Đột phá phát triển

Ngày 16/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định này, một trong các đột phát phát triển của BRVT là “Phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải - Cái Mép thành Cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế”.

Với sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh BRVT đã bắt tay vào triển khai đồng loạt những phần việc rất đồ sộ. Đó là xây dựng Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ 1.700 ha tại thị xã Phú Mỹ, lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung khu vực Cái Mép - Thị Vải (CMTV).

Cách đây gần một năm (ngày 29/10/2023), Kho cảng khí thiên nhiên LNG đầu tiên của Việt Nam do Tổng công ty Khí đầu tư trị giá 6.500 tỷ đồng, cung cấp lượng khí sạch cho sản xuất ở khu vực miền Nam chính thức đi vào hoạt động. Cũng trong tháng 10/2023, Cảng cạn Phú Mỹ - cảng cạn đầu tiên của tỉnh rộng 38 ha, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay tại khu vực CMTV do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng cũng chính thức vận hành, khai thác.

Trước đó, tỉnh BRVT đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng để đầu tư 10 dự án giao thông quan trọng có tính kết nối liên vùng và nội tỉnh. Quyết định này “đi trước, đón đầu”, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị.

Các dự án tiếp nối và dự án mới đang triển khai sôi động ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh BRVT. Đó là các công trình trọng điểm như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh trị giá gần 5.000 tỷ đồng (khởi công tháng 6/2023), đường 991B nối quốc lộ 51 với cảng hạ lưu Cái Mép có tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, cầu Phước An nối tỉnh BRVT với tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng, đường ven biển 994 với tổng vốn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng… Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ xóa thế độc đạo của QL51, sau khi hoàn thành thời gian chạy xe từ TP. Hồ Chí Minh đến BRVT được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.

Cụm cảng CMTV đã đón những con tàu lớn nhất thế giới sức chở tới 24.000 TEUs và cảng cũng được đầu tư những công nghệ tiên tiến của thế giới, nhưng yếu điểm là còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết các cảng, chưa có những cảng lớn xứng tầm khu vực và quốc tế.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của cụm cảng biển CMTV, tháng 10/2023, Hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC (Mediterranean Shipping Company) đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ để khai thác Cảng cạn Phú Mỹ. Sau đó, hãng tàu MSC đang làm việc với rất nhiều đối tác trong khu vực, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cảng biển, dịch vụ xà lan, ICD để kết nối, phục vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường này, ông Benoit de Quillacq thông tin.

Quy hoạch tỉnh BRVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xây dựng nhiệm vụ là hoàn thiện nhanh hạ tầng, thu hút đầu tư vào 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 7.242 ha; triển khai đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch với tổng diện tích 1.810 ha và bổ sung 7 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới với tổng diện tích là 6.850 ha; trong đó, đất công nghiệp là 4.795 ha. Đến năm 2030, tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch là hơn 16.052 ha; trong đó, đất khu công nghiệp quy hoạch hơn 13.847 ha.

Tập trung tháo gỡ chính sách

Theo lãnh đạo BRVT, hiện nay tỉnh đang tập trung phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển CMTV và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gồm Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sông Xoài, Khu logistics Phú Mỹ số 1 tại giao lộ đường 991 và đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Khu logistics Phú Mỹ số 2 tại giao lộ Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm logistics Bình Ba, hệ thống cảng cạn và một số trung tâm logistics quy mô vừa và nhỏ khác tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức.

Tại văn bản số 3/TB-VPCP ngày 6/1/2022, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy BRVT, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của tỉnh BRVT về chủ trương thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh BRVT và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm “cảng mở” tại cụm cảng container khu vực Cái Mép.

Thời gian qua Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định thí điểm quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển qua lại giữa các cảng trong cùng một cụm cảng (cảng mở). Theo đó, quyết định này sẽ quy định cụ thể phạm vi giới hạn và nguyên tắc bố trí khu vực cảng mở; hàng hóa thông qua khu vực cảng mở; vận chuyển hàng hóa từ cầu cảng vào khu vực cảng mở và ngược lại; xử lý hàng hóa trong khu vực cảng mở; thủ tục hải quan đối với hàng hóa thông qua khu vực cảng mở...

Trước đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và UBND tỉnh BRVT cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét áp dụng cơ chế cảng mở cho khu vực các bên cảng tại CMTV. Theo lãnh đạo VIMC, nhu cầu kết nối hàng hóa giữa các tàu cập tại các bến cảng khác nhau trong khu vực cảng Cái Mép là rất cao.

Để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, cần có cơ chế để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực CMTV (cơ chế “cảng mở”), nhằm tối ưu hóa công suất khau thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến như hiện nay, giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực này.

Hoạt động của cảng mở dựa trên hệ thống CNTT kết nối với các cảng hiện hữu và dữ liệu của hải quan để đảm bảo kiểm soát hàng hóa trong cảng mở hoàn toàn chính xác. Hàng hóa vận chuyển trong cảng mở không phải mở tờ khai chuyển tiếp và niêm phong kẹp chì. Đơn vị vận hành cảng mở cung cấp phương tiện vận chuyển đặc thù chạy nội bộ trong phạm vị cảng mở với thiết kế nhận diện riêng, thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và giám sát hàng hóa luân chuyển trong cảng mở. Trách nhiệm của đơn vị vận hành cảng mở tương tự như một chủ cảng, đảm bảo hàng hóa nguyên container, nguyên chì từ cảng nhận đến cảng đích trong phạm vi cảng mở.

Cơ chế cảng mở không làm thay đổi phương thức quản lý hàng hóa tại mỗi bến cảng, tại mỗi chi cục hải quan. Các chi cục hải quan trong khu vực cảng mở chỉ bổ sung nghiệp vụ quản lý luân chuyển hàng hóa trong cảng mở thông qua hệ thống CNTT và phương tiện vận chuyển đặc thù của đơn vị vận hành cảng mở.

Tại Quyết định, Thủ tướng giao, các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ... phối hợp với UBND tỉnh BRVT trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch. Ngoài thu hút đầu tư, đa dạng nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách có ý nghĩa quan trọng.

Bài liên quan
  • Ba Ria – Vung Tau: Realizing the advantages of seaports
    According to Decision 442/QD-TTg, which approved the adjustment of the overall planning of the Vietnam seaport system for the period 2021-2030, with a vision to 2050 (dated May 22, 2024), the Ba Ria - Vung Tau (BRVT) seaport belongs to group No. 4 seaports in the key southern economic region.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa Vũng Tàu, trung tâm logistics của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO