AEC và giải pháp cho xuất khẩu gạo Việt Nam

26/10/2016 14:11

(VLR) (Vietnam Logistics Review) AEC đã hình thành và chính thức đi vào hoạt động đặt Việt Nam và các nước trong khu vực trước những cơ hội và thách thức to lớn, đòi hỏi ngành gạo xuất khẩu Việt Nam cần có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ, phối hợp, tự hoàn thiện để cạnh tranh được dưới sức ép của hội nhập sâu rộng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời gian tới.

(Vietnam Logistics Review) AEC đã hình thành và chính thức đi vào hoạt động đặt Việt Nam và các nước trong khu vực trước những cơ hội và thách thức to lớn, đòi hỏi ngành gạo xuất khẩu Việt Nam cần có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ, phối hợp, tự hoàn thiện để cạnh tranh được dưới sức ép của hội nhập sâu rộng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong ASEAN

Nhiều năm qua, thị trường ASEAN luôn chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các nước trong khối có phần sụt giảm do nhu cầu giảm từ các khách hàng chính như Indonesia, Philippines và Malaysia. Lượng xuất khẩu giảm nhiều nhất vào năm 2013 - chỉ với 1,5 triệu tấn so với 3,8 triệu tấn của năm 2012. Giai đoạn 2014-2015, tình hình được cải thiện đáng kể song khối lượng gạo xuất khẩu vào thị trường này vẫn chưa đạt mức trên 3 triệu tấn như trước đây.

Về cơ cấu gạo xuất khẩu: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu loại gạo đã xát hay là gạo trắng (chiếm khoảng 98%), bao gồm gạo trắng cấp thấp (25% tấm), gạo cấp trung bình (15-20% tấm), gạo cao cấp (3-10% tấm). Kim ngạch xuất khẩu các loại gạo khác như gạo thơm các loại, gạo nếp, gạo lứt không nhiều. Hiện nay, gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo tẻ hạt dài, chất lượng trung bình được sản xuất hầu hết từ ĐBSCL.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu: Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines luôn chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Malaysia và Indonesia là thị trường lớn thứ 2 và thứ 3 do thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi cho phát triển trồng lúa. Là một nước công nghiệp ít chú trọng nông nghiệp nên nhu cầu nhập khẩu của Singapore về lương thực rất lớn. Thị trường này đứng ở vị trí thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo ASEAN từ Việt Nam.

AEC và cơ hội cho xuất khẩu gạo

AEC được thành lập dự kiến là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các DN trong khu vực ASEAN nói chung và các DN Việt Nam nói riêng. Đối với mặt hàng gạo xuất khẩu, Việt Nam có khá nhiều thuận lợi, cụ thể:

Gạo xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế về giá cả: Nhờ ưu thế giá rẻ, gạo thơm của Việt Nam đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường quan trọng. Ví dụ như nhờ vào những chính sách, cam kết khi hội nhập khu vực, cuối năm 2015, thị trường gạo Việt Nam đã thu hút thêm thị trường Singapore – một thị trường có nhiều tiềm năng.

Thị trường gạo xuất khẩu được mở rộng: Hiện nay, gạo Việt Nam chiếm lĩnh 77% thị trường gạo tại Philippines, và chiếm lĩnh 30% ở Malaysia. Vì vậy, mặt hàng gạo Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế phát triển khi khu vực AEC hình thành bởi sự tự do hóa dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và đầu tư lớn hơn.

Cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN xuất khẩu gạo: Việc kết nối và xây dựng một ASEAN thống nhất, bớt chia cắt hơn sẽ khiến các nhà đầu tư lớn nhìn ASEAN như một sân chơi chung, một công xưởng chung. AEC cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh từ thủ tục hải quan, hành chính cho tới việc tạo ra ưu đãi đầu tư, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng.

AEC và thách thức cho xuất khẩu gạo

Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, cơ cấu sản phẩm chưa đa dạng: Đã từ lâu, gạo Việt Nam bị đánh giá thấp về chất lượng so với đối thủ cạnh tranh. Không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay thị trường nội địa, các loại gạo Việt cũng khó cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm gạo khác; nhất là khi mở cửa thị trường, hàng hóa có thể
di chuyển dễ dàng hơn giữa các nước trong cộng đồng ASEAN.

Chi phí sản xuất gạo xuất khẩu hiện còn ở mức cao trong khi ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu gạo. Nguyên nhân là do chi phí ngành hỗ trợ liên quan tăng, chi phí lao động cao, năng suất thấp. Lợi thế so sánh của các nước trong khu vực là gần giống nhau. Chúng ta đang dựa vào nguồn nhân lực khá, giá rẻ nhưng có nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt với Lào và Campuchia…

Sức ép cạnh tranh lớn đối với thị trường gạo trong nước: Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào AEC là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước ASEAN - 6 ở quy mô vốn của nền kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động… Sau khi AEC có hiệu lực, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các nước ASEAN, nguy cơ mất đi thị trường nội địa là rất lớn.

Chưa có thương hiệu gạo quốc gia: Trong khi Thái Lan có thương hiệu gạo toàn cầu là Thai Hom Mali, thậm chí Campuchia cũng có gạo thơm Romduol, Myanmar có gạo thơm Paw San thì Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu gạo chất lượng thấp, giá rẻ và không có thương hiệu.

Giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo

Hợp tác với các quốc gia xuất khẩu gạo lớn để chiếm lĩnh thị trường

Việc hợp tác với các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trong khối là cần thiết vì đa số các nước trong liên minh xuất khẩu gạo là các nước đang phát triển; cần liên kết lại tạo thành một liên minh vững mạnh trên trường quốc tế. Khi tham gia liên minh này, Việt Nam sẽ cải tạo được hệ thống sản xuất gạo, tiếp thu công nghệ chế biến gạo và học hỏi kinh nghiệm của các thành viên khác trong việc xúc tiến quảng bá gạo.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo

Đối với mặt hàng lương thực thực phẩm như gạo, người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cao. Khi đó những thương hiệu gạo nổi tiếng sẽ được tin dùng và tiêu thụ nhiều hơn. Do vậy để phát triển tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, Việt Nam cần phải xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu và nâng cao hơn nữa chất lượng của mặt hàng gạo.

Tổ chức và tái cấu trúc sản xuất nhằm hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên nên nhiều năm qua, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, tạo thu nhập và việc làm cho nông dân, tăng thu ngoại tệ. Song, ngành lúa gạo còn nhiều hạn chế về chất lượng, sức cạnh tranh thấp, tổ chức sản xuất và xuất khẩu còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém, giá trị xuất khẩu không lớn, hiệu quả chưa cao và chưa tương xứng với vị thế xuất khẩu. Vì vậy, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
AEC và giải pháp cho xuất khẩu gạo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO