Bà Rịa - Vũng tàu có đủ lợi thế để trở thành trung tâm dịch vụ Logistics tầm cỡ quốc tế

Hồng Út|01/01/1970 08:00

(VLR) Ngày 30-3, tại TP. Vũng Tàu, diễn đàn "Logistics và dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế" do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức.Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu, với những lợi thế về cảng nước sâu, có đủ lợi thế để xây dựng thành một đô thị cảng biển với các trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển tầm cỡ quốc tế.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, phát triển logistics và dịch vụ cảng biển là điều kiện cơ bản để xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một đô thị cảng biển trong tương lai. Để thực hiện Chiến lược phát triển logistics và dịch vụ cảng biển cần sự đồng lòng, nhất trí của các bộ, ngành Trung ương, cũng như các cấp, các ngành tại địa phương về chính sách đầu tư, cơ chế thực hiện cũng như quyết tâm của nhà đầu tư. "Thông qua diễn đàn này, với những ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ logistics, kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nhận được nhiều giải pháp thiết thực, khả thi để phát triển dịch vụ logistics và cảng biển trong thời gian tới" - ông Trần Minh Sanh nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường, cảng biển được coi là một mắt xích quan trọng không thể thiếu, do vậy sự thiếu hụt hay yếu kém của cảng biển và các dịch vụ hậu cần sau cảng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho hoạt động logistics. Trong những năm gần đây, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn, hệ thống cảng biển ở Việt Nam đã và đang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn và trang thiết bị xếp dỡ tiên tiến, hiện đại. Một số dự án đã được đưa vào sử dụng trong năm 2009-2010 như cảng SP-PSA tiếp nhận tàu 12 vạn DWT, dịch vụ tàu chạy thẳng từ Việt Nam sang Mỹ và Canada; cảng Cái Mép Thượng tiếp nhận tàu từ 8 đến 10 vạn DWT...Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ logistics ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển, còn bộc lộ rất nhiều bất cập, yếu kém.

Ông Nguyễn Hồng Trường chỉ ra những yếu kém trong hoạt động logistics hiện nay, đó là Việt Nam hiện có khoảng 800 doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực logistics, một con số không nhỏ so với các quốc gia trong khu vực. Nhưng các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng một phần tư nhu cầu thị trường nội địa. Chênh lệch trình độ chuyên môn giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khá lớn. Ông nói: "Hầu hết doanh nghiệp logistics chỉ có quy mô nhỏ. Đã vậy, giữa các doanh nghiệp lại chưa có sự liên kết, dẫn đến tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. Ông Trường cho biết: "Các doanh nghiệp chẳng những không liên kết, mà thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, thể hiện qua việc chụp giựt và hạ giá để lôi kéo khách hàng, trong khi chất lượng dịch vụ thì không rõ ràng, tạo nên những tiền lệ xấu trong hoạt động logistics".

show_image_NpAdvMainFea

show_image_NpAdvMainFea

Vào lúc 8 giờ sáng 30-3, tàu container CMA CGM Columba lớn nhất từ trước tới nay đến Việt Nam (tải trọng 131.263DWT) đã cập cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT). Đây là cảng mới đưa vào hoạt động, có thể tiếp nhận tàu lớn nhất thế giới, với hệ thống cẩu bờ Post-Paramax loại siêu lớn, tầm với lên tới 22 hàng. Ảnh: Thành Huy.

Một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành dịch vụ này là hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Điều này làm cho chi phí logistics của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước khác. Các doanh nghiệp logistics phải tốn nhiều chi phí đầu tư, làm giảm lợi nhuận, cũng như khả năng mở rộng dịch vụ. Hệ thống cảng biển cũng còn nhiều hạn chế, các bến cảng chủ yếu là cảng tổng hợp và chuyên dùng, cảng container còn ít nên chỉ đáp ứng cho tàu có trọng tải dưới 5 vạn DWT ra vào làm hàng. Thêm vào đó, việc phát triển logistics điện tử chưa được quan tâm đúng mức, vai trò định hướng và hỗ trợ của Nhà nước chưa được thể hiện rõ nét...

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển dịch vụ Logistics, Việt Nam cần quan tâm đến việc hoàn thiện nguồn nhân lực logistics cả chiều rộng và chiều sâu; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải; Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dịch vụ logistics; Tăng cường vai trò và sự cộng tác chặt chẽ của các hiệp hội ngành nghề liên quan; Xây dựng và thực hiện lộ trình hội nhập nhanh ngành dịch vụ logistics trong ASEAN.

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, nhấn mạnh: "Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải phát huy tối đa những lợi thế của mình trong phân công lao động và hợp tác quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời khắc phục những tác động bất lợi có thể phải đối mặt trong quá trình hội nhập. Trong quá trình này, kinh tế biển nói chung và cảng biển nói riêng là một thế mạnh mà Việt Nam cần phải đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác".

Bài, ảnh: Phúc Minh - Thành Huy

3-a

3-a

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ VÕ ĐẠI LƯỢC: CẦN XÂY DỰNG CẤP CHÍNH QUYỀN QUẢN LÝ HỆ THỐNG CẢNG

Theo tôi, để trở thành một tỉnh đi đầu cả nước trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ logistics, Bà Rịa - Vũng Tàu cần được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê một tập đoàn tư vấn quốc tế hàng đầu quy hoạch toàn bộ vùng ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có hệ thống cảng biển. Xây dựng một đặc khu kinh tế gắn với các cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có một cơ chế mở cùng bộ máy quản lý tinh gọn, hiện đại hơn. Về lâu dài có thể tính tới xây dựng TP.Vũng Tàu thành đô thị quốc tế theo mô hình đô thị quốc tế Inchon của Hàn Quốc. Xây dựng một cấp chính quyền cảng thống nhất quản lý toàn bộ hoạt động của cảng. Quy hoạch phát triển một tuyến giao thông phát triển liên hoàn từ TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu./.

3-b

3-b

ÔNG NGUYỄN TƯƠNG, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ, BỘ GIAO THÔNG - VẬN TẢI: CẦN XÂY DỰNG MỘT CHIẾN LƯỢC RIÊNG VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS

Hiện nay, Việt Nam chưa có một chiến lược phát triển dịch vụ logistics, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu cần xây dựng một chiến lược riêng của tỉnh đến năm 2020 với những mục tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó xác định những lĩnh vực logistics mà tỉnh cần tập trung phát triển trước nhằm nâng cao hiệu quả của toàn bộ hệ thống hoạt động logistics trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới dựa trên các thế mạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chiến lược cần có lộ trình thực hiện cụ thể. Ngoài ra, để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics, Bà Rịa - Vũng Tàu nên kiến nghị với Chính phủ cho phép tỉnh có một cơ chế linh hoạt trong việc đưa ra các ưu đãi đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng./.

3-c

3-c

TIẾN SĨ ALOYSIUS LIM, CHUYÊN GIA TƯ VẤN CAO CẤP VỀ LOGISTICS CỦA SINGAPORE: BẢO ĐẢM 3 YẾU TỐ CAM KẾT: NĂNG LỰC, HẠ TẦNG VÀ NGUỒN NHÂN LỰC

Theo kinh nghiệm của Singapore, để thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ logistics và cảng biển phải hội đủ 3 yếu tố: Thứ nhất là cam kết từ Chính phủ và khu vực tư nhân như: Ưu đãi thuế cho các công ty tàu biển quốc tế (AIS); Ưu đãi thuế cho các công ty trong nước cung cấp dịch vụ vận chuyển và logistics (ASL); Cho vay ưu đãi với tàu và container (MFI); Hỗ trợ nguồn nhân lực và phát triển kinh doanh từ Quỹ hội Hàng hải (MCF); Ưu đãi thuế cho các công ty uy tín cung cấp dịch vụ về vận chuyển và thuê tàu (SB&FFA). Thứ hai, về năng lực hạ tầng phải có các trung tâm về hàng không, hóa dầu, cung ứng và các kho lạnh. Cuối cùng là nguồn nhân lực, để phát triển đội ngũ này cần có sự kết hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Nâng cao kiến thức và chuyên môn của nhân viên hàng hải địa phương thông qua các chương trình đào tạo được phê duyệt./.

BÁO BÀ RỊA VŨNG TÀU ĐIỆN TỬ

TP Logistics


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng tàu có đủ lợi thế để trở thành trung tâm dịch vụ Logistics tầm cỡ quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO