Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) với tư cách là một đơn vị hành chính cấp tỉnh xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ năm 1991; tuy nhiên lịch sử vùng đất này được khai phá từ cuối thể kỷ 17. Năm 1698, Phủ Gia Định được thành lập gồm 2 huyện Tân Bình và Phước Long; trong đó tổng Phước An nay là tỉnh BRVT. Và đến hôm nay, BRVT đã và đang là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ; TP.Vũng Tàu đã trở thành một nơi đáng sống.

Vùng đất giàu văn hóa

Không ai biết ai đã đặt tên “Bà Rịa” và “Vũng Tàu”. Theo huyền sử, xa xưa ở vùng đất này có một bà quê tên là Nguyễn Thị Rịa (1665 – 1759), từ Bình Định vào vùng Mô Xoài khai hoang lập nghiệp. Để ghi nhớ công ơn này, người dân địa phương lập đền thờ bà (ở xã Tam Phước, huyện Long Điền), và lấy tên bà đặt cho vùng đất mới được khai khẩn này. Bà Rịa có từ đó đến nay. Tất nhiên, còn nhiều kiến giải khác nhau. Riêng về “Vũng Tàu” thì dễ hiểu hơn, theo từ điển Tiếng Việt, “vũng” cũng có nghĩa là “vịnh” – là nơi cửa sông, gặp biển, nơi neo đậu và hoạt động của tàu thuyền.

Qua quá trình phát triển, nay BRVT có 8 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện với 82 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 29 phường, 6 thị trấn và 47 xã.

Theo điều tra dân số năm 2019, BRVT có gần 1,2 triệu người sinh sống; bao gồm 28 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và có 13 tôn giáo khác nhau. Đó là chưa nói đến người có quốc tịch nước ngoài đến BRVT đầu tư, kinh doanh và sinh sống. Chính vì thế, có thể nói, BRVT là vùng đất đa sắc tộc, đa văn hóa.

Vùng đất BRVT được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh độc đáo. Trải qua quá trình lịch sử hào hùng, lâu dài cùng với cả nước đấu tranh giành chính quyền, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nên hàng loạt dấu tích lịch sử cũng để lại trên mảnh đất này.

Về các lễ hội truyền thống ở BRVT thể hiện sự giao thoa màu sắc văn hóa của cả ba miền Bắc-Trung-Nam, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng nơi đây. Hiện nay, tỉnh có 12 lễ hội truyền thống, trong đó tiêu biểu là các lễ hội như Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Ông Trần - Nhà Lớn Long Sơn.

Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân BRVT mà còn là tiềm năng, tài nguyên vô giá để mở ra các hoạt động văn hóa du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng sống của nhân dân trong tỉnh.

Định hướng và tầm nhìn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra yêu cầu “...Tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”. Trong các giải pháp trọng tâm sau, có giải pháp về văn hóa.

Trước hết, Nghị quyết xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ, không được xâm phạm đến di tích, thắng cảnh. Tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý và bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt (nhà tù Côn Đảo) và công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đến nhân dân trên địa bàn nơi có di tích.

BRVT đã và đang tiếp tục lập hồ sơ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn đủ điều kiện đề nghị công nhận xếp hạng di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, có khả năng thu hút đầu tư đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển kinh tế.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc trưng bày các giá trị di sản văn hóa vật thể, giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình nghệ thuật biểu diễn tạo sức hấp dẫn khách du lịch trong nước và khách du lịch quốc tế.

Xây dựng kế hoạch phối hợp các chương trình quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa, các tour tuyến du lịch gắn với di sản văn hóa, nghệ thuật. Nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch thông qua các mạng xã hội. Xây dựng thí điểm mô hình liên kết hợp tác công - tư trong xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa. (Sản phẩm du lịch kết nối với bảo tàng, nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật...).

Nhận diện giá trị di sản, có các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, di sản, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể, theo lãnh đạo BRVT, các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển đã và đang được duy trì, phát triển thành các lễ hội văn hóa, du lịch, thu hút rất đông du khách về hành hương, tế lễ hằng năm, như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Lễ Trùng Cửu hay lễ hội Sayangva (thần Lúa) và Sayangbri (thần Rừng) của đồng bào dân tộc Chơ Ro.

Tỉnh BRVT đã xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết liên quan đến phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam trong tình hình mới; đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh BRVT, đặc biệt là những nét văn hóa, du lịch đặc sắc, di sản văn hóa tiêu biểu.

Cùng với sự phát triển chung của BRVT, Vũng Tàu với tư cách là đô thị biển, “mặt tiền” của tỉnh đã và đang hướng đến trở thành thành phố đáng sống, thành nơi đáng đến; ngày càng nâng cao lên tỷ trọng văn hóa, tinh thần trong chất lượng sống của nhân dân.

Bài liên quan
  • Bà Rịa Vũng Tàu: Văn hóa tiềm năng và dư địa phát triển
    Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) với tư cách là một đơn vị hành chính cấp tỉnh xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ năm 1991; tuy nhiên lịch sử vùng đất này được khai phá từ cuối thể kỷ 17. Năm 1698, Phủ Gia Định được thành lập gồm 2 huyện Tân Bình và Phước Long; trong đó tổng Phước An nay là tỉnh BRVT. Và đến hôm nay, BRVT đã và đang là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ; TP.Vũng Tàu đã trở thành một nơi đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa Vũng Tàu: Văn hóa tiềm năng và dư địa phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO