(Vietnam Logistics Review)Nhìn lại 4 tháng đầu năm 2016, dù còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, trong đó có sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ không điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng.
Duy trì đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Công Thương, kinh tế nước ta tháng 4.2016 và 4 tháng đầu năm 2016 đã có những chuyển biến tích cực. Dù tốc độ tăng trưởng không đạt như kỳ vọng và thấp hơn nhiều so với năm 2015 nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,9% và trong cả 4 tháng tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 10%, tồn kho ở mức thấp.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng trưởng cao từ 13,9%-21,4% như kim loại, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, giấy, xe có động cơ...
Nhiều DN trong ngành dệt may, da giày cho biết đã có đủ đơn hàng XK đến hết Quý II, thậm chí với một số DN, lịch sản xuất đã lên kín đến cuối năm và đây là tín hiệu lạc quan để các ngành này đạt mục tiêu kim ngạch XK đề ra năm 2016.
Đối với lĩnh vực xuất NK, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK ước đạt 52,87 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, NK ước đạt 51,4 tỷ USD giảm 1,2%. Xuất siêu khoảng 1,46 tỷ USD bằng 2,8% tổng kim ngạch XNK.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù, các thị trường XK chính không có biến động nhiều, giá hàng hóa giảm nhưng lượng của nhiều nhóm hàng hóa đều có chuyển biến tích cực.
Các nhóm hàng XK vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,7 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm tỷ trọng 12,7% trong tổng kim ngạch XK, trong đó, rau quả tăng 43,3%, nhân điều tăng 11,8%, cà phê tăng 10,7%, gạo tăng 10,3%. Kim ngạch XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 42,4 tỷ USD, tăng 8,8% và chiếm tỷ trọng khoảng 80,2%. Đa số các nhóm hàng có mức tăng nhẹ, trung bình khoảng 5%. Đơn cử như sản phẩm hóa chất tăng 2,5%, hàng dệt và may mặc tăng 6,2%, giày dép các loại tăng 4,8%.
Về số lượng XK, một số mặt hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản tăng mạnh từ trên 10%, thậm chí có nhóm hàng như rau quả tăng tới 43,3%, xăng dầu các loại tăng 90%, quặng và khoáng sản khác tăng 50,9%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm có giảm về lượng như sắn, chè, phân bón, than đá...
Về NK hàng hóa, trong tháng 4, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 14 tỷ USD, giảm 3,4% so với tháng 3.2016, trong đó, kim ngạch NK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng 4.2015. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 51,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, kim ngạch XK tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015 chủ yếu do kim ngạch XK giảm mạnh ở nhóm nhiên liệu khoáng sản. Bên cạnh đó, tháng 4 có nhiều ngày nghỉ lễ, do vậy, tổng giá trị XK tuy thấp hơn tháng 3 nhưng theo trị giá bình quân ngày làm việc thì giá trị XK /ngày của tháng 4 cao hơn tháng 3. Trị giá XK của các mặt hàng như nông sản, sản phẩm của các nhóm công nghiệp chế biến, nhiên liệu và khoáng sản trong 4.2016 bắt đầu có xu hướng tăng dần so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế VN, trong khi hoạt động sản xuất các DN VN vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu NK, thì con số thống kê đầu năm cho thấy một tín hiệu đáng mừng là sự hồi phục của một số ngành kinh tế. Điều này chứng tỏ năng lực XK của các DN hiện nay đã tương đối ổn định trở lại, hàng hóa của VN ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn, biến động, nhất là giá dầu. Bên cạnh đó các mặt hàng XK mũi nhọn lâu năm như dệt may, da giày, điện thoại, nhóm hàng nông sản chủ lực vẫn đang rất tốt.
Quyết liệt các giải pháp
Theo ông Thái, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, mặc dù XK đã đạt được những con số tăng trưởng nhất định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Theo đó, XK vẫn chỉ dựa vào tăng trưởng về lượng chứ chưa phải chất, các sản phẩm ở dạng thô là chính chứ chưa được chế biến sâu, nghĩa là giá trị gia tăng còn thấp. Mặt khác, dù xuất siêu nhưng phần lớn thành tích thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài và với những sản phẩm gia công.
Vì vậy để duy trì tốt cán cân thương mại, ổn định nền kinh tế và tận dụng tốt những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, chúng ta vẫn cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Trước hết là hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa cho DN duy trì mở rộng sản xuất, XK; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng chất lượng sản phẩm thương hiệu; gia tăng giá trị hàng hóa để có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường truyền thống song song với việc tiếp cận, thâm nhập các thị trường mới.
Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN XK tiếp cận với các nguồn tín dụng thuận lợi, tỷ giá sao cho linh hoạt phù hợp, khuyến khích được việc XK.
Mặt khác, bản thân các DN cần tận dụng sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thông qua việc hình thành chuỗi liên kết, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường đưa ra.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh XK.
Bên cạnh việc thực hiện triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12.3.2015 của Chính phủ, thì một trong những nhiệm vụ được triển khai mạnh mẽ nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đưa ra giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã có FTA; chủ động, tích cực trong đàm phán FTA nhằm mở rộng thị trường XK.