Ai là chủ hàng theo vận đơn khi hàng hóa được mua đi bán lại?

04/12/2017 14:44

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Người giao nhận, người kinh doanh dịch vụ logistics khi hoạt động với tư cách “người vận chuyển” hoặc “người vận chuyển thực tế” hay “người vận chuyển theo hợp đồng” trong trường hợp phải bồi thường cho một lô hàng được mua đi bán lại cần hết sức thận trọng khi xác định người có quyền khiếu nại theo vận đơn để tránh tình trạng bồi thường nhầm, nhất là với số tiền lớn, thường dẫn đến thiệt hại nặng nề.

(Vietnam Logistics Review)Người giao nhận, người kinh doanh dịch vụ logistics khi hoạt động với tư cách “người vận chuyển” hoặc “người vận chuyển thực tế” hay “người vận chuyển theo hợp đồng” trong trường hợp phải bồi thường cho một lô hàng được mua đi bán lại cần hết sức thận trọng khi xác định người có quyền khiếu nại theo vận đơn để tránh tình trạng bồi thường nhầm, nhất là với số tiền lớn, thường dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Vụ án về chủ hàng kiện người vận chuyển cách đây chưa lâu - người vận chuyển là một công ty vận tải biển hàng đầu thế giới nhưng đã bồi thường nhầm - cho thấy rất cần thận trọng khi xác định người có quyền khiếu nại, đó là vụ “Carlos Soto Sau and another” kiện “AP Møller-Maersk AS” (SFL Hawk) 2015 EWHC 458 (Comm), theo tài liệu của Ince & Co, Ted Graham, Partner, ngày 25.6.2015, được nêu dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Tòa Thương mại gần đây đã ra phán quyết về một vụ kiện đòi bồi thường tổn thất hàng hóa, bao gồm cả vấn đề xác định ai là chủ hàng trong trường hợp có nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng trong đó chỉ có một hợp đồng nêu quyền từ chối nhận hàng (right of rejection). Trong trường hợp này, Tòa cho rằng người mua sau cùng (ultimate buyer) thuộc hợp đồng cuối cùng của chuỗi hợp đồng có quyền sở hữu đối với hàng hóa và được coi là người mua có thiện ý (good faith purchaser). Vụ án này nêu bật một số khó khăn có thể nảy sinh khi nhiều hợp đồng liên quan không được ký kết trên cơ sở giáp lưng (back-to-back terms).

Sự việc

Vào tháng 10.2012, PT Awindo International (A) đồng ý bán một lô hàng cá kiếm đông lạnh theo điều kiện CFR cho Fishco BVBA (B) - người ký một hợp đồng bán tiếp (on-sale) cho Carlos Soto Sau (C). Hợp đồng giữa A và B có điều khoản rằng trong trường hợp cơ quan kiểm dịch của cảng biển từ chối, không cho phép nhập cảnh lô hàng này thì A phải hoàn trả cho B 100% số tiền ghi trên hóa đơn (điều khoản từ chối - rejection clause), và B có quyền hủy bỏ thư tín dụng (L/C) đã mở, với điều kiện phải xuất trình giấy chứng nhận từ chối (rejection certificate) cho ngân hàng trong vòng 45 ngày kể từ ngày giao hàng (date of shipment). Hợp đồng mua bán hàng giữa B và C không có điều khoản từ chối như vậy nhưng thanh toán cũng bằng L/C.

Vào tháng 11.2012, một vận đơn theo mẫu tiêu chuẩn (standard form b/l) đã được ký phát, có ghi A là người giao hàng (shipper), người nhận hàng là “theo lệnh” - to order và C là bên thông báo (notify party). Vào tháng 12.2012, lô hàng đã bị cơ quan kiểm dịch của cảng biển từ chối, không cho nhập cảnh với lý do là không phù hợp với sức khỏe con người. Do đó, B đã hủy bỏ L/C theo điều khoản từ chối. Tuy vậy, người nhận hàng là C vẫn nhận hàng và thanh toán đầy đủ tiền hàng cho B.

Sau đó, A đã khiếu nại Maersk (Người vận chuyển) với kết quả là đạt được thỏa thuận giải quyết sự việc giữa Maersk và A, theo đó, A cam kết rằng họ là người hợp pháp (lawful holder) có quyền giữ vận đơn và không bên nào khác có quyền khởi kiện. Sau khi thanh toán đầy đủ tiền hàng, C đã yêu cầu Maersk bồi thường theo vận đơn trên cơ sở giá thị trường của lô hàng, trừ đi chi phí hợp lý và cộng với chi phí liên quan (handling costs) tại cảng. C cho rằng cam kết của A nêu trong thỏa thuận giải quyết sự việc đã vi phạm quy định của vận đơn và khẳng định rằng họ (C) là người có quyền khởi kiện và đòi bồi thường thiệt hại theo vận đơn.

Những vấn đề trước tiên mà Tòa phải xem xét và quyết định là: (i) tại mọi thời điểm liên quan (at all relevant times) C có phải là chủ hàng hay không; và (ii) C có bị tổn thất gì do hậu quả của những thiệt hại đã nêu hay không?

Quyết định của Tòa Thương mại

Liên quan đến vấn đề đầu tiên, Tòa cho rằng C phải được coi là chủ hàng kể từ ngày họ nhận được vận đơn. Tòa chỉ ra rằng, theo một hợp đồng CFR, vấn đề chuyển quyền sở hữu tài sản tùy thuộc vào “ý định thực sự” (actual intention) của người bán. Tuy vậy, Tòa cũng lưu ý rằng, tuy việc chuyển giao vận đơn là bằng chứng suy đoán cho ý định chuyển giao quyền sở hữu tài sản nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Tòa nhận thấy rằng, trong trường hợp này, không có ý định chuyển quyền sở hữu hàng hóa từ A sang B cho đến khi A nhận được tiền hàng theo hợp đồng do B thanh toán. Điều này dựa trên quyền của B theo điều khoản từ chối.

Tuy vậy, Tòa cũng ghi nhận tác động của phần 25 (1) (s.25 (1) của Luật Mua bán hàng hóa năm 1979, bao gồm tình huống người mua đã được người bán cho phép sở hữu hàng hóa (take possession of the goods) hoặc chứng từ sở hữu trước khi chuyển giao hàng hóa và sau đó bán lại, với điều kiện là thực sự có giao hàng hoặc chứng từ sở hữu và người mua mới - người nhận hàng một cách thiện ý (in good faith) nhưng không biết là có thông báo về quyền của bên thứ ba đối với hàng hóa - sẽ là người có quyền sở hữu hàng hóa.

Tòa án cho rằng C có quyền dựa vào s.25 (1) để có cơ sở được coi là chủ hàng. Theo s.25 (1), vận đơn đã được C nhận một cách thiện ý và không biết bất kỳ thông báo nào về quyền lưu giữ hàng (lien) hay quyền nào khác của A đối với hàng hóa. Thực tế là C có nhận được một phiếu đóng gói (packing list) nêu điều khoản từ chối trong hợp đồng giữa A với B nhưng như vậy không đủ để coi như C đã được thông báo về khả năng A không chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa. Vấn đề thứ hai là quan hệ nhân quả (causation). Tòa án cho rằng vi phạm hợp đồng của Maersk là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất cho C. B không bồi thường cho C khi B hủy bỏ, không mua hàng của A không phải là một hành động có liên quan đủ để phá vỡ chuỗi nhân quả và để cho Maersk thoát trách nhiệm.

Bình luận

Người vận chuyển và các hội bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu (P & I Clubs) khi giải quyết khiếu nại về tổn thất hàng hóa phải luôn luôn yêu cầu được xem vận đơn gốc (original bill of lading) và kiểm tra để biết vận đơn nêu tên ai là người có quyền khiếu nại hay đã được ký hậu cho người khác có quyền đó. Nếu người khiếu nại không thể cung cấp các bản vận đơn gốc, trừ khi vận đơn đã được nộp để nhận hàng, thì càng cần phải lưu ý đến vấn đề này.

Tuy vậy, ngay cả khi người khiếu nại có thể đưa ra một bản vận đơn như vậy, thì vẫn luôn luôn có khả năng các bên khác có quyền lợi về hàng hóa có thể tìm cách kiện người vận chuyển. Vì vậy, mọi giải quyết bồi thường đều phải có cam kết của người khiếu nại về việc phải bồi hoàn cho người vận chuyển nếu có tranh chấp xảy ra.

Cẩn thận hơn nữa là khi tranh chấp với số tiền lớn và khó có khả năng bồi thường thì người vận chuyển nên yêu cầu được xem hợp đồng mua bán hàng hóa và các thư từ giao dịch có liên quan để yên tâm rằng mình đang giải quyết khiếu nại với bên duy nhất có thể khởi kiện.

Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên VIAC


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ai là chủ hàng theo vận đơn khi hàng hóa được mua đi bán lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO