Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam của nhà đầu tư Thái Lan với tổng vốn đầu tư 5,15 tỷ USD
“Quả ngọt” từ thu hút đầu tư FDI
Từ năm 1990, BR-VT đã bắt đầu tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên của cả nước. Cũng bắt đầu từ đó, tỉnh xác định mục tiêu phát triển các khu công nghiệp (KCN), thu hút đầu tư trong và ngoài nước đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Đến năm 1996, 2 KCN đầu tiên được thành lập ở tỉnh này là Đông Xuyên và Mỹ Xuân A, quy mô 290ha, sau 4 năm toàn tỉnh đã có 6 KCN, diện tích 2.500ha. Hiên nay, BR-VT đã quy hoạch và đầu tư 15 KCN với diện tích 8.510ha và 53 bến cảng tổng hợp, cảng container. Các KCN trên địa bàn tỉnh hầu hết nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu, rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Các dự án đầu tư trên địa bàn với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực, công tác thu hút đầu tư cũng được định hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số dự án quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ… Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường quốc tế; đồng thời tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.Sau 30 năm với nhiều chính sách thu hút đầu tư có hiệu quả, đến nay, trên toàn tỉnh đã có 415 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 30 tỷ USD từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có một số quốc gia có vốn FDI lớn như Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp… Nhiều năm qua, BR-VT luôn là địa phương đứng trong tốp 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Các dự án này thường có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, tập trung chính vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, sản xuất công nghiệp...
Các chính sách đầu tư có chọn lọc của tỉnh
Với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào chất lượng dự án, tỉnh BR-VT đặc biệt quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; công khai những chủ trương lớn về thu hút đầu tư như: việc thu hút đầu tư phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các tập đoàn kinh tế lớn, đến từ các nước có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên thu hút một số ngành có lợi thế của tỉnh như logistics, công nghiệp hỗ trợ về cơ khí chế tạo, du lịch…; không khuyến khích các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, thâm dụng lao động phổ thông, gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, chỉ những dự án đầu tư nào đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững về kinh tế và đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường thì mới mời gọi, những dự án nào đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh thì phải xem xét, thậm chí sẽ kiên quyết từ chối.
BR-VT đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín
Nói về chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết: “Với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, số lượng dự án FDI không nhiều như kỳ vọng, nhưng chất lượng, hiệu quả đầu tư các dự án đã tăng lên rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Đồng thời, BR-VT đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín”.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh BR-VT đặt mục tiêu thu hút mới 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD và 185 dự án đầu tư trong nước với tổng khoảng 100.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết kịp thời những kiến nghị và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp như: Cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công tác tiếp xúc doanh nghiệp theo từng chuyên đề, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng, đổi mới sáng tạo…
Đưa cảng biển, dịch vụ logistics thành trụ cột của nền kinh tế
Trong thời gian tới, BR-VT đặt trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thu hút đầu tư gắn liền với thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, huy động mạnh mẽ các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, tỉnh BR-VT rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm ngành công nghiệp có mối liên kết với nhau, tạo chân hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV); thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Mặt khác, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển dịch vụ logistics, kho vận đáp ứng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng.
Hiện nay, cụm cảng CM-TV đã có 22 dự án đi vào hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến đạt 9.947m, đã có 7 dự án cảng container đi vào hoạt động, công suất thiết kế đạt 6,8 triệu TEU/năm. Với lượng hàng tăng trưởng liên tục, CM-TV là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, đã vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019.
Cảng CMIT đang đầu tư thêm cẩu bờ siêu to để tăng năng lực khai thác
Tin tưởng vào sự tăng trưởng bứt phá của BR-VT trong thời gian tới, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đang đầu tư thêm cẩu bờ siêu lớn và nhiều trang thiết bị hiện đại khác để tăng thêm năng lực khai thác của cảng. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT cho biết: “Việc đầu tư thêm cẩu bờ siêu lớn và các trang thiết bị khác là bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng kinh doanh khai thác cảng. Điều này giúp CMIT chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng tốt hơn tiềm năng tăng trưởng ngoại thương mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian sắp tới”.
Cùng với cảng biển, dịch vụ logistics của tỉnh BR-VT cũng từng bước phát triển mạnh. Ngoài hệ thống cảng bến thủy nội địa, đến nay toàn tỉnh có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm đất khoảng 224 ha. Công tác quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ đã hoàn thành sẽ là cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, kết nối BR-VT vào chuỗi cung ứng toàn cầu.