báo sẽ còn nhiều khó khăn

Xuất khẩu cá tra sang EU dự báo sẽ còn nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 5, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 53,4 triệu USD, giảm gần 36% so với cùng kì năm trước.

Đầu năm nay, nhu cầu NK chững, dịch COVID-19 lại tác động vào hoạt động XK cá tra sang thị trường này, mạnh nhất từ tháng 3/2020. Giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm do xu hướng chung khi thị trường XK cá tra lớn nhất Việt Nam là Trung Quốc bị ngưng trệ. Điều này kéo theo giá trị XK cá tra sang EU giảm.

Giá trị xuất khẩu sang 4 thị trường đơn lẻ lớn nhất là: Hà Lan giảm 31,3%; Đức giảm 31,7%; Tây Ban Nha giảm 16,9% và Bỉ giảm 37,7% so với cùng kì năm ngoái. Cho tới thời điểm này, EU đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam (sau Trung Quốc – Hong Kong, Mỹ và ASEAN). Hà Lan là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất trong khối và là thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm cá tra GTGT cũng giảm. Giá cá tra phile đông lạnh sang Hà Lan giảm từ 2,94 USD/kg (QIV/2019) còn khoảng 2,67 USD/kg (QI/2020).

Cho tới thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục nóng tại Châu Âu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nhiều quốc gia, chi tiêu của người tiêu dùng, thương mại, vận tải, chuỗi cung ứng… Tháng 5/2020, EU đã chuẩn bị kịch bản cho một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử diễn ra trong năm nay. Dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục khoảng 7,75% vào năm 2020, tất cả mọi lĩnh vực đều khó có thể vực dậy. Điều này dự báo cũng tác động lên hoạt động XK cá tra sang EU trong năm nay, nhiều khả năng, giá trị XK cá tra Việt Nam sang khu vực này sẽ còn tiếp tục giảm trong các tháng tới.

Tại Hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay được tổ chức tại An Giang vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã vạch ra lộ trình xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6/2020, các DN có thể tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc, vì thị trường này đang phục hồi khá tốt. "Tiếp đó, từng bước tháo gỡ các thị trường khác, như thị trường châu Âu, thị trường Hoa Kỳ. Và quan trọng hơn là năm nay, Bộ đặt quyết tâm cùng với các DN, các địa phương mở tiếp những thị trường mới đầy tiền năng, như thị trường Nga, thị trường Nhật Bản, thị trường nội địa. Với thị trường nội địa 100 triệu dân này, đây mới là thị trường bền vững lâu dài", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tiếp đó, từ tháng 6, tháng 7 trở đi có thể tiếp cận, khôi phục lại thị trường châu Âu. Đối với thị trường Nhật Bản cũng rất yêu thích sản phẩm cá tra, nhưng với thị trường này cần tăng cường chế biến sâu, sản phẩm chất lượng. Đồng thời, sẽ có chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các DN XK cá tra. Để tận dụng lợi thế, các DN cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong ba năm tới. Trước mắt, do ảnh hưởng sản lượng từ các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại thị trường EU cũng là cơ hội cho các DN cá tra của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho rằng, với Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này. Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0%, sản phẩm cá tra còn tránh được việc một số nước trong cộng đồng EU “bôi bẩn” sản phẩm cá tra của Việt Nam, hay cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.

Ngoài việc mở rộng thị trường, để hỗ trợ DN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tháng 6, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa; chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu đang khó khăn hiện nay.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu cá tra sang EU dự báo sẽ còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO