Xuất khẩu thủy sản: Hướng tới mục tiêu 16 tỷ USD

Báo Công Thương|18/03/2021 13:54

(VLR) Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đón nhận nhiều tin vui khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh tương đối khả quan. Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản còn mở rộng với quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xuất khẩu thủy sản có tín hiệu vui ngay từ đầu năm

Xuất khẩu thủy sản có tín hiệu vui ngay từ đầu năm

Tăng tốc từ đầu năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế cả 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cá tra và tôm tiếp tục là 2 điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản. Theo đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2021 đạt 123,5 triệu USD, tăng 22% và tháng 2 đạt 90 triệu USD, giảm 17%. Lũy kế xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho biết, thủy sản là ngành tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm 2021 khiến kim ngạch xuất khẩu bật tăng trở lại, trái ngược với sự sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.Trong khi đó, xuất khẩu tôm tháng 2 ước đạt gần 160 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 304 triệu USD, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những ngày đầu năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu tôm đón nhận tin tốt khi Mỹ ra thông báo hủy quyết định áp thuế tôm xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, thậm chí doanh nghiệp này còn được hoàn các khoản thuế chống bán phá giá đã tạm nộp trước đó.

Theo VASEP, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới vẫn nghiêng về các sản phẩm thủy sản có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu và phù hợp cho chế biến tại nhà như tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cá biển phile, cắt khúc, mực khô… Trong khi đó, xuất khẩu tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú, giảm do giá cao và việc kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngành tôm đang có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) vừa ký kết và đi vào thực thi. Ví dụ, với thị trường EU, nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu sẽ được giảm từ 12 – 20% xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Mục tiêu mới cho xuất khẩu thủy sản

Với tiềm năng lớn của xuất khẩu thủy sản, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, quyết định đề ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hoá lớn gắn với công nghiệp hoá- hiện đại hoá, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cơ cấu ngành và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế…

Quyết định đặt mục tiêu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 14-16 tỉ đô la Mỹ, tức tăng cao nhất hơn 7 tỉ đô la Mỹ so với kim ngạch được ghi nhận trong năm 2020 là 8,6 tỉ đô la Mỹ.

Quyết định chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam cũng đưa ra tầm nhìn đến 2045, đây sẽ là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thuỷ sản sâu thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản dẫn đầu thế giới…

Chính phủ cũng ban hành chương trình, đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, sẽ thực hiện đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá với mục tiêu đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần thuỷ sản đáp ứng chuỗi cung ứng thuỷ sản.

Giai đoạn 2021-2030, cũng sẽ thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản để phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học…

Ngoài ra, sẽ thực hiện chương trình quốc gia phát triển khai thác thuỷ sản hiệu quả, bền vững; chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản; đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển; đề án phát triển chế biến và thương mại thuỷ sản; đề án phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong ngành thuỷ sản; đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thuỷ sản…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thủy sản: Hướng tới mục tiêu 16 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO