Xuất nhập khẩu hàng hoá khởi sắc trong tháng đầu tiên của năm 2022
Xuất nhập khẩu đều tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 01/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Một, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 0,9%.
Ở chiều ngược lại, ước tính tháng 01/2022 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01/2022 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức xuất siêu sang EU ước đạt 2,1 tỷ USD. EU cũng là khu vực thị trường lớn duy nhất có xuất siêu. Kết quả này là nhờ lực đẩy rất lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Tiếp theo là các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản.
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình thực thi các FTA trong 2 năm gần đây đạt kết quả tích cực. Nguyên nhân ngoài việc thị trường nước ngoài phục hồi, cầu tiêu dùng phục hồi lại, còn là việc thực thi khá hiệu quả các FTA, đặc biệt FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA.
Cụ thể, với EU, ngay từ năm đầu tiên thực thi EVFTA đã thu những kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2020, thị trường EU đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng trong 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (tháng 8-12/2020) có mức tăng trưởng dương, thay vì tăng trưởng âm trước đó, đạt 3,8%. 7 tháng tiếp theo đạt mức tăng trưởng 17,8%. Đầu năm 2022, xuất khẩu sang EU tiếp tục duy trì tăng trưởng. Đó là những hiệu quả bước đầu mà EVFTA mang lại.
Tháng 01/2022 ước tính nhập siêu 500 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Nhiều giải pháp cho xuất nhập khẩu năm 2022
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét, nhiều nước tập trung phát triển sản xuất, thương mại nội địa. Xung đột thương mại vẫn là nguy cơ trên toàn cầu.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận xuất nhập khẩu còn những yếu tố thiếu bền vững. Quy mô xuất khẩu tăng cao, tuy nhiên giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Tỷ trọng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước ngoài trong tổng xuất khẩu còn thấp. Trong cơ cấu xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu đất liền thì hình thức trao đổi thương mại biên giới còn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến ùn tắc cục bộ.
Theo đó, trong năm 2022, cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Các chính sách cũng phải đề ra giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục đảm bảo việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản nội luật hoá các cam kết quốc tế có tiến độ và chất lượng. Trong công tác tham mưu cần chú trọng tính kịp thời, tính dự báo, tăng chất lượng tham mưu, đưa ra các giải pháp khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, phối hợp với các địa phương để tham mưu điều chỉnh chiến lược ngành hàng, lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh của địa phương để đưa vào kế hoạch phát triển thương mại và công nghiệp, quy hoạch kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các cam kết quốc tế; thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.
Đặc biệt, phối hợp để thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu vào các thị trường lớn, thị trường đối tác FTA.