3 cảng biển Việt Nam lọt TOP 100
Bảng xếp hạng do Tạp chí hàng hải Lloyd's List của Anh vừa công bố. Cảng biển TP Hồ Chí Minh xếp thứ 22 trong danh sách, với sản lượng thông qua là 7,9 triệu Teus trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 1,3% so với năm 2020. Đây là cảng giữ vững vị thế trong bối cảnh kinh tế cả nước tăng trưởng còn chậm sau đại dịch.
Theo tạp chí này, Việt Nam có thể phát triển để nằm trong một chuỗi cung ứng chiến lược với cảng biển này. Tương lai của cảng biển TP Hồ Chí Minh có thể mở rộng hơn nữa và khu vực này cũng đang có những thay đổi quan trọng. Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần cảng biển TP Hồ Chí Minh với trị giá đầu tư dự kiến 6 tỷ USD nếu được phê duyệt có thể là cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tác dụng giao thương đáng kể với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, cảng biển Hải Phòng giữ vị trí thứ 38, có sản lượng hàng năm 2021 đạt 5,69 triệu Teus, tăng trưởng khoảng 10,8% so với năm đại dịch 2020. Lloyd’s List đánh giá tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa của cảng biển Hải Phòng năm 2021 đã tăng gấp đôi so với năm 2012.
Nhiều tuyến tàu container kết nối trực tiếp từ Hải Phòng đi các nước châu Á và Mỹ đã được hình thành, cũng như phát triển nhiều tuyến dịch vụ mới xuất phát từ cảng biển Hải Phòng trong thời gian qua như tuyến từ Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ, từ Việt Nam tới Tây Ấn Độ...
Các cảng biển tại đây cũng được đánh giá có sự tăng trưởng về lưu lượng hàng hóa. Trong đó, cảng Tân Vũ tại Lạch Huyện đạt sản lượng tốt nhất khi có hơn 1 triệu Teus thông qua trong năm 2021.
Tăng ấn tượng nhất là cảng Cái Mép khi vươn 10 bậc lên vị trí 32 trong bảng xếp hạng. Cảng biển Cái Mép có lượng hàng thông qua đạt 5,32 triệu Teus vào năm 2021. Cảng Cái Mép được nhận định là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng sau đại dịch khoảng 22%.
Sự tăng trưởng ấn tượng này được đánh giá là có được sau khi Cái Mép có thêm cảng Gemalink (với 25% cổ phần của hãng tàu lớn thế giới CMA-CGM) đi vào hoạt động. Cảng này được kỳ vọng sẽ đón được khoảng 1,4 triệu Teus thông qua trong năm 2022.
Tại Cái Mép, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã thông qua hơn 2 triệu Teus trong 2 năm liên tiếp và đón những chuyến tàu lớn. Trong khi đó, Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT lại đón những chuyến tàu của các hãng tàu lớn thế giới như Maersk Lines, Cosco, OOCL... với trọng tải tàu có thể tiếp nhận lên tới hơn 200.000 DWT.
Ngoài ra, 3 cảng biển này của Việt Nam cũng lọt 10 top cảng biển có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất Đông Nam Á.
Hy vọng phát triển ở thời quy hoạch mới
Đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã, đang được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu và quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế đất nước. Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch cũ đã kết thúc, Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ 1/1/2019 yêu cầu thực hiện các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới, do đó, việc lập Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam là cần thiết, làm cơ sở lập, phê duyệt các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để hệ thống cảng biển phát triển đồng bộ, liên tục trong quy hoạch tổng thể, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là những yêu cầu đang đặt ra.
Tháng 7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 804/QĐ-TTg công bố danh mục cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng biển.
Theo danh mục, trong 34 cảng biển Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển TP Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.
7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.
Danh sách 14 cảng biển: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang là cảng biển loại III.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021) được kỳ vọng sẽ tận dụng lợi thế vị trí địa lý điều kiện tự nhiên kết hợp khoa học, công nghệ để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam một cách bền vững, toàn diện, hiện đại, đồng bộ hạ tầng phụ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch mới kế thừa và phát huy thành quả của 20 năm xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia, vừa bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết hợp di dời chuyển đổi công năng để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống cảng biển; vừa đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số cảng biển và cụm cảng biển để trở thành đầu mối vận tải quan trọng trong nước và quốc tế, là trụ cột của kinh tế hàng hải, có vai trò thúc đẩy dịch vụ logistics, tạo thị trường vận tải nội địa để phát triển vận tải biển Việt Nam.
Quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu; cảng cửa ngõ quốc tế tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với lộ trình phù hợp, tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới; phát triển các cụm cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng gồm: Cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh; Cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Đông Hồi (Nghệ An); Cụm cảng Đà Nẵng, Quảng Nam, Dung Quất (Quảng Ngãi); Cụm cảng Quy Nhơn (Bình Định) – Vân Phong (Khánh Hòa); Cụm cảng TPHCM – Cái Mép Thị Vải...
Để phù hợp với điều kiện phân vùng kinh tế xã hội hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thu gọn thành 5 nhóm cảng biển. Theo đó, nhóm cảng biển số 1 gồm cảng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; Nhóm cảng số 2 từ các cảng biển Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế; Nhóm cảng số 3 gồm cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Nhóm cảng biển số 4 gồm cảng biển vùng Đông Nam Bộ và Nhóm cảng số 5 gồm các cảng biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có 1 cảng nước sâu, là cửa ngõ đưa hàng hoá của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hoá từ thế giới về vùng thông qua 1 cảng của khu vực. Khi có cảng biển kết hợp với Cảng hàng không Cần Thơ thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể từng hy vọng.