Theo đó, tàu cao tốc có tên Thăng Long của Phú Quốc Express sẽ khởi hành từ Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM bắt đầu vào 6 giờ sáng, đến Cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau 5 giờ hải hành trên quãng đường 124 hải lý (230km).
Theo ông Vũ Văn Khương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc, để chuẩn bị cho tuyến này, từ năm 2022, Phú Quốc Express đã đóng mới và hạ thủy siêu tàu cao tốc Thăng Long với sức chứa đến 1.017 hành khách, với nhiệm vụ chuyên chở hành khách từ TP.HCM đi Côn Đảo. Tàu cao tốc Thăng Long do các kỹ sư Việt Nam thực hiện dựa trên ứng dụng những công nghệ mới nhất của quốc tế.
Tàu được đóng tại Hải Phòng, có chiều dài 77,46m, bao gồm 4 tầng, trong đó 2 tầng dành cho các khoang khách Eco, 1 tầng dành cho khoang khách VIP và tầng còn lại được có bố trí một không gian ở tầng trên cùng dành riêng cho các hoạt động cà phê, thư giãn. Giá vé từ thứ 2 đến thứ 5 là 880.000 VNĐ/chiều và thứ 6, thứ 7 và chủ nhật là 980.000 VNĐ/chiều, riêng vé VIP là 1.100.000/chiều.
Theo kế hoạch trước đó, tàu cao tốc Thăng Long sẽ được đưa vào sử dụng cho tuyến TP.HCM - Côn Đảo nhưng do chờ hoàn tất một số thủ tục nên đơn vị phải đưa vào khai thác tạm ở tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngay sau khi Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng Hải Việt Nam đã chấp thuận đề xuất cho phép khai thác thử nghiệm tuyến vận tải hành khách bằng tàu biển trên tuyến TP.HCM - Côn Đảo, Phú Quốc Express với kế hoạch chuẩn bị từ trước đã dừng khai thác, vận hành siêu tàu Thăng Long tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo để thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng tàu (bao gồm cả bảo dưỡng thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ theo nhà sản xuất các hệ thống động cơ truyền động, hệ thống lái, thông gió...) để đảm bảo an toàn khi vận hành tàu với hiệu suất cao nhất để đưa tàu Thăng Long vào hoạt động trên tuyến mới từ TP.HCM đi Côn Đảo và ngược lại.
Được biết, Phú Quốc Express đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Sở Giao thông vận tải, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn Hiệp Phước... hoàn tất thủ tục công bố tuyến, công bố đầu bến hoạt động ở Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và bố trí nhà ga để phục vụ hành khách. Đồng thời triển khai kết nối tuyến xe buýt và các tuyến vận tải hành khách khác từ trung tâm TP.HCM đến khu bến cảng Sài Gòn Hiệp Phước, huyện Nhà Bè tạo điều kiện thuận lợi cho khách đi tàu.
Theo ghi nhận của chúng tôi tuyến đường biển này không chỉ là kết quả của sự hợp tác giữa Phú Quốc Express và các ban ngành tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là kết quả giữa sự chuẩn bị và nỗ lực làm việc liên tục từ các đơn vị liên quan trong thời gian qua.
Việc đưa tuyến tàu này vào hoạt động không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển giao thông đường thủy của TP.HCM mà còn đóng góp vào việc gìn giữ và phát triển văn hóa, lịch sử của Côn Đảo và của toàn ngành du lịch. Hy vọng rằng tuyến tàu này sẽ nhận được sự ủng hộ và quan tâm từ cộng đồng và trở thành một phương tiện vận chuyển phổ biến và được yêu thích trong thời gian tới".
Theo thông tin cho biết, ngày 24/5 vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chủ trì và cùng với các cơ quan liên quan và yêu cầu các doanh nghiệp tích cực phối hợp, giải quyết dứt điểm các thủ tục còn thiếu để đưa tuyến tàu vào hoạt động đúng theo kế hoạch dự kiến. Hiện tại, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hiện chỉ có chức năng là cảng hàng hóa, nên Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã cùng doanh nghiệp đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho phép thí điểm bổ sung chức năng cảng hành khách tại bến cảng này để tàu cao tốc có thể đưa vào khai thác.