Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ thời cơ và thách thức

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)|16/11/2022 21:36

Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều lợi thế đón trước các xu thế phát triển của thời đại, trong đó, có phát triển kinh tế biển, kinh tế xanh lam.

ndo_br_image-6487327-4-9196.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị

Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là vùng có quy mô diện tích lớn nhất cả nước, bờ biển dài, tài nguyên biển, khoáng sản phong phú, có các trục giao thông huyết mạch kết nối 2 vùng kinh tế động lực lớn nhất cả nước và tiểu vùng Mê Kông.
Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có rất nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại: trong đó, với gần 1.200 km bờ biển có tiềm năng rất lớn tài nguyên gió, sóng với mật độ năng lượng gió khoảng 400-600W/m2, sóng 20-30 kW/m Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có thể dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hội nhập với “luật chơi mới”, các hàng rào tiêu chuẩn về môi trường, phát thải đối với sản phẩm khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu mới như hydro xanh và các khu công nghiệp xanh ven bờ; phát triển kinh tế dựa vào hệ sinh thái với lợi thế về rừng, đa dạng sinh học và các khu bảo tồn trên biển lớn nhất cả nước.
Là vùng có tiếp giáp với biển, cho nên có điều kiện phát triển kinh tế hướng biển, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ biển và đại dương đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh về kinh tế biển.
Trong đó, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; vùng có thể kết nối mở cửa thông với hành lang Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, tuyến hàng hải đứng thứ 2 trên thế giới và tiểu vùng Mê Công - ASEAN.
Tuy nhiên, bên cạnh các thời cơ và thuận lợi, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn:
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu cường độ, tần suất của loại hình thiên tai bão, lũ lụt, sạt lở đất, biển xâm thực, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt đe dọa nghiêm trọng tới đời sống người dân, các cơ sở kinh tế và tính bền vững của các công trình hạ tầng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu 1,53% diện tích chủ yếu là khu vực ven biển gồm hành lang kinh tế, đô thị, khu vực trọng điểm nông nghiệp có nguy cơ bị ngập lụt, xâm nhập mặn.
Lãnh thổ hẹp, địa hình dốc cùng với lượng mưa phân bố theo mùa dẫn đến tình trạng nguồn nước vừa thiếu, vừa thừa gây ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô. Theo tính toán cân bằng nước đến năm 2030 toàn vùng sẽ thiếu hụt khoảng 2,1 triệu m3, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô.
Tài nguyên đất đang bị suy thoái; toàn vùng có 1.345 nghìn ha đất nông nghiệp bị suy thoái ở mức trung bình đến nghiêm trọng và hơn 269 nghìn ha đất bị sa mạc hóa do thiếu nước. Vấn đề môi trường đang trở thành thách thức lớn trong tiến trình phát triển đặc biệt là môi trường biển, rác thải nhựa, chất thải rắn và nước thải; xảy ra xung đột về môi trường giữa các ngành kinh tế như công nghiệp, du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản.

z3885050412489_b7786835d6ce2febcd075db94a273a35.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26 nêu rõ: Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Từ mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng…

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Bài liên quan
  • Cảng biển Việt Nam với nhiều hy vọng phát triển
    Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, hệ thống giao thông hàng hải, nội thủy từ rất lâu đã đảm nhận vai trò là những tuyến vận tải huyết mạch của quốc gia. 10 tháng đầu năm 2022, hệ thống cảng biển thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, tiếp tục góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ thời cơ và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO